Những đứa trẻ hay xấu hổ thường là những em hay sợ hãi, lủi thủi một mình. Trong lớp học, các em ít tạo sự chú ý cho giáo viên và không tham gia chơi với bạn bè.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy kết quả là các em có thể gặp khó khăn ở trường học, và giáo viên cho rằng các em kém hơn về học tập và trí thông minh so với các bạn khác.
“Nhu cầu của những học sinh nhút nhát rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua vì các em hay ngồi yên lặng, trong khi đó những em có vấn đề về cư xử thì lại được giáo viên quan tâm hơn” – giáo sư về Tâm lý học ứng dụng Sandee McClowry tại Đại học New York (Mỹ), đồng thời là tác giả của nghiên cứu “School Psychology Review” cho biết – “Việc để cho trẻ em nhút nhát tham gia vào các hoạt động mà không làm các em khó chịu là điều rất quan trọng”.
Đừng cố gắng thay đổi các em
Nhút nhát là một trong những tính khí của trẻ và một chương trình mang tên “INSIGHTS into Children’s Temperament” đã được đưa ra để giúp các thầy cô giáo và phụ huynh điều chỉnh những nhu cầu của môi trường phù hợp với tính cách cá nhân từng trẻ.
Chương trình cung cấp một khung hoạt động để trân trọng và hỗ trợ những khác biệt trong tính cách của trẻ chứ không cố gắng thay đổi chúng.
Những người tham gia trong chương trình học cách nhận diện 4 tính khí của trẻ em là: nhút nhát, hòa đồng và thích thử cái mới, siêng năng và luôn cần được quan tâm.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá xem chương trình có hỗ trợ cho sự tiến bộ trong học tập, đặc biệt là tư duy phản biện, Toán, các kỹ năng ngôn ngữ - của trẻ em ở những ngôi trường nghèo ở thành phố.
Gần 350 trẻ em và phụ huynh ở 22 trường tiểu học đã được theo dõi trong thời gian học mẫu giáo và lớp 1. Một nửa số các trường tham gia được chọn ngẫu nhiên, nửa còn lại thuộc nhóm kiểm soát, tham gia vào một chương trình tập đọc bổ sung sau giờ học.
“Từ trường mẫu giáo và lớp 1 là một thay đổi lớn đối với trẻ em, cho dù em đó có tính khí thế nào” – ông McClowry nói – “Đối với những trẻ nhút nhát, sự thay đổi này là một thách thức thật sự”.
Cần cảm giác an toàn và được tôn trọng
Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến những gì xảy ra sau kỳ nghỉ hè vì có những nghiên cứu cho thấy các kỹ năng của trẻ có nguy cơ bị giảm sút trong mùa hè khi các em không đi học. Bằng cách hỗ trợ thêm các em ở giai đoạn cuối cùng của trường mẫu giáo, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ duy trì được lâu dài các kỹ năng của trẻ.
Trong vòng 10 tuần, các nhà nghiên cứu và phụ huynh trong chương trình INSIGHTS đã biết cách nhận diện những khác biệt ở trẻ và hỗ trợ chúng theo các các phù hợp với tính khí của từng em. Cũng trong cùng thời điểm này, trẻ em tham gia vào các hoạt động lớp học của INSIGHTS, sử dụng những con rối, thẻ bài, sách vở, video để giúp các em giải quyết những khó khăn hàng ngày.
Trong khi tất cả các em trong chương trình INSIGHTS cho thấy có tiến bộ về học tập, thì tác động lại càng rõ rệt đối với những trẻ em nhút nhát. Những em nhút nhát tham gia chương trình đã trưởng thành hơn rất nhiều trong các kỹ năng về tư duy phản biện và sự ổn định ở các kỹ năng làm Toán khi chuyển từ trường mẫu giáo lên lớp 1, so với những trẻ nhút nhát ở nhóm kiểm soát bị yếu đi cả 2 lĩnh vực.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quan sát thấy không có tiến bộ trong các kỹ năng về ngôn ngữ ở các em nhút nhát có sự can thiệp của INSIGHTS so với các em trong nhóm kiểm soát. Có lẽ lý do là các em trong nhóm kiểm soát tham gia chương trình tập đọc bổ sung.
“Nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ việc tạo ra một môi trường khiến cho trẻ nhút nhát cảm thấy an toàn và được tôn trọng để hỗ trợ sự phát triển của các em” – tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Erin O’Connor – cho biết - “Chúng tôi cần thay đổi lại cách hiểu về những em nhỏ này, vì hầu hết các em nhút nhát sẽ không “chịu ra khỏi vỏ ốc” của mình.