(GD&TD)-Sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp trung ương.
Rất nhiều vũ khí nóng được dân chơi mang theo người khi Công an Hà Nội khám xét tại nhà nghỉ ở quận Cầu Giấy (ảnh MH) |
Ý kiến của các đại biểu đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số đại biểu nêu băn khoăn về tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội có xu hướng ngày càng ít tuổi, thậm chí chống lại người thi hành công vụ. Đặc biệt, đã xuất hiện tội phạm phi truyền thống, sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí nóng với nhiều hành vi mang tính man rợ.
Nhiều đại biểu khác có chung ý kiến khi cho rằng, tội phạm ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi hơn. Có nhiều loại tội phạm mới hơn, khó khăn cho công tác đối phó, trấn áp. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng nói tội phạm có tổ chức, có sử dụng công nghệ, tội phạm giết người ngày càng nhiều, nhiều vụ giết người man rợ, tội phạm trẻ hóa. Ngoài ra, tội chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng. Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên.
Theo các đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó có tác động của nền kinh tế thị trường; sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc kiểm soát, giáo dục con cái.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính kiến nghị: “Một trong những nguyên nhân là do đầu tư cho cơ sở của chúng ta chưa thỏa đáng. Mặt khác, vai trò của lực lượng công an chưa phát huy tối đa. Cần thấy rõ là vai trò của công an rất quan trọng, vì tội phạm bây giờ rất tinh vi, trình độ cao. Hầu hết các đối tượng phạm tội trên địa bàn công an đều biết, tại sao xử lý không được, phải nâng cao vai trò của công an lên”.
Đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) cho rằng báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ tuy đã đề cập đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều mặt chưa được làm rõ. “Cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể nhân dân. Công tác tuyên truyền chưa có chiều sâu khiến nhiều người vẫn vi phạm. Sức mạnh của hệ thống chính quyền chưa ổn, có nhiều vụ việc xảy ra ngay trên địa bàn mà chính quyền không biết. Sức tấn công tội phạm của các lực lượng chức năng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm”, đại biểu Trịnh Xuyên nói.
Cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu Trịnh Xuyên đề nghị phải nâng cao sức chiến đấu của chính quyền cấp cơ sở đề ngăn ngừa được tội phạm ngay trên địa bàn của mình. Lực lượng chức năng cần tấn công trực diện, mạnh mẽ vào các hình thức tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì đề nghị cần rà soát hệ thống pháp luật để tránh tình trạng lợi dụng sơ hở kẽ hỡ của pháp luật để phạm tội, né nội.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế bảo vệ người thực thi công lý, đừng để tình trạng công an phải sống chung với tội phạm vì sợ tội phạm trả đũa. Thực tế cũng cho thấy, chính sách cho công an, xã hội hiện nay còn quá thấp. Sự phối hợp giữa các lực lượng công an-bộ đội biên phòng trong phòng chống tội phạm cũng chưa chặt chẽ.
Trong phiên thảo luận sáng nay, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) phát biểu: Phật giáo sẵn sàng đưa chính sách pháp luật của Nhà nước vào các buổi thuyết giáo Phật pháp. Qua đó góp phần làm giảm tội phạm trong xã hội. Tuy nhiên, theo Thượng Tọa Thích Thanh Quyết thì “Báo chí không nên mô tả các hành vi của tội phạm, vì như thế sẽ kích thích các đối tượng tội phạm khác học theo”.
Trong khi đó, Thượng Tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng để phòng chống tội phạm, cốt yếu phải bắt đầu từ nền tảng gia đình. “Nhiều gia đình hiện nay khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường. Cần phải tăng cường đạo đức, văn gia đình để phòng ngừa tội phạm, gắn kết gia đình-nhà trường-các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Nên tổ chức tập huấn cho các gia đình về kiến thức pháp luật, coi đó là tiêu chuẩn để được đăng ký kết hôn”, vị Hòa thượng này đề xuất.
Các đại biểu đề nghị các cơ quan pháp luật cần kiên quyết hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đề xuất nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Minh Duy