Những đứa trẻ bầm tím: Luật đứng ngoài cánh cửa

GD&TĐ - Bám vào gia quy, nhiều bậc làm cha làm mẹ đã tự cho phép mình lập ra “gia pháp”, khiến cho không ít đứa trẻ phải sống trong cảnh đòn roi, bầm dập mà Luật Trẻ em 2016 dù đã có hiệu lực vẫn phải… đứng ngoài cánh cửa.

Bé K. hạnh phúc trong vòng tay bà ngoại
Bé K. hạnh phúc trong vòng tay bà ngoại

Mới đây, báo chí và truyền hình đã lên tiếng về đứa trẻ 10 tuổi, nghi bị bạo hành bởi chính bố đẻ và mẹ kế, là một ví dụ điển hình cho “phép vua thua lệ làng” này. Câu chuyện xảy ra ngay giữa trung tâm TPHCM.

Cô giáo gọi 111 để cứu học trò lớp 5

Ngày 18/9/2019, cô giáo chủ nhiệm lớp 5D Trường Tiểu học T.Q.T. (Quận 3, TPHCM) phát hiện cháu Vũ Quang K. không thể ngồi học nên đã tìm hiểu nguyên nhân. Khi phát hiện toàn bộ phần lưng, mông, đùi của cháu K chi chít vết bầm tím, cô giáo đã ngay lập tức gọi vào Tổng đài Bảo vệ quyền trẻ em 111 để trình báo.

Tổng đài 111 ngay sau đó đã thông tin sự việc đến cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM. Ngay lập tức, đại diện cơ quan này đã phản ánh lại sự việc với UBND phường, Công an phường 15, Quận 11.

Phải đến 21/9/2019, mẹ của K, chị Nguyễn Thị Hải Y. (đang sống tại Hà Nội) mới nhận được tin con bị bạo hành. Và kể từ đó, quãng đời 2 năm ở TPHCM đầy uẩn khúc của bé K mới dần được hé lộ.

Chị Nguyễn Thị Hải Y. cho Báo GD&TĐ biết: “Tôi nhận được tin con bị bạo hành từ một người trong tòa nhà chồng cũ ở. Anh ấy làm bên ban quản trị tòa nhà. Lúc đó là tầm 11 giờ trưa. Anh cho biết, K. đang được đưa đi Bệnh viện Quận 11 để khám sức khỏe. Sau khi nghe tin đó, tôi rất sốc, vội vàng đặt chuyến bay sớm nhất, vào TPHCM là 16 giờ 30 phút. Tôi đến thẳng nhà chồng cũ. Lúc đó, ngoài các anh chị bên quản trị tòa nhà còn có cả các phóng viên. Nhiều hàng xóm bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện liên quan đến K. Theo đó, những tiếng khóc, tiếng la hét của K thường xuyên diễn ra. Tất cả khiến tôi rơi nước mắt”.

Chị Y. kể lại, chị và anh Q. kết hôn 2009. Cuối năm 2009, chị Y. sinh K. Khi cưới, vợ chồng Y. kẻ Bắc người Nam. Trong kế hoạch, khi K. lớn, chị Y. sẽ thu xếp công việc để vào Nam sống. Nhưng sau đó, khi chưa sắp xếp được thì hai người ly hôn vì có người thứ 3. Và người thứ 3 chính là vợ của anh Q. bây giờ. Lúc đó, K. 13 tháng tuổi và chị Y. được tòa án xử nuôi con. Trong quãng thời gian chưa ly hôn, K. gần như không ở với bố bởi mỗi tháng, anh Q. ra thăm con 1, 2 lần và cũng chỉ mấy ngày cuối tuần mà thôi.

Sau khi Y. một mình nuôi con, đến tận năm lớp 1, anh Q. có ra thăm con 2, 3 lần và lần nào cũng được chị Y. thu xếp để gặp con bởi chị Y. quan niệm, ly hôn là chuyện người lớn, còn việc bố thăm con là điều mình không được quyền cấm cản.

Hè năm lớp 1, anh Q. ngỏ ý đón K. vào TPHCM chơi hè. Chị Y. đồng ý cho con ở với bố 1 tuần đến 10 ngày nhưng anh Q. đã thuyết phục và giữ K. lại hơn một tháng. Nghĩ hè lớp 1, con chưa phải học gì nhiều nên chị Y. đồng ý. Sau tháng đó, anh Q. cho rằng, K. hơi nhút nhát, và không hoạt bát như các bạn khác. Chị Y. thừa nhận điều này và cho rằng, việc con không đầy đủ bố mẹ đương nhiên sẽ thiệt thòi hơn các bạn khác, nhưng không phải là cái gì quá bất thường, đáng phải lo lắng. Tuy vậy, anh Q. vẫn đề xuất cho K. vào Nam ở với bố. Chị Y. không đồng ý và hứa sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con.

Đến hè năm học lớp 2, anh Q. lại có đề nghị cho K. vào nghỉ hè với bố 1 tháng. Lúc này, mọi chuyện bắt đầu xảy ra khi anh Q. nhất quyết không cho con quay lại Hà Nội với lý do “cô nuôi con không tốt”. Hai bên tranh luận gay gắt vấn đề này. Thậm chí chị Y. còn bay vào gặp chồng cũ để đòi lại con. Nhưng khi vào, chồng cũ nhất định không cho chị gặp K., đồng thời cho rằng K. có hiện tượng tự kỷ, cần phải chăm sóc kỹ hơn.

“Ngoài ra, khi bố điện thoại cho K. để gặp mẹ, K. cũng chia sẻ muốn ở gần bố nên tôi đành chiều theo ý con. Gia đình anh Q. kinh tế ổn, việc học hành không đáng phải lo lắng nên tôi chấp nhận cho con ở lại TPHCM học hành. Con đã 7 tuổi rồi, lại muốn sống với bố nên tôi khó xử vô cùng, phải quyết định trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng chia sẻ điều này với ông bà nội K. và ông bà nội hứa sẽ chăm lo cho K, bảo tôi cứ yên tâm quay ra Hà Nội” – chị Y. chia sẻ.

Sau khi thỏa thuận một số điều với anh Q., chị Y. quay ra Hà Nội và hứa sẽ vào thăm con 2 - 3 tháng một lần. Lần thứ nhất, 31/8/2017, chị và bà ngoại vào thăm, K. ổn, vui vẻ, hoạt bát, tiến bộ. Lần thứ 2, tháng 12/2017, K. cũng không có vấn đề gì, đã đi học 2, 3 tháng và kể chuyện ở lớp rất vui. Con học Trường Tiểu học T.Q.T.

Lần 3, tháng 3/2018, chịY. vào thăm con lần 3. Hôm đó là sau Tết Âm lịch. Khi dẫn con đi mua mấy bộ quần áo, chị Y. phát hiện trên khắp người con có rất nhiều vết bầm tím.

3 lần đánh con bầm tím cả người: Dùng GIA PHÁP để dạy?

Những ngày vui hiếm hoi của mẹ con chị Y.
  Những ngày vui hiếm hoi của mẹ con chị Y.

"Lúc đó, tôi sốc và cực kỳ bàng hoàng. Hỏi con thì con bảo do ba và mẹ kế đánh, đánh bằng roi tre. Tôi và bà ngoại bật khóc, trong đầu nghĩ cách đưa con ra Hà Nội. Tôi nghĩ đến cách nhờ gửi giấy khai sinh vào để đưa con ra luôn. Nhưng khi hỏi con, con vẫn muốn ở với bố. Chuyện con bị đánh là do mình tự phát hiện ra chứ con không tự kể. Gặng hỏi thì tôi mới biết, con bị đánh như thế là do ham chơi. Nhưng con vẫn thích ở với bố vì cuối tuần vẫn được đi biển Vũng Tàu, ở khách sạn xịn, được đi Hồng Kông, được chơi 1 điện thoại 1 Ipad, được chơi đến lúc nào thích thì ngủ, không ai giám sát.

Tôi buộc lòng phải nói chuyện với bố K. Nhưng lúc này, giọng của anh ta gần như thách thức. Anh ta thừa nhận đánh con. Những vết này là do hai hôm trước mới bị ăn đòn. Lý do là không chịu nghe bài, không tập trung, cố tình quên vở ở lớp để về nhà không làm bài. Anh ta hét lên: “Tôi phải dùng GIA PHÁP với thằng K. để nó tiến bộ”. Tôi không đồng ý với cách dạy con kiểu bạo hành đó, tôi đề nghị đưa con về, nhưng anh ta lôi con đi trước mặt tôivà nói: “Cô đừng nghĩ đến chuyện đó”.

Trên chuyến bay về Hà Nội, cả chị Y. và bà ngoại đều khóc. Sau lần này, chị Y. liên tục bị gây khó dễ khi đề nghị gặp con. Gặp không được, gọi điện cũng không được. Có lúc có mặt tại TPHCM rồi, nhưng gọi điện xin gặp thì lúc đi công tác, lúc đi chơi, lúc đi làm… Và đến hè 2018, anh Q. tiếp tục từ chối cho con ra nghỉ hè với lý do con quen với sinh hoạt trong này rồi.

“Tháng 6/2018, tôi bay vào dù gọi điện cho hai vợ chồng không ai nghe máy hết. Tôi biết nhà nên xin bảo vệ lên. Khi tôi đứng trước cửa, hai vợ chồng họ ngỡ ngàng. Khi tôi vào, chưa kịp mời ghế, vợ anh ta đã gọi điện cho bảo vệ mắng té tát và yêu cầu phải có sự đồng ý của chủ nhà mới được lên! Lúc đó, bố K không chịu nói chuyện với tôi, còn tôi cũng chỉ nói được vài câu rồi để con đi nghỉ cùng gia đình. Tôi đành phải trở về Hà Nội đúng hôm đó mà không có con.

Sau đó, tháng 8 tôi quay lại cùng bà ngoại và tiếp tục bị từ chối thăm con. Tôi hết cách, phải nhờ ông bà nội giúp vì chính ông bà cũng thừa nhận con mình làm thế không được. Khi ông bà lén đưa K. ra gặp mẹ con tôi, ông bà cũng rất lo lắng. 11 giờ đưa K. ra gặp thì 13 giờ tôi phải trả con về. Cứ 30 phút ông bà lại thì thào gọi hỏi K. đang ở đâu, năn nỉ đưa K. về cho ông bà trả con lại cho bố nó… khiến cuộc gặp giữa mẹ con tôi hết sức căng thẳng. Tôi phát hiện trên người con có nhiều vết bầm, tuy mờ hơn lần trước nhưng vẫn là dấu hiệu của việc con tiếp tục bị bạo hành.

Tôi mua cho con ít quần áo rồi trả con về cho ông bà, đồng thời trao đổi về vết bầm của K. Ông bà biết và cho hay K. hay ăn cắp tiền và còn lấy 2 cái nhẫn của bố mẹ. Tôi bảo con, nếu con không lấy thì bảo không lấy. Nếu lấy phải trả cho bố mẹ. Mẹ không dạy tính ăn cắp vặt. K. vẫn cứ ơ ơ chứ không nói gì. Tôi chỉ phân tích cho ông bà hiểu, trong nhà không chỉ có K., còn có cháu họ, đứa con gái 4 tuổi, có giúp việc. Sao tất cả lại đổ lên đầu K.? Ông bà cũng ngớ ra, chỉ biết là tất cả đang vu cho K. lấy và vì thế bị đánh đòn” – chị Y. kể lại.

Trong quãng thời gian sau đó, chị Y. đã thuê luật sư và liên tục làm việc với các cơ quan chức năng để đón con về, nhưng không một đơn vị nào trả lời chị, dù có gửi cả văn bản. Hầu như cơ quan pháp luật đang đứng ngoài cánh cửa của gia đình họ, của cái gọi là “Gia pháp”, mặc có đứa trẻ 10 tuổi đang vô cùng bất ổn.

Và cho đến ngày 21/9, K. lại bị một trận đòn thừa sống thiếu chết, khiến cô giáo phải gọi cho tổng đài 111. Đây là việc vốn đã có tiền lệ, nhà trường cũng đã làm việc và trao đổi với gia đình nhưng không được xử lý rốt ráo. Chính vì vậy, khi sự việc xảy ra, buộc lòng cô giáo phải gọi cho Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 để cơ quan chức năng vào cuộc.

Đáng tiếc, sự việc đã có dấu hiệu rõ ràng về bạo hành trẻ dưới 16 tuổi, nhưng sau khi khám sức khỏe, giám định thương tật, bé K. lại bị trả về gia đình – nơi cháu bị bạo hành. Điều này, theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, là trái với Luật Trẻ em.

Chia sẻ về nguyên nhân cháu K. bị đánh, có thể do học hành chểnh mảng hay ăn cắp vặt, một giáo viên từng chủ nhiệm lớp bé K. cho biết: “Tôi đã từng chứng kiến cảnh K. bị mất cái bút chì. Các bạn đưa K. bút chì khác K. không dám nhận, vẫn loay hoay đi tìm vì sợ về bố mẹ la. Tôi đã đưa bút chì cũ cho K. cầm về, lúc đó K. mới dám cầm. Trong lớp cũng không có biểu hiện của việc mất đồ, các con nề nếp tốt. Nên với những biểu hiện như thế này, làm sao K. dám lấy đồ của bạn hay có tính ăn cắp vặt? Đổ oan cho con là tội nghiệp. Thói quen ăn cắp là phải một quá trình, không phải tự dưng mà có. Các giáo viên lớp trước đều báo lên là K. không có thói quen đó. Còn trong lớp, K. là học sinh bình thường như bao học sinh khác, có lúc làm đủ bài tập, có lúc không. K. đặc biệt khá môn Toán, bé nắm rất vững môn học này”.

Đến tận hôm nay, gần 1 tháng sau ngày K. bị bạo hạnh, chị Y. vẫn liên tục đi đi lại lại giữa Hà Nội và TPHCM để đòi con về theo đúng luật định. Chưa ai có thể biết, những gì đã xảy ra với con trong thời gian 1 tháng qua và cả trong thời gian tới, nếu pháp luật không đứng về phía mẹ con chị Y.

Ngày 8/10, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có Công văn số 157 gửi UBND phường 15, Quận 11, TPHCM về việc “Bảo vệ quyền trẻ em cho cháu Vũ Quang K”.
Công văn số 157 có nội dung, Hội đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hải Y (Hà Nội) về việc cháu Vũ Quang K, sinh năm 2009, là con chung của bà và ông Vũ Ngọc Q., đang trú tại Cao ốc Bảo Gia, đường Lê Đại Hành, phường 15, Quận 11, TPHCM, đã bị bạo hành 3 lần, với những vết bầm tím trên khắp người cháu.
Sự việc đã được Công an phường 15 vào cuộc, đưa cháu K. đi khám tại Bệnh viện Quận 11 và thực hiện giám định thương tật. Ông Q. đã thừa nhận hành vi đánh con và sau khi cam kết, cháu K. đã được đưa về lại nhà ông Q. Việc quay trở lại nơi cháu bị bạo hành đã khiến Hội bảo vệ trẻ em Việt Nam lo ngại.
Chính vì vậy, công văn ghi rõ ý kiến của Hội: “Đề nghị Công an phường 15, Quận 11, TPHCM có hình thức xử lý nghiêm hành vi bạo hành con ruột của ông Vũ Ngọc Q.
Đề nghị UBND phường 15, Quận 11, TPHCM trao đổi, đề nghị ông Vũ Ngọc Q. tự nguyện đưa cháu Vũ Quang K. cho mẹ đẻ cháu là bà Nguyễn Thị Hải Y. nuôi dưỡng theo đúng Bản án số 09/2011/HNGĐ-ST của Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội. Trường hợp ông Q. không phối hợp, đề nghị UBND phường 15 cách ly cháu K. theo đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 31, 32 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trẻ em để bàn giao cháu cho mẹ cháu là bà Nguyễn Thị Hải Y., sinh năm 1983, đang sống tại KĐT Trung Hòa, Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đề nghị UBND phường 15, Quận 11 chỉ đạo Ban giám hiệu Trường Tiểu học T.Q.T trong thời gian này theo dõi sát sao tình trạng của cháu Vũ Quang K., đề phòng trường hợp cháu K. tiếp tục bị bạo hành, tạo điều kiện cho mẹ cháu được gặp con và tác động cho cháu được chuyển đến ở với mẹ, dưới sự chăm sóc của mẹ để cháu có thể phát triển toàn diện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.