Tìm hướng kết nối
Chuyến khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành và đại diện cơ quan thông tấn báo chí cùng đại diện cơ quan quản lý du lịch khảo sát Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu bằng một tour tham quan 30 phút. Thuyết minh viên đưa đại diện các hãng lữ hành đi một vòng các phòng trưng bày hiện vật, tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng. Sau khi kết thúc tham quan, hầu hết các doanh nghiệp đều chung nhận định diện mạo Bảo tàng còn thiếu ấn tượng.
Ông Đỗ Quang Tiến, Giám đốc TYPIC Travel góp ý, cách trưng bày tại Bảo tàng còn thiếu sống động. Hiệu quả quảng bá, ấn tượng thị giác về các hiện vật, bảo vật quốc gia sẽ tăng thêm rất nhiều nếu có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại như 3D hay thuyết minh audio guide… Mặt khác, cũng cần cải thiện cách xây dựng hình ảnh của Bảo tàng.
Hiện nay, Việt Nam có hệ thống bảo tàng trải dài khắp các vùng miền đất nước. Nhiều bảo tàng đón lượng lớn khách tham quan trong năm như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM, Bảo tàng Dân tộc học...
Tuy nhiên, công tác liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng để phát huy sức mạnh, tăng cường quảng bá thu hút khách còn rất hạn chế. Chuyến thực tế khảo sát Bảo tàng Mỹ thuật của các doanh nghiệp là một trong những chương trình nhằm triển khai kế hoạch kết nối các bảo tàng với nhà hát theo chủ trương của Bộ VH-TT&DL. Đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin, xây dựng sản phẩm du lịch mới, gặp gỡ, hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp lữ hành với bảo tàng, đơn vị tổ chức nghệ thuật.
Tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn
Sự đơn điệu, thiếu sống động, thông tin hạn chế, ấn tượng thị giác không cao... đang khiến cho các bảo tàng gặp sức ép không nhỏ trước sự khiêm tốn của lượng khách hằng năm. Bảo tàng chính là nơi kể những câu chuyện hấp dẫn nhất về kho báu mỹ thuật Việt, tuy nhiên, kể thế nào cho hấp dẫn thì phải nghiên cứu và nỗ lực thay đổi…
Chính vì thế, để tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch, sau khi tham quan bảo tàng, các đại biểu thưởng thức chương trình nghệ thuật dân gian tại Rạp Hồng Hà với nhiều tiết mục đặc sắc ở bốn loại hình âm nhạc di sản phi vật thể thế giới: Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ, tín ngưỡng hát văn thờ mẫu.
Show diễn được tổ chức định kỳ các ngày thứ Ba, thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần. Từ đó, đại diện các hãng lữ hành đã đóng góp nhiều ý kiến về quy trình, cách thức tổ chức tour nhằm nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, bảo tàng và nhà hát đều rất nỗ lực trong việc xây dựng các sản phẩm kết nối với du lịch, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị lữ hành để tạo nên các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách khi tới Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần quảng bá văn hoá, nghệ thuật của Việt Nam tới du khách quốc tế.
Hướng phát triển bảo tàng với nhà hát, gắn với du lịch, phục vụ du lịch là phương thức hoạt động phổ biến hiện nay ở hầu khắp các bảo tàng trên thế giới.
Bảo tàng với các phương thức năng động của mình thông qua hoạt động du lịch có thể kết hợp với nhà hát trở thành những thiết chế văn hóa giáo dục đặc biệt, không những là nơi lưu giữ, tuyên truyền quảng bá các giá trị di sản văn hóa mà còn là “cầu nối” công chúng với quá khứ và tương lai. Nếu biết khai thác, phát huy một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.