Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cần có chính sách ưu tiên đối với sinh viên học đại học sư phạm giống như trường đại học công an, quân sự nhưng với điều kiện thi phải điểm cao và "điểm sàn" phải rất cao so với các ngành khác.
Ngoài ra, nếu có chính sách sinh viên sư phạm sau khi ra trường được tuyển thẳng vào ngành mà không xét tuyển và với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, suất sắc sẽ được hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với các trường hợp khác.
Như vậy mới có học sinh giỏi vào ngành sư phạm, sinh viên an tâm khi học ra trường có việc làm ổn định, lương bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Qua đó sẽ thu hút được sinh viên giỏi vào các trường sư phạm.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết là chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm và cần có chính sách đổi mới mạnh mẽ hơn.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước và đại biểu cử tri rằng: Cần thực hiện chế độ đối với sinh viên và nhà giáo như những ngành công an, quân đội.
Tuyển sinh đầu vào có sơ tuyển, coi trọng tiêu chí hạnh kiểm, đạo đức và học lực; chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế, sinh viên ra trường được bố trí công tác, được đãi ngộ xứng đáng và giáo viên có thể có mức sống cao từ đồng lương của mình. Có như vậy mới đủ sức thu hút người giỏi, nhân tài vào học các ngành sư phạm.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) đề xuất, cần có chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi, giáo viên tốt. Giáo viên giỏi thì sẽ đào tạo học sinh giỏi, những người giáo viên đó thực sự là "vừa hồng vừa chuyên". Nói như nhà thơ Ấn Độ, nếu như một người thầy tốt thì sẽ có một thế hệ học sinh tốt.