Phiên tòa giả định đưa ra xét xử vụ án về tội hành hạ người khác đối với bị cáo Lê Thị Đông và Nguyễn Lê Thiên. Đây là một bản án có thật đã được các luật sư biên tập lại về quê quán, năm sinh, địa chỉ thường trú, tên họ.
Theo đó, Lê Thị Đông thuê nhà mở trường mầm non để giữ trẻ từ 1 đến 4 tuổi nhưng không có giấy phép kinh doanh. Lê Thị Đông thuê Nguyễn Lê Thiên và 2 người khác vào làm bảo mẫu.
Trong thời gian từ ngày 6 đến 12/12/2018, Thiên và Đông đã có nhiều hành vi bạo hành hai trẻ là Khang và Hòa như đánh lên lưng cháu nhiều cái, dùng tay đè đầu trẻ sang một bên; vác trẻ lên kê đầu vào thùng có chứa nước và đánh lên vai trẻ nhiều lần, tát vào mặt trẻ, dùng tay bóp cổ cháu rồi lắc mạnh hay đè ngửa ra để đổ sữa vào miệng...
Phiên toàn nghe chủ tọa đọc tuyên án |
Tại cơ quan cảnh sát điều tra cả hai bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Hành vi của hai bị cáo đã phạm tội Hành hạ người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, nghiêm minh, Hội đồng xét xử tuyên hai bị cáo Lê Thị Đông và Nguyễn Lê Thiên mức hình phạt mỗi người 3 năm tù, tính từ ngày tạm giam bị cáo. Hai bị cáo phải bồi thường cho bị hại mỗi người là 20 triệu đồng.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, thời gian qua, Hội phối hợp với đơn vị trường học để tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua nhiều chuyên đề như về phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống ma túy; ngăn chặn xâm hại tình dục đối với trẻ em… bằng phiên tòa giả định.
Phiên tòa giả định tổ chức tại Trường THCS Bàn Cờ diễn ra như một phiên tòa thật. |
Qua phiên tòa giả định, ban tổ chức muốn tuyên truyền, giáo dục với đối tượng là cô bảo mẫu, giáo viên hiểu nắm chắc về kiến thức pháp luật. Trong trường học phải thương yêu, chăm sóc con trẻ, không được bạo hành trẻ dù với hình thức nào. Luật Trẻ em đã thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/6/2017. Trong đó, Điều 6 về những hành vi nghiêm cấm có khoản 3 về Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
Trên thực tế, vẫn có người còn nghĩ, đánh trẻ em… chỉ bị xử phạt hành chính. Theo đó, nếu cô giáo, bảo mẫu mà đánh trẻ gây thương tật trẻ 11% trở xuống là tội hành hạ người khác, 11% trở lên là tội cố ý gây thương tích.
Bên cạnh đó, phiên tòa có sự tham dự của đại diện hội phụ nữ, phụ huynh học sinh, với mong muốn cha mẹ phải lắng nghe, tin tưởng con trẻ, thường xuyên trò chuyện, quan tâm với con trẻ. Bởi đã có những trường hợp, các bé nói mà phụ huynh không tin…
Học sinh rất chăm chú lắng nghe |
Nếu bản thân học sinh hay bạn bè mình bị bạo hành, xâm hại, bị dâm ô , các em cần nói với ban giám hiệu nhà trường, với ba mẹ hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài của Hội bảo vệ trẻ em TP.HCM là 1800.90.69.
Sau từng phiên tòa giả định, các luật sư là thành viên của Chi hội luôn nhắn nhủ các em rằng: Im lặng là tội ác. Hãy lên tiếng để bảo vệ bản thân và những bạn bè xung quanh mình. Vì có những vụ việc xảy ra có camera còn nhiều vụ việc không có nên các em phải lên tiếng mạnh mẽ.
Tham dự phiên tòa giả định, học sinh của trường cho biết, lần đầu tiên dự một phiên tòa mô phỏng, các em thấy khá tò mò, hào hứng. Phiên tòa rất nghiêm túc, có trình tự và trách nhiệm của từng người tham gia. Đặc biệt, các em hiểu được rằng, phải lên tiếng để bảo vệ mình nếu có vấn đề gì xảy ra, không được im lặng.