Không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình!

GD&TĐ -Có người nói: “giáo viên lương thấp, công việc vất vả, lại còn rất khó xin việc thì người giỏi nào muốn học sư phạm?”. Cũng có người hỏi tôi: “Nếu được chọn lại thì thầy có chọn nghề dạy học không?”...

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP.HCM tham gia trải nghiệm Một ngày làm giáo viên
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP.HCM tham gia trải nghiệm Một ngày làm giáo viên

Nỗi niềm đó xin nêu ra đây để được chia sẻ, mong các nhà hoạch định chính sách giáo dục quan tâm nhiều đến đời sống giáo viên, hơn là để so sánh cao thấp, giỏi dở.

Nếu chúng ta đặt ra thang đo vật chất để rồi cho rằng ngành sư phạm không thu hút được người giỏi, hoặc đưa ra viễn cảnh giáo viên giỏi bỏ nghề để tìm việc khác có thu nhập cao hơn… thì đó là những suy đoán vô căn cứ.

Ví như cho rằng trồng lúa không lãi bằng trồng cây ăn trái thì còn bà con nào ở lại với mảnh ruộng, còn đâu những bát cơm ngon cho bữa cơm gia đình. Mỗi ngành nghề đều có tính chất đặc thù riêng.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du-TPHCM tham gia trải nghiệm ngày làm giáo viên
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du-TPHCM tham gia trải nghiệm ngày làm giáo viên 

Nói nghề dạy vất vả cũng đúng, nhưng nhiều ngành nghề khác còn cực nhọc hơn. Nói ngành sư phạm cần tuyển dụng được người giỏi, người có trình độ thì ngành khác cũng thế thôi. Tuy nhiên để đến với nghề dạy học, giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng học tập.

Thầy cô được học trò quý mến không chỉ vì giỏi chuyên môn mà còn bởi lòng yêu nghề và sự tận tụy với công việc. Khi còn là sinh viên khoa Toán của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tôi vẫn nhớ thầy C., một giảng viên dạy bộ môn Hình học, ăn mặc sang trọng, đi dạy bằng xe hơi có tài xế đưa đón. Bạn bè kháo nhau nhà thầy C. giàu lắm, nhưng thầy thích đi dạy vì niềm vui. Tất nhiên không phải thầy cô nào cũng được như vậy.

Biết bao nỗi lo cơm áo, gạo tiền đè nặng trên đôi vai giáo viên, nhất là trong đợt dịch Covid-19. Dạo quanh một vòng qua Facebook, tôi bắt gặp không ít những bài quảng cáo bán hàng online của các cô giáo với đủ các loại mặt hàng từ thức ăn, thức uống đến những mặt hàng cao cấp được nhập từ nước ngoài về... Hoặc có những cô giáo xin nghỉ ngang để đi bán bảo hiểm hoặc làm các công việc khác.

Đó là sự chọn lựa của mỗi người, mang đến cả cơ hội và thách thức, rủi ro. Trong một buổi tọa đàm cùng với TS Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, TPHCM), một cô từ hàng ghế khán giả nghẹn ngào chia sẻ, nói lên những bức xức khi còn làm giáo viên, nhưng vẫn có chút tiếc nuối khi rời xa bục giảng.

Tôi có chia sẻ cùng khán phòng, với tôi đi dạy là cái nghiệp hơn là cái nghề, bởi tôi trăn trở nhiều với giáo dục và sau mười mấy năm đồng hành cùng học trò thì tôi vẫn còn thấy vui trong công việc. Chọn nghề có lẽ không quá khó, chỉ cần đó là công việc chúng ta có thể làm tốt nhất và mang lại niềm vui.

Nếu chúng ta quá bận tâm, cân đo giá trị vật chất mang lại thì khó lòng đánh giá được giá trị công việc mang đến. Chính xã hội sẽ điều chỉnh phân công lao động, phân bố ngành nghề theo nhu cầu của xã hội. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã chấp nhận bỏ sở thích để tìm một công việc dù không đúng chuyên ngành nhưng phù hợp hơn. Nhưng cũng cần chăm chỉ học hỏi, nắm bắt nhu cầu khách hàng, từng bước tích lũy kinh nghiệm mới có thể phát huy khả năng của bản thân.

Tôi đơn cử một vấn đề, từ khi Bộ GD-ĐT chuyển hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm thì lập tức xuất hiện nhu cầu soạn ngân hàng câu hỏi và soạn đề kiểm tra cho giáo viên. Hiện nay đã có rất nhiều phần mềm liên quan trắc nghiệm, trong đó có những sản phẩm được viết ra từ chính giáo viên, đem về một khoản thu nhập rất lớn từ việc cung cấp sản phẩm này.

Người giỏi không chỉ chạy theo thị hiếu mà phải đủ am hiểu về nhu cầu thị trường. Steve Jobs đã đúng khi nói rằng: "Nhiều khi, mọi người không biết họ muốn gì cho tới khi bạn cho họ thấy".

Chọn ngành học ra sao?

Khi tư vấn về một ngành nghề nào thì cũng cần đưa ra cả mặt thuận lợi lẫn khó khăn. Mà có lẽ chỉ những ai trong “ruột” mới thật sự thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn, vất vả.

Trong khi chúng ta đang được an toàn trước đại dịch Covid-19, thì nơi tuyến đầu các y bác sỹ phải căng mình để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Liệu chăng người thân của họ sẽ phàn nàn tại sao các bác sĩ phải liều thân vào những nơi nguy hiểm như vậy, trong khi các bác sĩ là những người có học thức rất cao, có nhiều cơ hội làm những công việc nhẹ nhàng hơn? Thưa không, đó là sứ mệnh của mỗi người. Đó là công việc yêu thích, là trách nhiệm mà chúng ta đã lựa chọn ngay từ ban đầu.

Để có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp với mong ước và năng lực của bản thân, các bạn học sinh, sinh viên cần cân nhắc đến những yếu tố sau : Xác định được sở thích, đam mê ; Đánh giá năng lực bản thân ; Xem xét nhu cầu xã hội ; Xem xét hoàn cảnh gia đình,… Trong văn hoá Nhật Bản, ikigai bao gồm: Điều bạn yêu thích (Đam mê và sứ mệnh), Điều bạn làm giỏi (Đam mê và nghề nghiệp), Điều giúp bạn kiếm ra tiền (Chuyên môn và kỹ năng), Điều thế giới cần (Sứ mệnh và kỹ năng).

Con người sẽ phát huy tài năng khi được vào đúng môi trường phù hợp và thuận lợi. Lựa chọn ngành nghề chỉ là bước đầu tiên của hành trình tìm kiếm bản thân.

Học sinh trải nghiệm Một ngày làm giáo viên
Học sinh trải nghiệm Một ngày làm giáo viên 

Thắp lửa cho trò

Trường THPT Nguyễn Du-TPHCM tự hào là trường đầu tiên tổ chức ngày hội “Một ngày làm giáo viên” cho toàn thể học sinh, là một hoạt động dự án có quy mô lớn, đến nay đã được 5 năm. Đây là một hoạt động trải nghiệm thú vị, là phương pháp dạy học tích cực cho phép học sinh được “hoán vai”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho học trò trải nghiệm công việc của thầy cô, vinh danh nghề giáo. Thông qua chương trình này, nhà trường muốn hướng nghiệp cho những học sinh có kiến thức và kỹ năng sư phạm sẽ yêu thích nghề giáo, đăng ký thi vào sư phạm, góp phần tạo nguồn đội ngũ giáo viên chất lượng cao, cống hiến một phần cho sự phát triển của ngành giáo dục”.

Có rất nhiều lý do để  học sinh tham gia cuộc thi này. Có thể các bạn muốn thể hiện tài năng giảng dạy, truyền đạt của bản thân, muốn thử nghiệm cách giảng dạy mà các bạn tâm đắc khi ngồi nghe thầy cô dạy học, hoặc có khi chỉ vì… vui. 

Khi được hỏi về lý do tham gia, bạn N.M lớp 11A9 cho biết: “Em tham gia vì cảm thấy yêu thích cách dạy của thầy và mong muốn được thử cảm giác của thầy khi đứng trên bục giảng”. Có thể nói, hoạt động “Một ngày làm giáo viên” không chỉ là một buổi hướng nghiệp, mà còn là lúc thầy cô được giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi trong suốt cả năm giảng dạy, là lúc mà học sinh cảm nhận được cảm giác thầy cô của mình khi phải đối mặt với lũ học trò nghịch ngợm, quậy phá và “bất trị”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, dù chỉ đứng giảng một tiết ngắn ngủi nhưng cuộc thi đã giúp các bạn học sinh hiểu được thế nào là niềm vui nỗi buồn của nghề giáo. Đứng trên bục giảng, các bạn học sinh cảm thấy mình trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, từng tiếng vỗ tay, đôi mắt chăm chú theo dõi của các bạn, thời điểm đặt câu hỏi và được các bạn giơ tay trả lời là lúc đem lại nhiều cảm xúc nhất.

Có hạnh phúc, có tự hào, cũng có mệt mỏi… Hóa ra, làm giáo viên cũng không dễ chút nào! Để có một tiết dạy tốt, các bạn giáo sinh phải chuẩn bị giáo án từ nhiều ngày trước đó, tham khảo nhiều nguồn tư liệu cũng như xem các bài giảng trên mạng.

Không những thế, các bạn còn phải tự đứng trước gương để tập luyện giảng dạy cho thật nhuần nhuyễn. Và rồi tất cả công sức ấy đã được đền đáp bằng những phần quà, giải thưởng từ nhà trường như là sự công nhận dành cho sự cố gắng của các bạn.

“Một ngày làm giáo viên”  giúp học sinh và giáo viên có thể gần gũi và gắn kết với nhau hơn, tạo nên một sân chơi mới lạ trong những ngày học căng thẳng. Nếu có bạn nào muốn trở thành một giáo viên trong tương lai hay từng có suy nghĩ rằng giáo viên là một nghề vô cùng dễ dàng, thì đây là cơ hội trải nghiệm để cảm nhận!

Nhân tài hôm nay có công lao của những người thầy năm xưa. Ngành nghề nào cũng có người giỏi, nhưng người thầy ngoài việc dạy cho học sinh kiến thức, thì còn phải biết giữ mình, xứng đáng với kỳ vọng của xã hội dành cho họ.

“Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ