Kinh nghiệm giáo dục văn hóa truyền thống của trường vùng cao

GD&TĐ - Với đặc thù là một trường có tới 99% học sinh là người dân tộc thiểu số, nên việc giáo dục truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc được Trường tiểu học Tả Phời (TP Lào Cai) đặc biệt coi trọng.

Phụ huynh Trường tiểu học Tả Phời đến hướng dẫn học sinh những điệu múa và cách thêu trang phục truyền thống
Phụ huynh Trường tiểu học Tả Phời đến hướng dẫn học sinh những điệu múa và cách thêu trang phục truyền thống

Nhà trường, gia đình cùng tham gia giáo dục HS

Tùy từng điều kiện, tùy từng nơi và bản sắc văn hóa vùng miền, các trường có thể tổ chức những tiết mục văn nghệ mang bản sắc dân tộc có sự tham gia của cả cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và các em học sinh.

Theo kinh nghiệm của cô Vũ Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng, để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như: Rèn kỹ năng sống cho học sinh thông qua việc mời cha mẹ học sinh đến trường dạy khâu, thêu trang phục dân tộc, tổ chức cho học sinh trình diễn thời trang các dân tộc.

Để giúp các em hiểu hơn về ẩm thực của đồng bào các dân tộc, nhà trường đã mời cha mẹ đến hướng dẫn làm bánh trưng đen, xôi bảy mầu, các món ăn dân tộc... Tổ chức cho thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và các em học sinh tham gia các lễ hội như: Lễ hội xuống đồng, Lễ ăn cơm mới…

"Ngoài ra, thông qua các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, nhà trường có thể lồng ghép với việc tuyên truyền, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc như: Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường phát động cuộc thi văn nghệ; làm tập san nhà trường; thi trang trí điểm trường đẹp, lớp học thân thiện, trong đó các lớp học đều trang trí góc địa phương với những sản phẩm từ bàn tay lao động của những người dân tộc địa phương làm ra, rất đặc trưng và bản sắc” – Cô Huyền chia sẻ.

Với trường tiểu học Tả Phời, nhà trường đã tổ chức chuyên đề: "Bản sắc quê em", với nội dung cho học sinh được tìm hiểu về bản sắc dân tộc người Tày, Giáy, Xa Phó và đưa ra giải pháp gìn, phát huy những bản sắc đó song song với việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như: tảo hôn, cúng đuổi ma, cúng chữa bệnh, ngày kiêng.

Giáo viên phải là những tuyên truyền viên

Tổ chức ngày hội ẩm thực các món ăn dân tộc cho học sinh với sự tham gia hướng dẫn của giáo viên và các bậc phụ huynh
 Tổ chức ngày hội ẩm thực các món ăn dân tộc cho học sinh với sự tham gia hướng dẫn của giáo viên và các bậc phụ huynh

Từ kinh nghiệm tổ chức của nhà trường, cô Huyền cho hay: Đối với giáo viên cấp tiểu học không nên đặt những vấn đề quá lớn mà nên để các em được “học mà chơi chơi mà học”.

Nhà trường nên tổ chức các hoạt động giữa giờ cho học sịnh trong đó có lồng ghép trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, ô ăn quan...Trong thư viện nên bổ sung các đầu sách có nội dung gắn liền với văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, cha mẹ cũng như các em học sinh hiểu được những bản sắc dân tộc mình, để từ có những hành động bải vệ, giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu hiện đang tồn tại trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số.

“Ở trường tôi, trong mỗi buổi tuyên truyền, để tạo niềm tin, sự thân thiện và gần gũi thì các thầy cô giáo cũng mặc trang phục dân tộc như bà con nhân dân địa phương. 

Đầu năm học nhà trường đã phát động mỗi thầy cô giáo may một bộ trang phục dân tộc Giáy để mặc vào một số ngày tổ chức các hoạt động tuyên truyền ở địa phương tạo sự hòa đồng, gân gũi với bà con nhân dân” – Cô Huyền cho hay.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, rèn kĩ năng sống cho học sinh, giáo dục giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc tích hợp trong các môn học và các hoạt động giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ