(GD&TĐ) - Dân gian có câu "Con hư tại mẹ" ý muốn nói con thường được mẹ thương, mẹ chiều nên hay hư... Người mẹ đối với con thì bao giờ cũng bao dung và luôn thương yêu hết lòng kể cả những khi con mắc lỗi. Chính bởi thế mà mỗi khi đứa trẻ mắc lỗi một việc gì đó, người ta lại nói “con hư tại mẹ” nhưng không ít đứa trẻ ngỗ ngược, hỗn hào là do sự cưng chiều thái quá của ông bà và người thân...
Con chơi với bạn hư...
Chị Lan giận sôi người khi thấy bác Hòa hàng xóm chạy sang nhắc nhở: “Thằng cu Bắc nhà cô nó nghịch quá. Nếu không nể cô thì hôm nay tôi đã cho nó một trận...”.
Hôm nay nó và thằng cu Tuấn nhà chị Chi sang nhà tôi chơi đã đập vơ cái lọ lộc bình tôi vừa mua hôm Tết. Tôi quát chúng mà chúng vẫn không sợ còn thản nhiên bảo: Cái lọ nhà bác xấu thế, vỡ thì cháu về bảo mẹ cháu mua cái khác đẹp hơn đền, làm gì mà bác phải cau có thế. Cô xem dạy bảo thằng bé đi nhé, hư quá”.
Không cần biết đúng sai thế nào, đầu đuôi ra sao, chị Lan về nhà cầm roi đánh thật đau mấy cái vào mông thằng bé và gào lên: “Hư này, làm bố mẹ mất mặt với hàng xóm này. Từ ngày chơi với thằng cu Tuấn là hư hẳn lên. Từ giờ, mẹ cấm con chơi với thằng Tuấn nghe chưa? Mẹ cấm con chơi với con nhà hư hỏng như thế...”.
Mọi lần Bắc mắc lỗi chỉ bị mẹ mắng cho mấy câu rồi chẳng thấy mẹ nói gì nữa nhưng hôm nay chắc mẹ bực lắm nên mới đánh nó như vậy. Biết vậy, thằng Bắc khôn ranh liền nhận lỗi: “Mẹ ơi, con biết lỗi rồi, mai con không chơi với thằng Tuấn nữa. Mẹ tha cho con...”. Nghe thấy con xin lỗi và tỏ thái độ biết vâng lời, chị Lan dịu giọng: "Con phải nhớ lời mẹ dạy nghe chưa. Chơi bời gì mà phá phách như vậy ai mà chịu được. Từ nay con không được chơi với thằng Tuấn kia, con nhớ chưa?
Chị Chi mẹ của bé Tuấn tình cờ ngang qua nhà chị Lan, thấy chị Lan nổi đóa với cu Bắc và còn loáng thoáng nghe thấy nhắc đến tên cu Tuấn nhà chị trong cơn giận đó, tò mò chị đã đứng lén nghe. Chị đứng lén ngoài cổng nghe hết câu chuyện và vô cùng tức giận cu Tuấn. Trong câu chuyện chị thấy chị Lan vô lý, nếu có lỗi thì là cả hai đứa trẻ đã có lỗi cớ sao lại cấm cu Bắc không chơi với cu Tuấn nhà chị.
Ảnh MH |
Về tới nhà chị Chi gọi ngay cu Tuấn đến mắng, và hỏi rõ ngọn ngành tại sao lại đánh vỡ lọ lộc bình nhà bác Hòa. Chị Chi thấy buồn vì cách dạy con của chị Lan vì hàng ngày hai chị đi đâu vẫn thường có nhau, thân thiết như chị em ruột thịt. Từ hôm hai đứa trẻ đánh vỡ lọ lộc bình nhà bác Hòa - hàng xóm chị Chi ít sang nhà chị Lan chơi hơn.
Trẻ con, cho dù mẹ có cấm đoán thế nào chúng vẫn tìm đến để chơi với nhau nên chỉ hai ngày sau, chị Lan lại phải muối mặt xin lỗi khi một bác hàng xóm khác vì cu Tuấn lại rủ cu Bắc sang ném cát vào bể nước nhà bà. Lần này chị Lan hậm hực: “Lại là thằng Tuấn, về phải cấm con mình chơi với thằng Tuấn ngay thôi!”.
Nếu cứ mỗi lần con chị Lan mắc lỗi, chị lại cấm con chơi với bạn thì liệu cách dạy đó có phù hợp? Chị có cấm con mình chơi với tất cả bọn trẻ con trong khu phố hay không?
Con một khó dạy bảo...
Lan, bạn tôi, có 1 đứa con gái duy nhất 15 tuổi, nó hơi khó bảo nhưng tôi học được từ bạn cách giáo dục con cái thật hay. Con gái Lan thường đòi hỏi cha mẹ một cách quá đáng, hễ bạn bè có cái gì là cháu phải có bằng được. Dù gia đình không khá giả nhưng cháu sống theo kiểu con nhà quý tộc, vợ chồng Lan phải gồng mình làm lụng để chiều theo ý cô con gái duy nhất. Rồi một ngày, Lan nhận ra rằng cách giáo dục con như vậy thật sai lầm. Cô đã bắt đầu lên kế hoạch giáo dục con, lắng nghe những tâm sự, những chuyện vui buồn của con, vừa khuyên nhủ, vừa đưa ra những hướng đi đúng đắn để con gái nghe theo. Sự dạy bảo của cô chỉ mang tính góp ý, không ồn ào, không cứng nhắc. Mỗi lần con gái đòi hỏi một cái gì đó, cô lại kể cho con nghe những mảnh đời bất hạnh sống quanh mình để con hiểu rằng mình đang có cuộc sống sung túc như vậy thì phải biết trân trọng biết quý trọng những đồng tiền mà cha mẹ vất vả làm ra, biết tiết kiệm một chút để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày qua ngày, hình như con bé đã thấm những lời dạy bảo của mẹ nên cháu sống giản dị, hoà đồng và biết tận dụng những thứ mà mình không dùng nữa để làm từ thiện cùng cha mẹ. Từ đó, cháu trở thành cô gái thật hiếu thảo, dễ thương.
Đúng là dạy con không thể bằng roi, bằng những lời quát mắng, đe dọa như tôi làm với con trai mình. Những điều đó chỉ khiến con trẻ thêm nổi loạn, mặc cảm với mọi người và chúng sẽ có những suy nghĩ lệch lạc về cha mẹ. Sinh con ra đã khó, nuôi dạy chúng nên người lại càng khó hơn. Tôi nhận thấy những đứa trẻ sống trong gia đình hiếm con thường tỏ ra mình là người quan trọng, vì chỉ có một mình nên tự do, thoải mái đòi hỏi những gì mình muốn, cha mẹ cũng chẳng thể nào không đáp ứng, vì chỉ có mỗi mụn con. Nếu đã biết được điều này, cha mẹ cần sáng suốt nhìn nhận và có cách giáo dục con vừa nghiêm khắc, vừa mềm mỏng, hãy dạy con về giá trị của cuộc sống, biết quý trọng những gì cha mẹ dành cho và biết sống vì mọi người hơn.
Khó dạy con vì ông bà nuông chiều thái quá
Chồng là con trai một mà mãi đến năm 35 tuổi mới lập gia đình nên dâu con như chị Thu Ngân (Hai Bà Trưng – Hà Nội) biết chắc là phải sớm sinh cho nhà chồng cháu đích tôn nhưng… đâu phải muốn là có được. Thật may mắn cho chị Ngân, khoảng hai năm sau, ước mong của ông bà và cũng là của chị được toại nguyện.
Từ ngày có cháu, mẹ chồng chị sao nhãng việc sinh hoạt câu lạc bộ dưỡng sinh, chỉ mải ở nhà chăm lo cu Bin. Mỗi khi nghe cháu khóc, bà lại la lên: “Ai làm gì cháu? Đã bảo trẻ con khóc nhiều sẽ kém thông minh, cứ chọc cho nó khóc, là sao?”. Cứ kiểu ấy, chỉ đôi ba tháng, nhà chị Ngân lại đổi người giúp việc vì Bin có vài vết muỗi cắn hoặc bị ói khi ăn hay leo trèo té ngã…
Thấy ông bà cưng chiều quá mức, sợ Bin hư nên chị Ngân hết lời năn nỉ mẹ chồng cho phép mình được dạy con nhưng bà lại cho rằng chị muốn ly gián tình cảm bà cháu nên càng “hậu thuẫn” Bin khiến cu cậu ngày thêm lì lợm. Khi không vừa ý là Bin gào thét, ném hết đồ đạc, có khi còn cào cấu, trầy cả mặt người giúp việc...
Biết là dạy con kiểu này là không được nhưng vì cu Bin luôn có ông bà hậu thuẫn nên chị Ngân đành chào thua trước những chiều chuộng quá mức ấy. Nuốt tức giận vào trong chị về bàn với chồng sắp tới cu Bin vào lớp 1 vợ chồng sẽ xin ra ở riêng để tiện cho việc dạy dỗ...
Với trẻ thơ, cuộc sống này có quá nhiều điều mới lạ. Bé cần lắm sự hướng dẫn của cha mẹ khi chập chững những bước đầu tiên trong cuộc đời. Khi con tỏ ra không ngoan thì không thể đổ hết lỗi do chúng bị bạn bè xấu xúi giục hay sự nuông chiều thái quá của người thân mà nên có những biện pháp giáo dục tích cực, khích lệ trẻ để trẻ nhận ra lỗi lầm để rồi tự trẻ sửa chữa. Lối giáo dục con theo kiểu lạm dụng quyền lực không được khuyến khích khi áp dụng và việc dạy dỗ trẻ. Chính vì thế, hơn ai hết cha mẹ phải là tấm gương để con cái noi theo. “Thương lượng, từ chối, đánh lạc hướng là ba “câu thần chú” giúp bạn dạy con ngoan mà không cần phải dùng đến những lời mắng mỏ hay đòn roi” – TS., nhà tâm lý học trẻ em Steven Biddulph (Úc) cho biết. Bằng tình yêu thương con của mình, hi vọng những ông bố bà mẹ sẽ tìm ra được phương pháp dạy con hiệu quả nhất.
Phương Thủy