Thế nào là dậy thì muộn?
Tuổi dậy thì là lúc cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người lớn. Dấu hiệu của tuổi dậy thì rất dễ nhận ra vì những thay đổi lớn trên cơ thể. Ở con gái, bạn sẽ nhận thấy bộ ngực và lông mu phát triển, và sau đó là có kinh nguyệt.
Cơ thể của bạn sẽ thay đổi, hông rộng, chiều cao và cân nặng tăng lên nhanh chóng. Con trai sẽ bắt đầu phát triển lông mu và râu, tinh hoàn và dương vật sẽ lớn hơn. Kích thước cơ thể cũng phát triển, vai rộng, cơ bắp phát triển.
Những thay đổi này là do các hormone giới tính (testosterone ở nam và estrogen ở nữ) bắt đầu sản xuất số lượng lớn hơn nhiều so với trước.
Tuổi dậy thì diễn ra trong nhiều năm, và độ tuổi mà nó bắt đầu và kết thúc cũng khác nhau với mỗi người. Con gái thường bắt đầu từ 13 tuổi, con trai thường 15 tuổi, một số người có thể sớm hơn hoặc muộn hơn.
Đôi khi, có những người vượt qua độ tuổi bình thường này mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của những thay đổi cơ thể. Hiện tượng này được gọi là dậy thì muộn.
Dậy thì muộn, nguyên nhân do đâu?
Dậy thì muộn có rất nhiều nguyên nhân. Thông thường, nó là do gen di truyền, khi trong gia đình bạn có “truyền thống” chậm dậy thì . Với trường hợp này thì không có biện pháp can thiệp. Bạn sẽ phát triển sau so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng việc này không ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển chung của cơ thể.
Tuy nhiên dậy thì muộn cũng là hậu quả của một số bệnh mãn tính như tiểu đường, xơ nang, bệnh thận, hoặc thậm chí hen suyễn vì những bệnh này có thể làm chậm quá trình phát triển của cơ thể.
Một người đang bị suy dinh dưỡng cũng có thể phát triển muộn hơn những người có một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh. Ví dụ, thiếu niên bị rối loạn ăn uống, chán ăn… thường sụt cân và chậm lớn.
Những cô gái tập thể dục quá nhiều cũng có thể chậm phát triển vì tập thể dục quá mức khiến cơ thể không đủ lượng chất béo cần thiết cho cơ thể để phát triển các bộ phận như ngực, mông,....
Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra khi tuyến yên hoặc tuyến giáp - các tuyến sản xuất hormone quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể gặp vấn đề.
Một số người dậy thì muộn do có nhiễm sắc thể bất thường, khiến ADN “lập trình” kế hoạch phát triển của cơ thể cũng trục trặc.
Hội chứng Turner là một ví dụ của một rối loạn nhiễm sắc thể. Nó xảy ra khi một trong hai nhiễm sắc thể X của con gái bất thường hoặc bị mất. Điều này khiến sự phát triển của buồng trứng và sản xuất hormone cũng không bình thường.
Phụ nữ mắc hội chứng Turner nếu không được điều trị thường tuổi thọ ngắn hơn, thường vô sinh, và có thể có các vấn đề y tế khác. Nam giới có hội chứng Klinefelter khi được sinh ra có nhiều hơn 1 nhiễm sắc thể X (XXY thay vì XY). Tình trạng này có thể làm chậm phát triển giới tính.
Ảnh hưởng của việc dậy thì muộn
Về cơ bản thì việc dậy thì muộn không ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, nhưng lại dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Thiếu niên thường cảm thấy mặc cảm, tự ti khi thấy mình “lạc loài” với các bạn cùng trang lứa, có người còn sinh ra cảm giác hoang mang vì sợ mình “không bình thường”, thậm chí là bị trầm cảm .
Ngoài ra, nếu dậy thì muộn kèm những biểu hiện không bình thường của cơ thể thì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh kể trên. Nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cơ thể.
Biện pháp điều trị
Với việc dậy thì muộn do di truyền thường không cần can thiệp gì. Các em chỉ cần giữ tâm lý bình tĩnh và đón nhận chuyện này một cách tự nhiên. Nếu cảm thấy không thể giải quyết những khúc mắc trong lòng thì nên chia sẻ với người lớn và bác sỹ để có lời khuyên phù hợp.
Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình dậy thì, nên đến gặp bác sỹ. Bác sỹ sẽ phân tích lịch sử sức khỏe của bạn, các triệu chứng trên cơ thể, sức khỏe của gia đình bạn, các loại thuốc đang dùng và các vấn đề khác như dị ứng thuốc, đồ ăn,...
Bác sĩ sẽ đưa ra biểu đồ tăng trưởng để xét vấn đề và cũng có thể xét nghiệm máu để kiểm tra tuyến giáp, tuyến yên, nhiễm sắc thể, hoặc chụp X-quang để kiểm tra xương.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cung cấp một phác đồ điều trị bằng thuốc nội tiết tố để kích thích các hoocmon hoạt động.