Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến: Tôi thống nhất về giải trình của Ủy ban thường vụ về triết lý giáo dục, không quy định cụ thể điều riêng về triết lý giáo dục. Về hoàn thiện hệ thống giáo dục liên thông, mở. Tôi thống nhất quy định một số điều khoản về phân luồng, hướng nghiệp. Điều quan trọng là quy định phù hợp nhằm tránh những hạn chế như hiện nay. Cần sửa cả Luật giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo thống nhất giữa các luật sau khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Về chương trình SGK, đang được dư luận quan tâm, đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Tạo |
Bày tỏ quan điểm thống nhất về một số quy định trong dự thảo Luật GD (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), góp ý kiến: Riêng về liên thông trong giáo dục là cần thiết, tuy nhiên cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Chính sách đối với người học, đề nghị có chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm giống như các trường công an, với điều kiện là điểm cao. Sinh viên ra trường được xếp việc làm. Cần giao quyền chủ động cho các nhà trường, nhưng cũng cần có cơ chế kiểm soát để tránh “lạm quyền”. Cần tăng cường kiểm định chất lượng GD trong các nhà trường.
Đại biểu Phạm Văn Hòa |
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ý kiến về vai trò trách nhiệm của gia đình, xã hội tham gia vào giáo dục. Gia đình có trách nhiệm với việc hoàn thành phổ cập giáo dục bắt buộc của con cái. Sẽ bất công nếu đổ hết lỗi cho GD, nhà trường. Bệ đỡ nhà trường không thể hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ của gia đình.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân |
Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định): Nâng chuẩn giáo viên là cần thiết, trong đó có giáo viên mầm non, nhằm đảm bảo phù hợp với phát triển xã hội và bắt nhịp với xu thế của khu vực và thế giới. Vấn đề quan trọng là nâng chuẩn GV có nâng chuẩn chất lượng hay không? Bởi nâng chuẩn chất lượng là quan trọng. Cùng với đó, cần có một số chính sách đi kèm như: Vấn đề tuyển dụng và chế độ đãi ngộ… Đại biểu Thảo đề nghị, cần bổ sung quy định về cơ sở công nhận trường chuẩn quốc gia.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo |
Còn theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông): Chi ngân sách cho giáo dục tối thiểu là 20%. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng thời gian qua, con số này khó đạt được mức tối thiểu. Cần thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách cho GD. Luật này chỉ xây dựng nguyên tắc ưu tiên cho GD, còn việc phân bổ, chi ngân sách cho GD nên căn cứ vào tình hình thực tế.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang |
Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) góp ý kiến: Về chính sách đối với người học và người làm trong ngành GD. Dự thảo luật đã thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Riêng đối với chính sách cho sinh viên sư phạm, tôi đề nghị cần có chế độ chính như ngành công an, quân đội nhằm thu hút được nhân tài cho ngành Giáo dục. Mục tiêu của chính sách là thu hút người giỏi vào sư phạm. Do đó, cũng cần có quy định tuyển sinh, sinh viên ra trường phải được sắp xếp việc làm và có ưu đãi về thu nhập tương xứng. Tôi tán thành với quy định nâng chuẩn đối với giáo viên nhưng cần có lộ trình hợp lý. Tôi đề nghị lộ trình nâng chuẩn của giáo viên từ nay đến năm 2030. Ngoài ra cần có quy định thống nhất về độ tuổi nhận trẻ mầm non ở các trường công lập.
Đại biểu Triệu Thanh Dung |
Ý kiến của đại biểu Bùi Thị Thủy (đoàn Thanh Hóa): Về phương pháp giáo dục, đề nghị bổ sung vào Điều 7 cụm từ “lấy người học là trung tâm). Đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời chuyển nội dung điều 20, điều 21, thêm hành vi phân biệt đối xử vào các hành vi bị nghiêm cấm. Về cơ sở GD phổ thông, đề nghị trong luật có thêm quy định về trường có nhiều bậc học. Liên quan đến quy định hội đồng trường, đại biểu đề nghị cần bổ sung thành phần là người dại diện cho học sinh. Cũng theo đại biểu, đề nghị thay từ “động viên” thành “tuyên truyền” nhằm thể hiện hết trách nhiệm của các tổ chức xã hội đối với giáo dục.
Đại biểu Bùi Thị Thủy |
Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) góp ý: Dự thảo lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến của các đại biểu và cử tri. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản cấm có hành vi gây rối, xâm phạm an toàn, an ninh trường học và có thêm quy định tôn trọng sự khác biệt của học sinh ở mọi cấp học. Về trình độ đào tạo của nhà giáo, điều 32, đại biểu thống nhất với quy định như trong dự thảo nhưng phải có lộ trình phù hợp và tạo điều kiện để giáo viên hoàn thiện chuẩn; tránh tình trạng chạy theo bằng cấp. Ngoài ra, cần quy định các chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy hòa nhập. Có chính sách, chế độ miễn giảm học phí đối với học sinh phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Âu Thị Mai |
Góp ý của đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi): Việc quy định về SGK như trong dự án Luật sẽ tránh tình trạng độc quyền về SGK. Đây là quy định quan trọng, tác động đến xã hội; ban soạn thảo nên có phương án để trình Quốc hội xem xét. Những vụ việc vừa qua như: Bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, đạo đức nhà giáo, đề nghị có quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà trường từ giải trình đến trách nhiệm giải quyết sự việc. Để có giáo viên giáo viên giỏi thì cần có sinh viên giỏi, và để có sinh viên giỏi thì cần học sinh giỏi. Như vậy, vấn đề quan trọng là chúng ta cần có chế độ, chính sách và cơ chế để thu hút người giỏi vào học sư phạm.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang |
Đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) đánh giá rằng Ủy ban thường vụ chỉ đạo rất quyết liệt, Ban soạn thảo đã quyết tâm trình Quốc hội dự thảo Luật tại kỳ họp này. Qua đó thể hiện trí tuệ tập thể. Đảng, Nhà nước đã có chính sách rõ ràng về phát triển giáo dục. Một số sự việc xảy ra trong các nhà trường trong thời qua khiến dư luận bức xúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã xuống tận cơ sở để giải quyết. Đây là việc rất đáng hoan nghênh nhưng cũng đặt ra vấn đề công tác quản lý, trách nhiệm của cơ sở. Về trách nhiệm của xã hội, cần quy định lại để thể rõ trách nhiệm của xã hội và gia đình cho giáo dục.
Đại biểu Phạm Trí Thức |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng: Dự thảo Luật lần này rất rõ ràng và thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Ban soạn thảo. Quy định về liên thông trong dự thảo luật là hợp lý. Ngoài ra, một số quy định khác trong dự án Luật cũng thể hiện khá tốt. Tuy nhiên, Điều 32 quy định về SGK, có thể nói cách viết dễ gây hiểu nhầm. Mặc dù vậy, báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ thì chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là công cụ… Giải trình này rõ ràng, sáng sủa và có lý. Vấn đề là làm sao để điều này thể hiện được vào trong Luật, để không bị hiểu lầm như trong thời gian qua. Điều mà tôi và cử tri mong muốn là sau khi Luật này có hiệu lực thì thầy ra thầy, trò ra trò.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí |
Thống nhất với Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), tuy nhiên đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn quy định độ tuổi nhận trẻ từ 3 tháng vì khó khả thi. Đại biểu đề nghị nên nhận trẻ từ 6 tháng tuổi.
Đại biểu Yến cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về hình thức học. VD: hình thức học home study (học tại nhà) chỉ cần các em trải qua kỳ thi theo quy định là có thể chấp nhận. Ngoài ra, Ban soạn thảo nên nghiên cứu về loại hình trường, điều kiện thành lập trường, trong đó có quy định về điều kiện đất đai. Đại biểu đặt vấn đề, tại Điều 75 dự thảo Luật quy định ngày Nhà giáo 20/11, có nên quy định ngày khai giảng là 5/9 hay không. Ban soạn thảo có thể nghiên cứu thêm. Về ngôn ngữ, đại biểu Yến cũng thống nhất quy định tiếng Việt là ngôn ngữ bắt buộc, ngoài ra trong xu thế hội nhập có thể phát triển ngôn ngữ khác.
Đại biểu Trần Kim Yến |
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đồng tình cao với báo cáo giải trình, thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đại biểu đề nghị, cần làm rõ việc đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học; học phải đi đôi với hành. Chế độ cử tuyển, đại biểu cho rằng nên đổi tên thành “đào tạo có địa chỉ”, đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số rất ít người. Theo đại biểu, việc xây dựng các công trình giáo dục nếu chỉ đưa vào quy hoạch là chưa đủ, nên đề nghị Ban sạn thảo cần nghiên cứu thêm để có những quy định trong Luật để đảm bảo tiêu chí ưu tiên đầu tư cho giáo dục.
Chia sẻ thêm với đại biểu Quốc hội, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Ông Bình nhấn mạnh 4 quan điểm lớn khi điều chỉnh luật này đó là: Quan điểm 1: mở và liên thông. Lần này Luật đặt vấn đề đến giáo dục bắt buộc. Theo đó nêu rõ trách nhiệm của gia đình, xã hội đến đâu để đảm bảo trẻ em đến tuổi được đến trường. Về cơ chế liên thông, nguyên tắc của cơ chế liên thông là khung trình độ 8 bậc. Chúng ta đặt vấn đề không chỉ liên thông trong nước mà còn liên thông với quốc tế. Thi THPT quốc gia, chúng ta tiến tới đánh giá nghiêm túc, trước mắt cần có đánh giá chuẩn để có thể liên thông với nước ngoài. Về tên gọi, tiểu học, THCS, THPT có tính liên thông hệ thống, bao gồm cả vấn đề tâm sinh lý. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu.
Quan điểm 2: Năng lực và phẩm chất. Chú trọng phát triển năng lực HS.
Quan điểm 3: Rất mong muốn trong GD phổ thông là dân chủ, còn đại học là tự chủ.
Quan điểm 4: đảm phát triển trường công – tư công bằng, góp sức vào phát triển hệ thống giáo dục.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, Ban soạn thảo đã hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Thay mặt Ban soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội trân trọng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật sẽ có bản báo cáo giải trình về một số nội dung đại biểu còn băn khoăn. Nhân đây, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời cảm ơn đến cử tri cả nước, các các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên đã có ý kiến góp ý cho dự thảo luật này.
Luật Giáo dục (sửa đổi) là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chuyên gia tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng 4/2019.
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như: về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục.
Dự kiến ngày 14/6, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).