Vì sao hệ thống trường học Singapore thành công?

GD&TĐ - Hơn một thập kỷ qua, học sinh của Singapore cùng với Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thượng Hải, Hồng Kông và Phần Lan đứng trong top hoặc ở gần top đầu các trường quốc tế về khả năng ở 3 môn: Đọc hiểu, Toán và Khoa học. 

Học sinh Singapore học tập theo nhóm
Học sinh Singapore học tập theo nhóm

Những thành tích này đã thu hút sự chú ý của nhiều người, riêng các quốc gia phương Tây cũng nhận thấy họ cần phải xem lại chính mình. Singapore đã làm gì để có được kết quả đặc biệt này? Các lớp học thực hành ở đây có gì khác biệt? Đâu là sức mạnh trong logic giáo dục?

Hệ thống giáo dục có định hướng

Nhìn chung việc quản lý lớp học ở Singapore theo nguyên tắc đồng nhất rất cao ở tất cả các cấp học và môn học. Bài giảng được thực hiện một cách mạch lạc, phù hợp với thực tế và mục đích mà chương trình đã đề ra. Các bài kiểm tra cuối kỳ và thi hết cấp mang tính phân loại học sinh từ mức xuất sắc tới mức yếu, giúp học sinh nắm rõ thực lực của mình để tính toán việc học cho hiệu quả. Đặc biệt hệ thống bài giảng được thiết kế trên nền tảng sư phạm có sự kết hợp truyền thống phương Đông và phương Tây.

Tại trường học, giáo viên không quá chú trọng vào kiểm tra xem học sinh thu nạp được bao nhiêu kiến thức mà quan trọng hơn là phải biết các em có trả lời đúng những câu hỏi trong chương trình đề ra hay không. Điều đó cho thấy đích đến của giáo dục chính là hiệu quả sử dụng cao kiến thức. Chính nó đang giúp nền giáo dục Singapore phát triển vượt bậc trong một thế giới hội nhập.

Những logic trong dạy học

Hệ thống giáo dục ở Singapore là một sản phẩm khác biệt, có thể gọi là độc đáo, là sự hội tụ của việc giao thoa văn hóa, lịch sử và tôn giáo. Hệ thống giáo dục này đã cho thấy sự lan tỏa tới các quốc gia khác.

Song song với việc trao quyền tự chủ chi tiết cho các địa phương thì trong những năm gần đây, Singapore đã thực thi hệ thống quản lý giáo dục mang tính hội nhập cao, có sự liên kết, đầu tư lớn và có sự phân cấp quản lý khá rõ nét. Chỉ trong 4 năm từ 2003 - 2017 chính phủ Singapore cam kết đầu tư 109 triệu đô la Mỹ cho nghiên cứu giáo dục và quản lý kiến thức, hỗ trợ phương pháp làm chính sách dựa trên bằng chứng. Singapore cam kết mạnh mẽ việc xây dựng năng lực cán bộ quản lý và giáo viên một cách chuyên nghiệp, đặc biệt là việc tuyển chọn, đào tạo hiệu trưởng và giáo viên.

Với môi trường đại học, họ quy trách nhiệm của giáo viên dựa trên kết quả học tập của sinh viên. Việc làm này khiến cho nội dung chương trình và công tác giảng dạy có chất lượng hơn rất nhiều.

Ngoài việc sử dụng tiếng Anh trong công việc, để gìn giữ truyền thống, giáo viên và học sinh Singapore sử dụng rộng rãi ngôn ngữ bản địa, đây chính là môn cơ sở định hình cho toàn bộ hệ thống, giúp việc dạy và học được diễn ra một cách tự nhiên.

Kỳ thi chuyển cấp quan trọng cho cả giáo viên và học sinh
  • Kỳ thi chuyển cấp quan trọng cho cả giáo viên và học sinh

Cải cách giáo dục như thế nào?

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á những năm 1990, các nhà chính sách ở Singapore nhận ra mô hình sư phạm trước đây mà họ từng cho là hữu hiệu để đưa Singapore lên danh sách top đầu thế giới về giáo dục giờ đã lỗi thời. Kiến thức thế hệ trẻ đang có chưa đáp ứng được hàng loạt các đòi hỏi của toàn cầu hóa và nền kinh tế kiến thức thế kỷ 21. Trong hai năm từ 2004 - 2005 về cơ bản chính phủ nước này đã hình thành được bộ khung sư phạm mà họ muốn hướng đến, đó là: “Dạy ít hơn, học nhiều hơn”. Nguyên tắc này quy định giáo viên không chỉ quan tâm tới số lượng của việc học và các bài kiểm tra mà họ cần tập trung vào chất lượng và áp dụng tất cả các công nghệ có được vào lớp học.

Thực tế đã chứng minh điều này là đúng. Dựa trên mối liên hệ giữa phương pháp giảng dạy và việc học tập của học sinh trong mô hình trên, người ta thấy rằng các phương pháp truyền thống và phương pháp tương tác trực tiếp có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với phương pháp giảng dạy cơ bản trước đây, trong đó thày trò chỉ lo dạy, học tủ để thi đỗ.

Thêm vào đó, phương pháp mới sẽ giúp học sinh đạt được kết quả học tập có chất lượng như mục đích của chương trình, từ đó đánh giá được năng lực và trách nhiệm của giáo viên. Người ta cũng tính đến một sự thay đổi nữa, đó là hệ thống đánh giá bài thi quốc gia ở

Singapore nên được kết hợp với hệ thống đánh giá trường học, học sinh sẽ được học theo chiều sâu chứ không phải học để trả thi.

Cuối cùng, một trong những thách thức mà Bộ Giáo dục Singapore phải giải quyết là xây dựng được bộ tiêu chuẩn dạy giỏi – dạy có trách nhiệm. Bên cạnh đó cơ quan này cũng xác định rõ hướng đi của ngành sư phạm năng lực cao nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu của môi trường đại học trong thế kỷ 21, đặc biệt là công tác phát triển năng lực sinh viên để các em có thể cống hiến toàn bộ chất xám trong tất cả các lĩnh vực mà xã hội đang cần.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ