Dạy trẻ bản lĩnh trước mọi tình huống

GD&TĐ - Giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên ngày nay bị tác động mạnh mẽ của biến động kinh tế, xã hội.

Chuyên gia y tế điều trị cho HS bị rối loạn tâm thần.
Chuyên gia y tế điều trị cho HS bị rối loạn tâm thần.

Nếu không bắt kịp với tốc độ phát triển, tâm lý sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có hành vi rối loạn, rối nhiễu và tiêu cực. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về áp lực và biện pháp để đối diện.

Rối loạn tâm thần xuất phát từ tâm lý xã hội

BS Nguyễn Minh Tuấn.
BS Nguyễn Minh Tuấn.

- BS có thể phân tích cụ thể hơn nguyên nhân tâm lý xã hội mà HSSV đang gặp phải?

- Tôi đã trực tiếp tiếp xúc và kiểm tra cho các bệnh nhân là HS và nhận thấy, các em hiện chịu quá nhiều áp lực. Về phía gia đình, phần lớn các bậc cha mẹ đều mong con trở thành người tài giỏi nhưng họ quên mất năng lực thực sự của con mình. Họ ngày càng gia tăng áp lực cho trẻ và ép con mình học.

Đi học là việc vất vả nhưng bố mẹ không thấy được điều đó và không định hướng theo đúng năng lực và sở trường của con. Nhiều người thậm chí lười gặp GV để biết thêm thông tin về con mình ở trường học, việc tiền học cũng đưa con. Có tiền trong tay, nhiều em bị dụ dỗ, lao vào ăn chơi, nghiện game, hư hỏng.

Áp lực từ việc học, kỳ vọng thái quá của cha mẹ khiến nhiều trẻ bị rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần. Thậm chí, nhiều HS do thi trượt đại học, trượt trường chuyên, lớp chọn đã chọn giải pháp tự tử, coi đó là con đường cuối cùng để giải tỏa áp lực, không phải đối mặt với cha mẹ, bạn bè, người thân… Quá nhiều áp lực đang đè lên vai các em mà nhiều bậc phụ huynh chính là tác nhân của những áp lực ấy.

Về phía nhà trường, các GD truyền thống khiến trẻ học quá nhiều lý thuyết nhưng lại thiếu thực tiễn và cách giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS cũng còn nhiều điều đáng bàn, không bắt nhịp  sự phát triển tâm sinh lý của các em. 

Về phía xã hội, hiện nhiều trẻ em hồn nhiên sử dụng chất gây nghiện như rượu, thuốc lá... do tấm gương xấu của bố mẹ, qua phim ảnh và việc mua bán các chất này quá dễ dàng. Tác động của các chất gây nghiện lên người sử dụng rất nghiêm trọng, gây nên tình trạng rối loạn hành vi, nghiện ngập, sinh ra bạo lực. 

Cũng như vậy, tình trạng nghiện game trong giới trẻ trở nên quá phổ biến bởi các cửa hàng trò chơi điện tử mọc ra nhan nhản, thu hút HS đến chơi bất cứ lúc nào. Nhiều bậc phụ huynh mải kiếm tiền, chỉ cung cấp tiền mà không biết con đã sử dụng tiền có đúng mục đích hay không nên vô tình đã làm hư hỏng con mình. 

- Theo BS, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên?

- Để giải quyết tình trạng HS bị rối loạn tâm lý tâm thần, có ý định tự tử, bạo lực học đường, gia đình – nhà trường – xã hội cần phải vào cuộc. Gia đình phải nhìn nhận khách quan năng lực của con mình. Họ phải hướng cho trẻ phát triển đúng năng lực, sở trường và đam mê và các con mới là người đưa ra quyết định lựa chọn các vấn đề liên quan đến mình như chọn trường, ngành học.

Điều đó sẽ giảm áp lực cho trẻ, phát huy yếu tố bẩm sinh (năng khiếu). Vào mùa thi vẫn phải cho trẻ học tập, sinh hoạt, vui chơi bình thường. Bố mẹ cũng cần nghiêm khắc với con cái mình, không nên nuông chiều để các cháu trở nên hư hỏng, lệch hướng trước các tệ nạn xã hội.

Về phía nhà trường phải giáo dục kỹ năng, tư duy, giải quyết vấn đề của bản thân và xã hội. Các trường tổ chức cho HS tham quan, dã ngoại là điều tốt nhưng họ phải hiểu tâm lý của HS và cho các cháu tận mắt chứng kiến vấn đề. Chẳng hạn tâm lý trẻ nam và trẻ nữ khác nhau.

Trẻ nữ nặng về cảm xúc nhẹ về lý trí còn trẻ nam thì ngược lại. Vì vậy, con gái thường nhẹ dạ, dễ bị lợi dụng, lạm dụng do đó phải dạy dỗ, hướng dẫn các cháu. Ví dụ, ta có thể đưa các cháu thăm các bệnh viện phụ sản để thấy hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai đau đớn đến mức nào.

Phân tích cho các cháu hiểu hậu quả của sự nhẹ dạ, cả tin để từ đó, biết các biện pháp để tránh. Với trẻ nam, ta có thể cho thăm quan các trại giam, thậm chí ăn một bữa cơm của phạm nhân và chỉ cho các em thấy tại sao họ bị tội và hậu quả khi phạm tội để tránh mắc tội. Xét về tâm lý, nếu các cháu biết trại giam khổ sở thế nào thì sẽ giảm tội phạm. 

Trong giáo dục cần chú ý đến khen thưởng, kỷ luật bởi đây là liệu pháp quan trọng (liệu pháp nhận thức hành vi). Khi trẻ làm được một việc tốt cần được khen thưởng để phát huy. Khi trẻ làm điều sai trái phải bị phạt.

Chẳng hạn, trẻ đi học muộn không bị phê bình, các cháu khác cũng sẽ làm theo. Khen thưởng khách quan, nghiêm túc, không hình thức sẽ đem lại giá trị khuyến khích, cổ vũ lớn đối với trẻ; đồng thời giải tỏa được những áp lực trong học hành với các em. Ngược lại nghiêm khắc phê bình những hành vi sai trái sẽ hạn chế được tiêu cực.

Dạy trẻ bản lĩnh, kỹ năng 

Nhà trường tăng cường tham vấn tâm lý cho HS.
Nhà trường tăng cường tham vấn tâm lý cho HS.

- Rối loạn cảm xúc, hưng cảm do nghiện game hoặc sử dụng các chất gây nghiện không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập, lao động mà còn gây nguy hiểm cho bản thân các em và xã hội. Xin BS phân tích rõ hơn về tình trạng này?

- Rối loạn cảm xúc bao gồm trầm cảm, hưng cảm. Trầm cảm có thể do tác động về sinh học hay tâm lý. Tuy nhiên hưng cảm là một bệnh lý. Hiện có các thuốc kích thần như thuốc lắc, đá mà nhiều người cho rằng dùng không nghiện. Thế nhưng, các chất này đều gây nghiện mạnh và đặc biệt nguy hiểm khi gây ra tình trạng loạn thần cấp như hoang tưởng, ảo giác, kích động.... 

Nghiện là khi thèm muốn bất thường kéo dài không thể kiểm soát được. Có thể chia thành các mức độ: Mức độ 1, sử dụng cơ hội (thi thoảng dùng) không nghiện nhưng cũng có sự cảnh báo, nguy cơ cao và tùy thuộc vào từng loại chất.

Chẳng hạn thỉnh thoảng sử dụng heroin sẽ có nguy cơ bị nghiện rất cao. Mức độ 2 là lạm dụng (dùng quá nhiều, quá thời gian cho phép, trong những tình huống, hoàn cảnh không được phép). Mức độ 3 là nghiện không có chất, khi không thể chịu được buộc phải đi tìm kiếm nó để sử dụng (ví dụ phải bỏ học để chơi game). Tất cả trường hợp nghiện chất, Internet và trò chơi điện tử không dẫn đến chết người ngay, nhưng về lâu dài  gây biến đổi nhân cách mạnh mẽ.

Một số biểu hiện ở con cái mà phụ huynh cần lưu ý là: Học hành bất thường, kết quả học tập giảm sút, thay đổi tâm lý, bạn bè (đang chơi với bạn tốt lại chuyển sang bạn xấu)… Khi thấy các em có biểu hiện lệch lạc về nhận thức, hành vi cần đưa đến gặp thầy thuốc (chuyên về tâm thần, tâm lý) để kiểm tra và điều chỉnh kịp thời. Nhiều gia đình che đậy tình trạng của con mình càng làm mức độ nghiện nghiêm trọng hơn. 

- Nhà trường và gia đình cần làm gì để giúp HS “thoát nghiện”?

- Để giúp HS không rơi vào tình trạng trên, trước hết các bậc cha mẹ cần quan tâm, giáo dục con mình. Đơn cử như quy định tuổi nào được tiếp xúc với game, được phép chơi trò gì và chơi vào giờ nào. Nếu trẻ thoát ly khỏi kiểm soát sẽ thành hỗn loạn.

Về phía nhà trường, thầy cô phải tìm hiểu những thay đổi của học trò để có giải pháp. Không để các cháu bắt nạt nhau bởi sẽ gây ra rối loạn tâm thần. Giáo viên cũng cần tránh kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các HS chỉ vì năng lực kém, khiếm khuyết về cơ thể…  

Gia đình và nhà trường cần dạy cho trẻ biết thực trạng xã hội, từ đó có cách đối phó, thích nghi với môi trường. Biết nhận biết đúng sai, biết xử lý tình huống thích hợp, tiếp thu cái tốt và khước từ cái xấu. Dạy các em có bản lĩnh bởi hiện có không ít trẻ vì quá ngoan nên bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo. Phải là người bạn bởi nếu con lỡ phạm lỗi mà không dám chia sẻ với bố mẹ, thầy cô, tự mình giải quyết một cách bồng bột, thiếu hiểu biết rất nguy hiểm.  

Cảnh giác với các loại thuốc bổ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19.

- Với mong muốn con học tập minh mẫn, giỏi giang, không ít phụ huynh tự mua các loại thuốc bổ não, cải thiện trí nhớ cho con. Việc làm trên có phù hợp?

- Tôi xin khẳng định, không có thuốc nào có tác dụng “thần thánh” như vậy. Không có thuốc nào giúp trẻ thông minh lên được ngoài sự nỗ lực của chính bản thân. Hiện, có một số thuốc kích thần kinh giúp học sinh tránh buồn ngủ. Tuy nhiên, đây là những thứ thuốc gây nghiện và không tốt cho các em.

Nhiều phụ huynh cũng tự mua thuốc bổ não cho con. Ta cần biết khi nào não bị bệnh mới cần đến thuốc. Lâu nay, chúng ta thường tuyên truyền một cách thái quá về tác dụng của các sản phẩm. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của vấn đề. Điều nguy hiểm là mọi người truyền tai nhau hoặc lên mạng đọc thông tin rồi tự đi mua thuốc, trong đó có cả thuốc gọi là “bổ não”. 

Nếu Google có thể giải quyết được tất cả  vấn đề thì chúng ta cần gì thầy thuốc nữa? Vì vậy, khi con có biểu hiện mệt mỏi về tâm thần hay muốn tăng khả năng tập trung học tập cho con, các bậc phụ huynh nên đến thầy thuốc để được tư vấn kịp thời; không nên tự tìm hiểu rồi ra hiệu thuốc mua, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần  của trẻ.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.