Ngoại ngữ không bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT:

Dạy tiếng Anh sáng tạo, học để phục vụ cuộc sống

GD&TĐ - Với các trường ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, dạy và học môn Tiếng Anh còn nhiều trở ngại.

Cô Phạm Thị Liên (bên phải) - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh tại Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Đình Tuệ
Cô Phạm Thị Liên (bên phải) - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh tại Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Đình Tuệ

Từ đó đòi hỏi những giải pháp linh hoạt để bảo đảm chất lượng môn học này.

Nâng cao tinh thần đổi mới

Là Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh tại Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) - cô Phạm Thị Liên nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn đã đáp ứng yêu cầu về giảm áp lực thi cử cho học sinh, được đa số dư luận đồng tình ủng hộ.

Dù không nằm trong số môn thi bắt buộc từ năm 2025, để bảo đảm chất lượng dạy - học môn Tiếng Anh cần tập trung vào các kiến thức trọng tâm như từ vựng và ngữ pháp quan trọng. Linh hoạt nội dung dạy học, chú ý kỹ năng giao tiếp, không vì áp lực chạy chương trình mà bỏ qua phần cơ bản, có tính ứng dụng thực tế và liên kết với cuộc sống hằng ngày. Giáo viên cần nâng cao tinh thần tự học, đổi mới và sáng tạo trong dạy học.

Cô Liên cũng tham gia thường xuyên các nhóm như: Hiệp hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Việt Nam, Cộng đồng giáo viên tiếng Anh toàn quốc, Cộng đồng thực hành giảng dạy tiếng Anh nhằm chia sẻ, học hỏi đồng nghiệp trong và ngoài nước để áp dụng phương pháp giảng dạy hiệu quả, tích cực, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh.

“Tôi đã khéo léo lồng ghép các nội dung ứng dụng thực tế vào bài học, định hướng cho học sinh thấy tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ; xác định rõ mục tiêu học ngoại ngữ để mở mang hiểu biết, phục vụ cuộc sống sau này và học để sử dụng chứ không phải vì điểm hay thi”, cô Liên cho hay.

Còn theo thầy Dương Chí Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (Ứng Hòa, Hà Nội), dạy học môn Tiếng Anh với các trường nông thôn hay miền núi còn nhiều khó khăn so với thành thị. Dù Tiếng Anh là môn bắt buộc trong chương trình phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12, thi tốt nghiệp THPT lại là tự chọn cũng phù hợp với xu thế chung. Lên đại học, các em sẽ tự xác định cho mình nhu cầu thực tế công việc và vai trò của học bổ trợ các kiến thức, ngoại ngữ phục vụ chính cuộc sống của mình.

“Trường hiện có 8 lớp 11 với 360 học sinh; nằm ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều em theo bố mẹ lên thành phố. Tỷ lệ học sinh vào lớp 10 chọn tổ hợp giữa tự nhiên và xã hội là 50/50, mỗi tổ hợp có 4 lớp. Các em đã và đang được định hướng ngành nghề sau này thông qua tổ hợp môn đã chọn. Do đó, nhà trường tiếp tục các giải pháp để duy trì chất lượng dạy học môn Tiếng Anh bảo đảm đúng chương trình để học sinh có đủ kiến thức cần thiết”, thầy Sỹ nói.

Năm học này, Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) có hơn 430 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều đời sống còn nhiều khó khăn. Cô Nguyễn Thùy Giao – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, dù Tiếng Anh không nằm trong số môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT từ 2025, thầy cô vẫn sẽ dạy đủ số tiết bảo đảm kiến thức cơ bản cho học sinh. Đây là môn quan trọng hỗ trợ đắc lực cuộc sống sau này của các em, nhất là trong thời kỳ hội nhập.

Cô Giao cho biết thêm, trường hiện có 3 giáo viên tiếng Anh. Các thầy cô đều hiểu rõ mục tiêu của Chương trình GDPT mới với 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi. Ngoài việc dạy học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết, giáo viên cũng tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn do Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn, cải tiến chất lượng bài dạy. Do đó, học sinh không có tư tưởng học chỉ để “qua bài” vì không bắt buộc thi.

Học sinh Bà Rịa - Vũng Tàu thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP Vũng Tàu). Ảnh: Hồ Phúc.

Học sinh Bà Rịa - Vũng Tàu thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP Vũng Tàu). Ảnh: Hồ Phúc.

Nhu cầu tự thân

Theo thầy Lê Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), toàn trường có 478 học sinh khối 10 và 11, gần 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. So với các vùng trung tâm thì năng lực học ngoại ngữ của học sinh nhà trường chưa cao, nhất là học sinh dân tộc.

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, đầu năm học nhà trường đã định hướng các tổ hợp môn lựa chọn để học sinh lựa chọn phù hợp với phẩm chất và năng lực. Riêng những em đã có định hướng thi vào trường cao đẳng, đại học có môn Tiếng Anh thì cho đăng ký. Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp để các em học tập.

Thầy Thắng cũng cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT thông qua mới đây có tác động định hướng rất lớn đối với cả giáo viên và học sinh, đặc biệt là lứa học sinh đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Quyết định đưa Ngoại ngữ thành môn lựa chọn kỳ thi THPT ít nhiều ảnh hưởng đến việc sắp xếp dạy và học trong thời gian sắp tới.

“Tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung quan trọng trong thời kỳ hội nhập, những ai thực sự cần dùng đến và có đam mê mới nên học chuyên sâu. Thời hội nhập, ai cũng dùng đến ngoại ngữ trong quá trình làm việc. Nhà trường luôn định hướng cho học sinh nhận thức đúng đắn, rèn luyện để sớm có “công cụ” trong tay, có thể đi xa hơn trên con đường tương lai phía trước”, thầy Thắng chia sẻ.

Với môn Ngoại ngữ, nhiều gia đình đã quan tâm và đầu tư cho con em khác hẳn môn học khác. Nhiều em ngoài học tập tại trường còn được gia đình đăng ký học ở các trung tâm để phát triển năng lực bản thân.

Chia sẻ thực tế tại địa phương, thầy Hồ Sĩ Nhật Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn nhận, thi bắt buộc hay tự chọn sẽ không ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Bởi quan niệm không thi thì không học, môn nào không thi môn ấy là môn phụ không cần phải học là quan niệm sai lầm. Đến lúc không phải học để thi mà học để sử dụng, ứng dụng vào công việc, đời sống. Học để tiếp cận với sự phát triển của thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.

“Khi không còn bắt buộc, học sinh có thể lựa chọn cho định hướng nghề nghiệp của mình từ những năm đầu cấp. Tới đây, các nhà trường sẽ xây dựng các lớp tương ứng cho học sinh theo môn lựa chọn. Đặc biệt việc Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong việc dạy và học. Bởi các thầy cô sẽ bỏ qua áp lực điểm số để hướng đến tư duy giảng dạy tích cực cho học trò. Giáo viên sẽ được “cởi trói”, không còn dạy để thi mà dạy để học sinh đáp ứng yêu cầu thị trường lao động”, thầy Nam chia sẻ.

Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ Tiếng Anh, sự kiện văn hóa để tăng cường kỹ năng giao tiếp của học sinh; lớp học xuyên biên giới để tạo điều kiện cho các em có cơ hội giao lưu với người bản ngữ, giáo viên và học sinh nước ngoài và trường trong nước. Tạo cơ hội cho học sinh thực hành tiếng Anh thông qua hoạt động thực tế như tham quan địa danh lịch sử, khu du lịch tại địa phương. Khuyến khích học sinh nâng cao tinh thần tự học qua việc sử dụng tài nguyên trực tuyến, sách giáo dục và các phương tiện học tập khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ