Từ đổ nát đến hồi sinh

GD&TĐ - Đó là chủ đề cuộc Triển lãm về sự hủy diệt của bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ 2, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, khai mạc hôm nay (25/9), tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Đây là sự kiện được phối hợp thực hiện bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội); Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Quốc gia dành cho nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử Nagasaki (Nhật Bản) về sự hủy diệt của bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Triển lãm này lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và là lần thứ 12 được Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Quốc gia dành cho nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử Nagasaki phổi hợp tổ chức ở nước ngoài.

Tham dự Lễ khai mạc Triển lãm có: Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - GS.TS Phạm Quang Minh; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda; Giám đốc Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Quốc gia dành cho nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử Nagasaki Masanobu Chita; cùng đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và các Đại sứ; đại diện các cơ quan ngoại giao có quan hệ hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và một số nhân chứng sống của hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Triển lãm trưng bày 36 bức ảnh về sự hủy diệt của hai vụ ném bom đối với Hiroshima và Nagasaki và cũng như hình ảnh về sự hồi sinh của Hiroshima và Nagasaki. Thông qua Triển lãm này, Ban tổ chức muốn nhắc nhở các thế hệ tương lai về tội ác của chiến tranh và kêu gọi mọi người xây dựng một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân.

Khách tham quan triển lãm
Khách tham quan triển lãm 

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: Cách đây 72 năm, vào những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, hai thành phố Hiroshima và Nagashaki của Nhật Bản đã phải hứng chịu hậu quả thảm khốc từ hai quả bom nguyên tử, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân vô tội và để lại di sản thảm khốc cho các thế hệ tiếp theo. Đó là nỗi đau không chỉ của người Nhật mà của toàn nhân loại yêu chuộng hòa bình.

Việt Nam hiểu rõ giá trị quý báu của hòa bình và sự tàn khốc của chiến tranh vì từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã phải trải qua ít nhất ba cuộc chiến tranh. Nhưng cũng giống như Nhật Bản, từ đống tro tàn của chiến tranh, Việt Nam đã đứng lên xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

“Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn rất vinh dự là đơn vị được đăng cai tổ chức Triển lãm về thảm họa bom nguyên tử lần đầu tiên tại Việt Nam. Hi vọng, triển làm sẽ thành công cuộc tốt đẹp, qua đó góp phần truyền đi thông điệp hòa bình mạnh mẽ đến đông đảo nhân dân, nhất là thế hệ trẻ” -GS.TS Phạm Quang Minh cho biết thêm.

Cũng tại buổi Lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda, Giám đốc Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Quốc gia dành cho nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử Nagasaki Masanobu Chita cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phối hợp tổ chức Triển lãm. Đồng thời, hy vọng, triển lãm này sẽ giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiểu hơn về những đau thương, mất mát và hậu quả nặng nề của vũ khí hạt nhân, đồng thời cũng là lời kêu gọi cho một thế kỷ 21 hoà bình.

Nhân dịp này, các đại biểu tham dự và các em sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được giao lưu với một số nhân chứng của thảm kịch hạt nhân ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Triển lãm diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) từ 25/9 đến hết 5/11/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...