Không để học sinh thiệt thòi
Ý tưởng mở lớp dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ theo cha mẹ sinh sống ngoài đảo Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa - tỉnh Khánh Hòa) được nảy ra khi trung tá Phan Lê Giáp – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 394 nhận thấy các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 ngoài đảo chưa được học tiếng Anh bởi ngoài đảo không có giáo viên. Và nếu như vậy, khi các em trở lại bờ thì việc học tập, hòa nhập tiếp cận với môn học Tiếng Anh sẽ khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng 394 Trường Sa nhiều người biết và thậm chí có trình độ nhất định với tiếng Anh đều có thể thay thầy cô, cha mẹ dạy bảo các em những kiến thức cơ bản nhất…
Từ lo lắng trăn trở ấy cùng tình thương các cháu nhỏ ngoài đảo xa như những đứa con của mình trong bờ, trung tá Phan Lê Giáp đã quyết định đề xuất và xin phép mở lớp học tiếng Anh tới Đảo trưởng – kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa. Rất nhanh chóng, ý tưởng của anh được chấp thuận và một lớp học tiếng Anh cho những đứa trẻ ngoài đảo xa chính thức được mở ra. Người đứng lớp những buổi đầu tiên cho các em không ai khác chính là thầy giáo mang quân hàm xanh - Đồn trưởng, trung tá Phan Lê Giáp.
Lớp học được cán bộ chiến sĩ đồn thông báo đến các hộ gia đình có con trong độ tuổi đi học trên đảo cũng nhận được sự đồng tình và mừng rỡ. Phụ huynh chủ động, nhiệt tình cho con tới lớp học tập bởi đó cũng là mong muốn, nỗi lo của họ khi con tới tuổi đi học mà chưa được học và làm quen với môn học Tiếng Anh. Ban đầu lớp có 7 học sinh, sau giảm 1 em vì chuyển vào bờ. Đồn trưởng Phan Lê Giáp sau vài buổi đứng lớp vì nhiều công việc bận rộn đã vận động và chọn ra trung tá Mai Đăng Hồ - người có trình độ tiếng Anh gần như tốt nhất của đồn để trao nhiệm vụ tiếp tục dạy lớp.
6 học sinh của lớp học tiếng Anh |
Tấm lòng người chiến sĩ
Nhớ lại những ngày đầu dạy lớp, trung tá Mai Đăng Hồ kể: Lớp có 7 học sinh thì ở 3 lứa tuổi và trình độ khác nhau. 4 học sinh lớn tuổi nhất học lớp 4; 2 em học lớp 3; 1 em ít tuổi nhất học lớp 1. Mặt khác, đối với học sinh ngoài đảo, sự tiếp cận với môi trường học tập tiếng Anh và xã hội không nhiều nên các em khá rụt rè, tiếp nhận kiến thức chậm hơn học sinh trong bờ rất nhiều.
Cũng bởi sự bất đồng về trình độ và sự tiếp thu khác nhau của học sinh nên việc giảng dạy càng đòi hỏi kĩ càng mới đạt hiệu quả. Trung tá Mai Đăng Hồ phải mất công nhiều trong việc soạn giáo án, bài tập phù hợp trình độ tiếp thu của từng em. Mặt khác, trong quá trình học tập, em nào tiếp thu chậm hơn thầy phải quan tâm kèm cặp nhiều hơn.
Dạy tiếng Anh với những thầy giáo không chuyên cũng không hề đơn giản dù họ có kiến thức. Ngoài việc lựa chọn chương trình, sách giáo khoa để dạy phù hợp, trung tá Mai Đăng Hồ phải tự trau dồi thêm cho mình cách phiên âm cho thật chuẩn bởi: “Các cháu như trang giấy trắng, lần đầu học tiếng Anh, dạy sao các cháu học thế. Nếu không dạy cách phát âm đúng vô hình trung sẽ làm các cháu đọc sai theo và rất khó sửa ở quá trình học tập sau này…”.
Và chỉ là học thêm phụ đạo, nhưng sau thời gian học nhất định trung tá Mai Đăng Hồ đều cho học sinh làm bài kiểm tra, sau đó sửa bài, nhận xét và đánh giá trình độ từng học sinh một cách nghiêm túc. Kết thúc khóa học một năm thầy cũng cho làm bài kiểm tra đánh giá trình độ học sinh để báo cáo kết quả dạy và học lên Chỉ huy đồn. Sau một năm học, trong 6 học sinh thì có 2 em đạt trình độ giỏi; 2 em khá, 2 em trung bình. Kiến thức, trình độ của các em đạt được tương đương với chương trình giáo dục tiếng Anh phổ thông lớp 3.
Trung tá Mai Đăng Hồ cho biết: Lớp học ngoài đảo xa cũng tồn tại những khó khăn nhất định đòi hỏi người thầy sự tâm huyết và tình thương với trẻ mới có thể khắc phục. Về giáo án, ngoài cuốn sách giáo khoa được gửi từ bờ là được in chuẩn, còn lại sách học cho 7 học sinh cùng phiếu bài tập… thì thầy giáo phải tự tay đánh máy lại hoàn toàn rồi in ra 7 cuốn phát cho học sinh.
Những đoạn sách giáo khoa dùng kí tự phiên âm mà trên máy tính không có ký tự đó, thầy giáo để trống rồi sau đó dùng bút đính chính trực tiếp lại trên sách các ký tự phiên âm đó. Việc tự trau dồi lại kiến thức, soạn giáo án bài tập cho học sinh, đánh máy lại sách giáo khoa đã chiếm của thầy giáo Mai Đăng Hồ khá nhiều thời gian trong khi các công việc chính của đơn vị anh vẫn phải hoàn thành.
Lớp học mở ra, không có địa điểm cho các em tập trung học tập nên Đồn Biên phòng 394 Trường Sa trưng dụng phòng hội trường của đơn vị để các em học tập. Một tuần 3 buổi từ 19 giờ -21giờ tối máy nổ của đồn lại được chạy để có điện phục vụ đèn và quạt cho lớp học. Thời gian phát điện được ưu tiên tối đa cho lớp học tiếng Anh nên đôi khi lịch làm việc của các bộ phận chức năng của đồn cũng phải kết hợp cùng thời gian để tiết kiệm và tránh lãng phí.
Theo chia sẻ của thầy Hồ, bố mẹ của những học sinh trong lớp tiếng Anh do anh đứng lớp giảng dạy đều theo nghề biển khá vất vả, trình độ học vấn không cao, ngoại ngữ tiếng Anh càng không biết. Vì vậy, mọi việc học tập của con em họ đều trông chờ vào thầy giáo. Thế nhưng điều an ủi lớn với anh hơn cả là tinh thần, ý thức khuyến khích con học tập cùng sự biết ơn chân thành của các phụ huynh. Điều đó cũng là động lực và niềm vui để anh vượt mọi khó khăn dành hết tâm huyết, tình thương đồng hành cùng lớp học.