Giáo dục văn hóa truyền thống: Nỗ lực nhưng chưa đều tay

GD&TĐ - Nhiều trường học tại TPHCM tích cực, chủ động lồng ghép, thực hiện các chuyên đề về giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh nhằm bồi đắp tình yêu, hình thành ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hoạt động này lại diễn ra chưa thực sự đồng đều giữa các trường với nhiều lý do.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật chèo qua trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” thuộc tác phẩm chèo Quan âm Thị Kính. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật chèo qua trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” thuộc tác phẩm chèo Quan âm Thị Kính. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc

Song song với hoạt động dạy học, từ nhiều năm nay, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), thường xuyên lồng ghép nhiều nội dung giáo dục văn hóa dân tộc, con người Việt Nam vào các hoạt động của trường. TS Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong 5 năm học vừa qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc tại trường. Mô hình tuần lễ bộ môn Ngữ văn, Khoa học xã hội… là một ví dụ.

Tại đây, học sinh sẽ biểu diễn thời trang các dân tộc anh em; biểu diễn trang phục truyền thống Việt Nam và các nước bạn; đố vui về phong tục, tập quán Việt Nam, ẩm thực Việt Nam và các nước bạn… Ngoài các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong hoạt động dạy học, giáo viên của trường luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy học, lồng ghép tích hợp các nội dung văn hóa, con người Việt Nam trong chương trình của Bộ GD&ĐT, nâng tầm giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống văn hóa Việt Nam qua từng bài dạy, tiết dạy.

Tương tự, tại Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1), việc giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh thông qua các hoạt động như sân khấu hóa, mời các diễn giả văn hóa trò chuyện, giới thiệu các hình thức nghệ thuật dân tộc… cũng được nhà trường chú trọng, quan tâm. Vào ngày 30/9 vừa qua, trường đã phối hợp với Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ tổ chức chuyên đề ngoại khóa với chủ đề giá trị chân - thiện - mỹ trong văn hóa phương Nam.

Tại đây, các em học sinh được lắng nghe chia sẻ của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, như thế nào là giá trị chân, thiện, mỹ trong văn hóa phương Nam cùng với những ví dụ sinh động, gần gũi với học sinh… Các em được tìm hiểu, thưởng thức những giai điệu đờn ca tài tử và tham gia diễn trích đoạn cải lương Trọng Thủy – Mỵ Châu cùng với các nghệ sĩ của câu lạc bộ.

Cần triển khai sâu rộng hơn

Không chỉ chú trọng lồng ghép, tổ chức các chuyên đề giáo dục về văn hóa truyền thống với các hoạt động thường xuyên, đầu năm học 2019 - 2020, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã đưa vào chuyên đề học tập có tên Giáo dục văn hóa cho học sinh. Theo đó, các em khối 10, 11 sẽ học một số tiết vào chương trình giảng dạy buổi 2.

Chuyên đề học tập này nhận được sự phối hợp thực hiện của Trường ĐH Sư phạm TPHCM gồm các khoa: Ngữ văn, Giáo dục, Tâm lý học để cùng soạn thảo chương trình phù hợp và hỗ trợ về giảng viên giảng dạy. Ở phần 1 của chuyên đề, học sinh được giáo dục về văn hóa truyền thống, gồm các bài học xoay quanh các chủ đề văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, tín ngưỡng và phong tục, văn hóa lễ hội, văn hóa giao tiếp và ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, văn hóa thưởng thức nghệ thuật dân tộc.

Riêng phần 2 về văn hóa hiện đại, học sinh sẽ được hướng dẫn cách giao tiếp, ứng xử trên mạng Internet, cách ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, văn hóa giao thông, trang phục, ứng xử với môi trường, bản thân và văn hóa thưởng thức nghệ thuật đương đại.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, bên cạnh những trường chủ động, tích cực, lồng ghép đưa các chuyên đề giáo dục văn hóa dân tộc tới học sinh, vẫn có không ít trường chưa thực sự chú trọng. Nói về khó khăn trong thực hiện các chuyên đề giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc vào nhà trường, một số giáo viên cho rằng, với chương trình hiện nay, lượng kiến thức học sinh cần phải tiếp thu vẫn còn nặng, nên việc giáo dục văn hóa truyền thống với những chuyên đề có quy mô, được đầu tư bài bản, thiết thực chưa nhiều; việc học tập trải nghiệm, hoạt động ngoài nhà trường liên quan đến giáo dục văn hóa truyền thống... vẫn còn nơi có, nơi không. Việc lồng ghép vào bài học của các giáo viên cũng chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, kinh phí để tổ chức các chuyên đề có tính quy mô, hiệu quả, mời các diễn giả, nghệ sĩ… cũng là điều không phải cơ sở giáo dục nào cũng có thể chủ động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ