Để bảo tàng không xa lạ

GD&TĐ - Quyết không chịu cảnh đìu hưu vắng khách, nhiều bảo tàng đồng loạt đổi mới từ hình thức tới nội dung thật hấp dẫn để thu hút khách tham quan. 

Để bảo tàng không xa lạ

Mỗi bảo tàng một cách làm riêng song đây là động thái cần thiết trong bối cảnh số đông khách tham quan, du lịch chưa có nhu cầu thói quen tìm đến bảo tàng. Mặt khác, các lữ hành du lịch và bảo tàng cũng chưa có sự bắt tay chặt chẽ trong vấn đề đưa bảo tàng và khách tham quan đến gần nhau.

Vắng khách - vì đâu?

Tại Hà Nội đã có thời nhiều bảo tàng rơi vào tình vắng khách. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một trong những điều quan trọng khiến các nơi đây chưa trở thành những địa chỉ văn hóa hấp dẫn, thiếu sức hút khách tham quan bởi sự nhếch nhác thiếu đầu tư và đơn điệu từ bên trong tới bên ngoài.

Có bảo tàng cho cửa hàng ăn uống, bia hơi thuê mặt tiền. Khách đến không có chỗ đỗ xe, vừa khó có thể chụp một bức ảnh toàn cảnh bởi bảo tàng này bị những chiếc ô tô phủ bạt vây kín.

Tại một bảo tàng khá tiếng tăm ở Hà Nội thì cửa hàng lưu niệm xập xệ đến khách cũng cảm thấy xấu hổ trước bạn bè du khách quốc tế.

Cũng có bảo tàng dành ra khoảng khuôn viên nhất định để cho các đám cưới thuê địa điểm tổ chức tiệc và thậm chí còn phục vụ cả cơm bình dân lẫn kem tươi giải khát... Nhiều khách tham quan từng kêu trời trước tình trạng, bước chân vào phòng trưng bày là ngửi thấy mùi thức ăn, chưa kể hàng quán không được gia cố thẩm mỹ, rất nhếch nhác, lộn xộn

Trên thế giới, chuyện bảo tàng có được làm dịch vụ hay không đã được giải quyết êm thấm bằng các chính sách cho phép mở cửa phát triển. Còn ở Việt Nam, làm dịch vụ không phải là chuyện mới đối với một số bảo tàng thời gian qua. Chính vì vậy việc một số bảo tàng cho thuê địa điểm làm nhà hàng, tổ chức đám cưới, đỗ ô tô, làm gallery hay phát triển tràn lan, ồ ạt các loại hình dịch vụ trong bảo tàng và khoán trắng cho tư nhân… không quá mới lạ.

Và hậu quả là bảo tàng nhếch nhác, khách tham quan không thiện cảm và khó chịu. Bảo tàng không thực sự là địa chỉ văn hóa hấp dẫn người xem cũng như các hoạt động du lịch tổ chức cho khách tham quan. Và đáng tiếc, những khối lượng di sản khổng lồ đang được trưng bày và lưu giữ trong các bảo tàng không thể phát huy hết giá trị, ý nghĩa…

Một trong những nguyên nhân một thời khiến các bảo tàng như trở thành “kho” chứa hiện vật di sản, khách không tìm đến bởi sự thiếu đổi mới nội dung hình thức bên trong (từ kiểu thiết kế, trưng bày hạn chế, thụ động) và đặc biệt thiếu hẳn những chiêu thức quảng bá để khách biết và bị thu hút.

Đổi mới để tồn tại

Mới đây, chủ trương kết nối bảo tàng với nhà hát để tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch của Bộ VHTT&DL đã được nhiều bảo tàng thực hiện và phát huy có hiệu quả. Các bảo tàng để tìm tồn tại và phát triển buộc phải chủ động cùng kết hợp với các đơn vị, lữ hành du lịch tìm ra giải pháp đưa bảo tàng đến khách tham quan, du lịch.

Bảo tàng lịch sử Quốc gia (BTLSQG) đã tập trung vào các đề án về chỉnh trang, nâng cấp hệ thống trưng bày, dịch vụ, không gian cảnh quan. Với đặc thù tính hàn lâm cao, thời gian tới BTLSQG còn tập trung đầu tư nâng cấp, đổi mới toàn diện hệ thống trưng bày; tăng cường tổ chức các sự kiện thu hút khách tham quan; nghiên cứu xây dựng khu khám phá sáng tạo, tương tác, trải nghiệm 3D...

Đồng thời, tích cực thúc đẩy quảng bá hình ảnh Bảo tàng trên thông tin đại chúng; kết nối với các Bảo tàng, Nhà hát để tăng cường quảng bá, thu hút du khách; phối hợp chặt chẽ với các tour, tuyến phục vụ du lịch…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTT&DL về sắp xếp, quy hoạch, chỉnh trang hoạt động khai thác dịch vụ tại Bảo tàng, BTLSQG đã chỉ đạo dừng hoạt động của khu dịch vụ phục vụ khách tham quan, thanh lý hợp đồng và treo biển thông báo đóng cửa khu dịch vụ (Nhà hàng Lan Chín) theo đúng thời hạn mà Bộ yêu cầu. Bảo tàng cũng đã thu hồi mặt bằng khu vực dịch vụ này, đồng thời triển khai xây dựng phương án cải tạo, nâng cấp trình Bộ VHTT&DL…

Với nỗ lực đổi mới để tồn tại và phát triển, trong thời gian gần đây số lượng khách tham quan đến BTLSQG ngày càng đông, nếu trước đây chỉ khoảng 40 ngàn lượt người/năm thì những năm gần đây con số này đã tăng lên xấp xỉ 200 ngàn lượt người/năm.

Còn với bảo tàng Hà Nội, UBND thành phố HN vừa quyết định điều chỉnh kịch bản trưng bày của Bảo tàng Hà Nội đến năm 2019. Theo đó, từ một số hạng mục thiết kế đến các nội dung trưng bày hiện vật, kết nối âm thanh, ánh sáng... sẽ được điều chỉnh theo hướng hấp dẫn hơn để có thể thu hút đông đảo khách tham quan, hướng tới một bảo tàng hiện đại, thể hiện được đặc trưng văn hóa, lối sống con người và lịch sử Hà Nội.

Được biết, hiện nay Bảo tàng Hà Nội đang trưng bày khoảng 3.000 hiện vật theo các chuyên đề ngắn hạn. Đơn vị này đang rất tích cực cho phần thực hiện đề cương chi tiết nội dung trưng bày với cách tổ chức thành 4 nhóm nội dung cùng song song thực hiện các chủ đề với sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn trong nước và chuyên gia Pháp.

Giai đoạn thi công trưng bày sẽ bắt đầu triển khai vào quý II năm 2018, hoàn tất vào cuối năm 2019. Những nội dung trưng bày đang thực hiện sẽ là một sản phẩm trưng bày hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến với Bảo tàng Hà Nội.

Cũng với sự quyết tâm đổi mới để thu hút du khách, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã tổ chức chương trình khảo sát, tọa đàm lấy ý kiến với sự thu hút sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Tại đây, nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tăng tính hấp dẫn cho điểm đến này đã được đưa ra. Đó là cần cải tạo cảnh quan, làm hấp dẫn thiết kế trưng bày cùng các giải pháp kết nối khách.

Nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi tập hợp tới 20.000 hiện vật, tư liệu mỹ thuật có giá trị, song trình bày thiếu sống động.

Nếu sử dụng thuyết minh sẽ gây lộn xộn, không ấn tượng. Nhiều bảo tàng trên thế giới không cứ phải có thuyết minh, bởi đôi khi thuyết minh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách. Để thu hút khách, nhiều khi ta phải dụ họ bằng cả tiểu xảo, khuyến khích trí tưởng tượng, gây tò mò…

Bên cạnh đó, bảo tàng cũng cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và tăng tính trải nghiệm. Để phục vụ đối tượng khách muốn tìm hiểu sâu hơn về hội họa, mỹ thuật, điêu khắc, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nên cho khách trải nghiệm thực tế.

Đơn giản và hiệu quả, đó là bên cạnh khu trưng bày tác phẩm điêu khắc sẽ cho một nghệ nhân ngồi tạc tượng, minh họa cùng bộ sưu tập tranh có một họa sĩ ngồi vẽ... Thông tin phong phú, hình ảnh trực quan sống động sẽ tạo cảm giác thú vị và lôi cuốn tới đa phần khách tới tham quan, trải nghiệm.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thu hút khách tham quan bảo tàng đã từng là vấn đề được đề cập của các cấp quản lý văn hóa và nhà khoa học, các bảo tàng… Mới đây, chủ trương kết nối bảo tàng với nhà hát để tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch của Bộ VHTT&DL như cú hích buộc các bảo tàng nhìn nhận, đánh giá và nâng cấp chính mình để tồn tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ