Dạy tích hợp môn Hóa học:Tránh kiểu “lẩu thập cẩm”!

GD&TĐ - Với môn Hóa học, khi dạy học tích hợp giáo viên cần dựa trên 3 đặc điểm chính là: Lấy người học làm trung tâm; Định hướng đầu ra; cuối cùng là dạy và học các năng lực thực hiện.

Thực hành môn Hóa theo hình thức câu lạc bộ
Thực hành môn Hóa theo hình thức câu lạc bộ

Đây là chia sẻ của Thạc sỹ Trần Mạnh Cường - giáo viên dạy giỏi của Trường THPT Kim Liên (Đống Đa – Hà Nội). Với kinh nghiệm giảng dạy của mình, thầy Cường cho rằng với môn Hóa học, khi dạy học tích hợp giáo viên cần dựa trên 3 đặc điểm chính là: Lấy người học làm trung tâm; Định hướng đầu ra; cuối cùng là dạy và học các năng lực thực hiện.

Thầy chủ động, trò tích cực

Thầy Cường phân tích: Việc dạy tích hợp có những kiến thức liên quan đến các môn học khác đòi hỏi người giáo viên phải tự học, tự nghiên cứu nhiều bộ môn, lĩnh vực khác nhau như: Sinh học, Vật lý và Toán học…

Ngoài ra, với việc đổi mới phương pháp dạy học như hiện nay thì vai trò của giáo viên không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh cả ở trong và ngoài lớp học. Vì thế, giáo viên cần phải trang bị cho mình những kỹ năng sư phạm để không bị tụt hậu.

Còn đối với học sinh, việc triển khai dạy học tích hợp đòi hỏi các em phải tích cực, chủ động hơn nhiều trong việc tiếp thu và xử lý thông tin, tri thức. Thực tế, quá trình học, kiểm tra, đánh giá trước đây đã khiến nhiều học sinh rơi vào tình trạng thụ động, học lệch, học tập mà không có hứng thú.

Chính vì vậy khi triển khai dạy tích hợp đối với môn Hóa học đã mang lại nhiều ưu điểm cho cả thầy và trò trong quá trình giảng dạy và học tập.

Bài giảng môn Hóa truyền thống vốn là sự kết hợp của lý thuyết và thực hành. Nếu thực hiện linh hoạt hai nội dung này, đặc biệt là phần thực hành, sẽ tạo được hứng thú cho học sinh, các em sẽ chủ động hoạt động trong giờ học. Đây là lợi thế để triển khai bài giảng theo hướng lấy người học là trung tâm.

Mặt khác, bản thân môn Hóa học có rất nhiều vấn đề liên quan đến thực tế đời sống, đến các môn học, lĩnh vực khác. Vì thế, nếu giáo viên chịu khó tìm tòi, soạn bài giảng công phu sẽ rất dễ thực hiện mục tiêu tích hợp liên môn. Học sinh lại dễ tiếp thu, phát huy tính tự chủ, chủ động để nỗ lực tìm kiếm kiến thức.

Bí kíp dạy tích hợp môn Hóa học

Theo kinh nghiệm của thầy Cường, để dạy học tích hợp môn Hóa theo hướng phát triển năng lực cá nhân, giáo viên cần xác định nội dung kiến thức có thể tích hợp với môn Hóa học, tránh tình trạng “lẩu thập cẩm” tích hợp quá nhiều môn, tích hợp mà không hiểu rõ về tích hợp dẫn đến xa rời trọng tâm kiến thức của bài dạy và gây căng thẳng cho học sinh cũng như giáo viên.

Ví dụ, những môn học có thể dạy tích hợp với môn Hóa học là: Sinh học, Hoá học, Giáo dục bảo vệ môi trường, Địa lí, Công nghệ, Giáo dục công dân...

Ngoài ra, cần phát huy lợi thế thu hút học sinh của môn Hóa học. Theo đó, giáo viên cần triển khai bài học theo hướng dạy học giải quyết vấn đề. Về kiến thức, nên lồng ghép vào bài giảng việc giải thích các hiện tượng trong tự nhiên và trong thực tế cuộc sống.

Còn về thực hành, nên hướng dẫn cho học sinh làm thí nghiệm nhiều hơn kể cả tại phòng thí nghiệm và những thí nghiệm học sinh tự làm với các “hóa chất” mà học sinh gặp trong thực tế. Ví dụ: Xác định độ axit trong các loại nước uống và giải thích bằng kiến thức hóa học.

Bên cạnh đó, giáo viên bắt buộc phải phải tìm hiểu sâu hơn những kiến thức thuộc các môn học khác, nghiên cứu thêm các kiến thức có liên quan tiến tới xây dựng một “ngân hàng” kiến thức cho bản thân về cả lý thuyết, bài tập, hình ảnh...

Mặt khác, giáo viên nên tổ chức cho học sinh tham gia các câu lạc bộ Hóa học, các buổi ngoại khóa về Hóa học, các cuộc thi Hóa học vui…. nhằm tạo điều kiện cho học sinh vận dụng những kiến thức vào cuộc sống, tạo niềm hứng thú và say mê Hóa học. Đồng thời kích thích học sinh lòng ham hiểu biết, hình thành cho học sinh thói quen luôn thắc mắc, đặt vấn đề đối với những hiện tượng trong cuộc sống và phải tìm cách giải quyết cho được các vấn đề đó.

Ví dụ: Khi tham gia câu lạc bộ, học sinh sẽ tự mình đưa ra thắc mắc vì sao có hiện tượng đóng cặn tại các dụng cụ chứa nước nóng, vì sao nói “nước chảy đá mòn”, giải thích câu ca dao “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ. Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”….

Trong các hoạt động ngoại khóa cần hướng cho học sinh sử dụng các kỹ năng liên môn để khảo sát, trình bày các kiến thức thu được. Ví dụ, dùng kiến thức Toán học về vẽ đồ thị để khảo sát tốc độ phản ứng hóa học, dùng kiến thức Vật lý đối với hệ khí sản xuất chất khí trong công nghiệp,... Từ đó, học sinh tự tìm cách để giải quyết vấn đề, dần dần hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.