Dạy tiếng Anh hướng tới phát triển năng lực người học

GD&TĐ - Chương trình dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực của người học là quá trình giáo dục chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Vì thế đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh đạt mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học là nhiệm vụ đặt ra trong quá trình đổi mới giáo dục.  

Sinh viên Đại học Thái Nguyên tham gia chương trình đánh giá chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ
Sinh viên Đại học Thái Nguyên tham gia chương trình đánh giá chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ

Đa dạng hóa các hình thức dạy học

TS Đặng Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, một trong những nội dung của phương pháp giảng dạy mà giáo viên cần chú trọng tới, đó là tổ chức các hoạt động khởi động trong giờ học. Hoạt động khởi động có thể được thực hiện trong vòng 5 - 10 phút dưới nhiều hình thức như: Trò chơi, đố vui…

Hoạt động này có vai trò làm “tan băng” (ice-breaking), xóa đi sự ngại ngùng, e dè của người học và thu hẹp khoảng cách giữa người dạy - người học, người học - người học. Thay vào đó, nó giúp làm “ấm lên” (warm-up) bầu không khí trong lớp học.

Hoạt động này thường được sử dụng trước khi bắt đầu buổi học, trước một nội dung học nhưng cũng có lúc được dùng đan xen trong giờ nếu giáo viên nhận thấy người học đang chán nản hoặc mệt mỏi.

“Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học...”. Vì vậy, giáo viên chỉ là người hướng dẫn tổ chức để người học chủ động thực hiện các hoạt động nhằm phát huy năng lực của mình mà giáo viên có thể phát động cuộc thi “Thiết kế hoạt động học tiếng Anh” để người học thỏa chí thể hiện khả năng sáng tạo của mình”, TS Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

Để đổi mới các hoạt động giao tiếp, giúp người học có thêm sự hứng khởi và tự tin khi bước vào giờ học, TS Đặng Thị Thu Hương cho rằng, trong buổi gặp đầu tiên, giáo viên ghi lên bảng một số từ khóa về bản thân như tên, năm sinh, nơi ở, sở thích… Người học làm việc theo cặp hỏi nhau thông tin trên bảng về giáo viên. Giáo viên cho sinh viên làm việc theo cặp để đoán thông tin trên bảng, sau đó mời một số sinh viên đặt câu hỏi để giáo viên đưa ra câu trả lời về bản thân mình theo những thông tin có sẵn. Với hoạt động này, giáo viên tạo không khí thoải mái trong buổi làm quen, đồng thời thực hành kỹ năng phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Để giúp người học mở rộng vốn từ vựng và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giáo viên có thể dùng phương pháp “Con rắn từ vựng”. Giáo viên chia người học ra thành các nhóm, mỗi nhóm gồm 5 người ngồi thành hình vòng tròn, cử một người ghi chép. Giáo viên đưa ra một từ làm đầu rắn, các nhóm có 3 phút để nối “thân rắn”, từ đứng sau có chữ cái đầu là chữ cái cuối của từ đứng trước.

Ví dụ: Giáo viên cho từ “Love”, chuỗi các từ tiếp theo có thể như sau Love, English, honest, teacher… Tùy thuộc vào trình độ của người học, giáo viên có thể lựa chọn độ khó cho phù hợp (nhóm từ loại, nhóm từ vựng theo chủ đề…) Sau 3 phút, các nhóm trao đổi kết quả để kiểm tra chéo và đếm từ. Nhóm có số lượng từ nhiều nhất (đúng chính tả) nghĩa là có con rắn dài nhất sẽ thắng cuộc và giành được phần thưởng của giáo viên.

Theo TS Đặng Thị Thu Hương, để giúp người học rèn luyện đọc hiểu, kỹ năng ghi nhớ và kỹ năng phối hợp trong làm việc nhóm, có thể sử dụng phương pháp “Lắp ghép câu chuyện”: Người học được chia thành các nhóm, mỗi nhóm gồm từ bốn đến năm người. Giáo viên chuẩn bị một câu chuyện bằng chữ hoặc cả tranh lẫn chữ đã được in ra và cắt rời thành từng câu/tình tiết riêng biệt trên từng mẩu giấy. Những mẩu giấy được đánh số không theo thứ tự và phát cho mỗi nhóm bộ chuyện đã cắt rời. Sau 5 phút, các nhóm xếp thành câu chuyện hoàn chỉnh và nộp lại kết quả cho giáo viên.

Lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức phù hợp

TS Đặng Thị Thu Hương cho rằng, tùy thuộc vào trình độ, năng lực tiếng Anh, lứa tuổi, tâm lý của người học; điều kiện hoàn cảnh, thời điểm và mục tiêu của bài giảng... giáo viên có thể lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức phù hợp để có hiệu quả tốt nhất.

Hoạt động có thể được tổ chức một cách linh hoạt, không nên cứng nhắc theo kịch bản đã chuẩn bị sẵn trong giáo án. Hoạt động có thể được thêm, bớt, điều chỉnh nội dung; có thể tổ chức đầu giờ học hoặc giữa buổi nếu thấy cần thiết để có thể khai thác hoạt động đó một cách tối ưu nhất.

Bên cạnh việc tạo không khí cho lớp học, giáo viên cần lưu ý việc thúc đẩy người học sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt trong những hoạt động này là vô cùng cần thiết. Giáo viên đưa người học vào một hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” một cách tự nhiên mà vẫn đạt được ý đồ sư phạm của mình.

Có thể nói, hoạt động khởi động là một bước trong tiến trình thực hiện các giờ học. Nếu hoạt động được sử dụng một cách phù hợp sẽ mang lại hiệu quả rất lớn đối với giờ học ngoại ngữ. Nó không chỉ giúp cho người học có thêm sự hứng khởi và tự tin khi bước vào giờ học, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, mà còn tăng cường các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy sáng tạo và phản biện… cho người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ