Những kiến thức quan trọng đối với cuộc sống
Không có gì ngạc nhiên khi học sinh Phần Lan làm các bài tập PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) rất tốt. Vì những bài trắc nghiệm này đánh giá kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế. Ví dụ, năm 2015, học sinh Phần Lan được xếp thứ 13 về môn Toán, đồng thời vẫn giữ những vị trí cao (thứ 5) ở cả 3 môn Toán, đọc hiểu và khoa học. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, bởi chương trình này có hơn 70 nước tham gia. Nhưng kết quả này vẫn chưa tốt so với năm 2009, khi Phần Lan thực sự dẫn đầu bảng xếp hạng, chỉ đứng sau thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Tính chất ứng dụng
Bạn sẽ không được nghe học sinh ở đất nước phương Bắc này hỏi những câu như “em cần hàm lượng giác làm gì?”. Trong giờ học, thầy giáo không chỉ giảng bài mới mà còn giới thiệu cho học sinh những kiến thức này được áp dụng như thế nào đối với nghề nghiệp tương lai hay giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn trong đời sống.
Ở trường THPT, học sinh tiếp thu những kỹ năng kinh doanh trong những tiết học thực hành của môn kinh tế. Các em nấu ăn, phân chia số lượng khẩu phần cần thiết, tính giá cả thực phẩm, diễn các cảnh mời thực khách “ngoại quốc” dùng các món ăn sẵn có bằng tiếng Anh, tính toán làm sao để “quán cà phê” của các em mang lại lợi nhuận.
Rất có thể, việc đánh mất vị trí trong bảng xếp hạng đã thúc đẩy người Phần Lan đưa khoa học xích gần hơn với cuộc sống. Họ đã khởi động một cuộc cải cách, theo đó, đến năm 2020 tại các trường phổ thông, thay cho các môn học riêng lẻ học sinh sẽ nghiên cứu các “sự kiện” hay “hiện tượng”. Quan điểm dạy liên môn rất rõ. Nó cho phép nhìn nhận các hiện tượng của thế giới xung quanh từ nhiều phía khác nhau và củng cố những kiến thức tiếp thu được trên thực tế một cách căn bản.
Môn Toán không quan trọng hơn môn Vẽ
Nguyên tắc bình đẳng xuyên suốt hệ thống giáo dục Phần Lan. Ở đây không có khái niệm trường “tinh hoa” và trường “bình dân”, quyền của trẻ em cũng quan trọng như quyền của giáo viên. Các môn học đều được coi trọng như nhau, không có sự phân biệt. Vì vậy, không ai dám mở miệng nói Toán là môn quan trọng hơn nghệ thuật hay lao động. Rất có thể, chính vì vậy mà học sinh Phần Lan không biểu hiện thái độ tiêu cực ngay cả đối với những môn khó.
Không bài tập về nhà?
Người Phần Lan cho rằng, học sinh cần phải có thời gian tham gia các tổ, nhóm theo sở thích, chơi với bạn bè và tiếp xúc với bố mẹ. Vì vậy, ở đây bài tập về nhà bị cấm. Trên thực tế, đó là những lời đồn hơi phóng đại.
- Có bài tập về nhà, nhưng số lượng rất ít để học sinh có thể hoàn thành hết trong 20 phút. Ví dụ, về môn Toán học sinh có thể làm vài phép tính số học đơn giản. Chủ yếu là để nắm vững công thức.
- Học sinh có thể chọn ngày hoàn thành và nộp bài tập. Không bắt buộc hôm nay giao ngày mai phải hoàn thành.
- Trọng tâm bài tập về nhà là cuộc sống xã hội và gia đình. Học sinh có thể được giao nhiệm vụ về nhà, ví dụ, đi đổ rác hoặc giúp bố mẹ làm các việc nhà khác, hoặc phỏng vấn về một chủ đề thú vị đối với các em.
Cũng như ở tất cả các hoạt động khác, trong giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường tập trung vào việc duy trì hứng thú nhận thức, giúp học sinh tìm hiểu thế giới xung quanh và cuộc sống nói chung.
Các bài kiểm tra bắt buộc cũng không có. Học sinh làm bài kiểm tra theo sự hướng dẫn của thầy giáo, còn điểm số được thông báo riêng cho từng học sinh, chứ không phải trước toàn thể lớp. Chỉ có một cuộc thi chuẩn hóa duy nhất được tiến hành năm 16 tuổi và học sinh có thể mang vào phòng thi đủ thứ tài liệu, từ sách tra cứu và máy tính đến máy tính bảng có nối mạng Internet.
Không thuộc bảng cửu chương – không xấu hổ
Học sinh Phần Lan từ 11 - 12 tuổi cảm thấy rất bình thường nếu không thuộc bảng cửu chương và làm các bài tập với sự trợ giúp của máy tính. Điều đó cũng không khiến các thầy giáo lo lắng, bởi vấn đề quan trọng đối với họ là học sinh có khả năng tìm được đáp án cần thiết.
Học sinh Phần Lan bắt đầu học phân số từ lớp 7, trong khi đó ở một số nước khác, học sinh làm các bài tập phân số từ lớp 2. Việc dạy học ở Phần Lan diễn ra theo chu kỳ. Ở lớp 7, các em học phân số sơ cấp, và một năm sau, trở lại với chủ đề này, nhưng học sâu hơn... Dần dần, không phải chạy đua theo chương trình dạy học, các em ôn đi ôn lại một số lần những điều đã học, đó là cách học ở đất nước phương Bắc này.
Việc chứng minh các định lý dường như không ai cần đến. Khả năng giải những bài tập gần gũi hơn với cuộc sống như chọn mua điện thoại di động và biểu giá tối ưu được chú trọng hơn nhiều.
Con đường chậm, nhưng chắc chắn dẫn tới kiến thức
Người Phần Lan cho rằng học sinh không được học vẹt các môn học, mà cần có kỹ năng tư duy. Vì vậy, hệ thống giáo dục Phần Lan quan tâm tới sự phát triển cá tính của học sinh. Tuy nhiên, ở đây người ta cũng không làm ồn ào về việc bồi dưỡng những học sinh “gà nòi” để dự thi olympic quốc tế về các môn học như ở nhiều nước khác. Học sinh học tập lẫn nhau, đồng thời phát triển kỹ năng làm việc đồng đội hầu như ở tất cả các môn học, tiếp xúc với nhau và cùng nhau giải quyết các vấn đề cụ thể.
Trong các trường phổ thông có thể có các lớp phân ban, nhưng ở đấy học sinh cũng sử dụng sách giáo khoa như trong các trường bình thường. Sự khác nhau thể hiện ở thời gian tiếp thu một chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, các loại sách với bài tập khó hơn đang dần dần xuất hiện ở Phần Lan.
Ngay từ các lớp tiểu học, học sinh Phần Lan đã được học sử dụng máy vi tính: Các em có thể trao đổi một cách thoải mái thông tin trên Internet, chia sẻ ảnh và suy nghĩ với bạn bè trên các blog của mình chỉ dành cho các bạn cùng lớp và bố mẹ. Để làm điều đó nhà trường thành lập các chương trình trực tuyến đặc biệt. Đây là một sáng kiến bổ ích nhằm giúp học sinh tự thể hiện, đồng thời cách ly với các mạng xã hội.