Dạy văn hóa truyền thống - điểm nhấn giáo dục vùng dân tộc

GD&TĐ - Giáo dục HS hiểu biết, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường phổ thông dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.

Giáo dục văn hóa truyền thống trong lớp học tại Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: Đức Trí
Giáo dục văn hóa truyền thống trong lớp học tại Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: Đức Trí

Tuy nhiên để giáo dục văn hóa truyền thống hiệu quả đòi hỏi mỗi trường tìm ra cách làm riêng phù hợp, hiệu quả. 

Nâng chất cho giáo dục từ văn hóa truyền thống

Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (huyện Si Ma Cai – Lào Cai) có trên 80% HS dân tộc Mông, gần 20% HS dân tộc Nùng, số ít dân tộc Kinh. Tỉ lệ chuyên cần của HS những năm trước cao nhất từ 95% - 97%. Đa số HS nghỉ học chưa xin phép GV, nhà trường, thậm chí HS phân biệt dân tộc, thiếu đoàn kết...  ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục chung.

Để giải quyết bất cập trên, ban giám hiệu (BGH) đã tiến hành nhiều hoạt động trong đó lấy văn hóa truyền thống làm điểm nhấn. Nhà trường kết hợp giáo dục văn hóa truyền thống lồng ghép trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động trải nghiệm... Tổ chức cho HS tìm hiểu văn hóa các dân tộc bằng thi viết, trắc nghiệm, thi trang phục dân tộc...

Mặt khác, để HS hiểu và thêm yêu trang phục dân tộc, trường tổ chức mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ Hai, thứ Sáu hàng tuần cho tất cả cán bộ, GV và HS. Các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống như múa khèn, múa gậy Sênh tiền, nấu xôi bảy màu của người Nùng, làm bánh trôi người Mông, gói bánh chưng người Nùng... được tổ chức nhiều hơn trong các dịp lễ hội, sinh hoạt tại địa phương và trường học.

Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng còn lập CLB dựa trên sở thích của HS và lên kế hoạch hoạt động theo tuần. Quá trình hoạt động, chọn nội dung dạy học phù hợp bản sắc HS như: Khâu thêu váy áo Mông, làm khèn Mông, múa khèn Mông, Sênh tiền. BGH mời cả nghệ nhân truyền dạy cho HS nội dung từ cơ bản đến kĩ thuật.

Đặc biệt, nhà trường huy động cả GV và phụ huynh HS trang trí trường lớp bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Mông. Lựa chọn những khẩu hiệu dễ đọc, dễ hiểu và thể hiện bằng hai ngôn ngữ mà HS được học để trang trí lớp…

Cô Hoàng Thị Thủy – GV Mỹ thuật Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng chia sẻ: Những hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống phong phú đã giúp HS cảm nhận văn hóa dân tộc gần gũi từ nội dung học tập tới khuôn viên trường lớp. Qua đó khuyến khích, thúc đẩy các em hành động đúng chuẩn mực văn hóa, thêm đoàn kết giữa HS các dân tộc trong môi trường học đường.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai), phát triển mô hình trường học du lịch ngoài xây dựng một số nội dung văn hóa truyền thống trong các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt ngoài giờ còn gắn liền với khôi phục và phát triển điệu múa Sênh tiền cho HS toàn trường.

HS không phân biệt dân tộc đều có thể hiểu và nhảy được điệu múa Sênh tiền thuần thục trong những dịp nhà trường đón khách tới tham quan, trở thành tiết mục văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc.

Thầy Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố chia sẻ: Học và biểu diễn múa Sênh tiền giúp HS mạnh dạn trong giao tiếp, chủ động giao lưu với du khách. Từ đó giúp các em mạnh dạn trao đổi nâng cao khả năng tiếng Việt, hỗ trợ tích cực trong học tập trên lớp. Chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng cao.

Xín Mần (Hà Giang) - một trong những địa phương tích cực đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học. Bà Vũ Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Xín Mần có 16 dân tộc cùng chung sống (trong đó, dân tộc Nùng, Mông, Tày, Dao, La Chí chiếm đa số). Chính vì vậy, huyện xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Nhờ truyền dạy văn hóa truyền thống, HS được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thích nghi với đời sống, xã hội hiện tại, hiểu về văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc…

Hiệu quả nếu lồng ghép vào dạy tích hợp

Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) nhận định: Đưa văn hóa truyền thống vào giáo dục cho HS dân tộc vô cùng cần thiết và hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao tri thức văn hóa địa phương. Qua các hoạt động, HS biết gìn giữ bản sắc văn hóa, tự hào dân tộc, tự tin mạnh dạn hơn trong giao tiếp hàng ngày…

Tới nay, việc giáo dục văn hóa truyền thống đã góp phần đưa tỉ lệ chuyên cần của HS Trường PTDTBT TH số 1 Sín Chéng đạt tới 98% - 100%. HS không nghỉ học khi có chợ, ngày trong thôn có đám cưới, đám ma hoặc bỏ học sau Tết Nguyên đán. Biết xin phép GV, nhà trường nếu nghỉ học…

Tuy nhiên, cô Bùi Thị Hường cũng cho rằng: Việc lồng ghép các nội dung văn hóa truyền thống vào chương trình học chính khóa cần tạo hứng thú cho HS, giáo dục các em biết bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Các hoạt động cần mang tính bền vững và phù hợp với bản sắc của HS dân tộc chứ không thể mang tính hình thức…

Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh – Hà Giang) nhấn mạnh: Giáo dục văn hóa truyền thống cho HS dân tộc trong các trường PTDTNT sẽ hiệu quả khi tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và các chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Để nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa truyền thống, các trường, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, GV, HS về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng thì nhất thiết phải đổi mới nội dung phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục. Đặc biệt, phải bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, tài chính cho hoạt động thông qua phát huy sự chung tay, đồng hành của các lực lượng trong xã hội…. - Thầy Phạm Văn Tường 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ