Tuy nhiên, mô hình này đang được nhân rộng tại Venezuela nhằm xóa bỏ khoảng cách giáo dục do đại dịch gây ra và giúp giáo viên tăng thu nhập.
Cô giáo Mireya Guerrero, 46 tuổi, đã nghỉ việc tại một trường công lập ở Venezuela 3 năm nhưng chưa rời bỏ nghề sư phạm. Hiện tại, cô dạy kèm cho gần 10 học sinh đủ lứa tuổi trong ngôi nhà nhỏ ở thủ đô Caracas.
Trong khoảng 3 tiếng mỗi ngày, cô Guerrero dạy toán, đọc và viết cho từng học sinh, giúp các em làm bài tập về nhà. Mỗi tuần học, cô giáo thu phí 5 USD/học sinh, từ đó giúp cải thiện đời sống của gia đình.
Học sinh Xavier Cantor chia sẻ: “Cô Guerrero giảng bài dễ hiểu hơn cô giáo trên lớp của em. Ở trường, nhiều thầy cô giảng quá nhanh nên em không hiểu gì, không thể làm bài tập về nhà rồi bị điểm kém”.
Lớp học thêm của cô Guerrero không chỉ giúp học sinh vượt qua lỗ hổng trong học tập, mà còn giúp nữ giáo viên vượt qua tình trạng trả lương thấp. Đối với cô Guerrero, dạy thêm trở thành nguồn thu nhập chính, trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 người.
“Tôi quyết định nghỉ việc để làm một công việc có khả năng tăng thu nhập, cho các con tôi có cuộc sống tốt hơn”, cô giáo Guerrero bày tỏ.
Các lớp dạy thêm như của cô Guerrero đang trở nên phổ biến tại Venezuela, giúp giảm khoảng cách giáo dục cho học sinh sau ảnh hưởng của 2 năm dịch Covid-19. Điều này cũng góp phần mở rộng cơ hội giáo dục cho học sinh đến từ các gia đình khó khăn, kém may mắn.
Trên thực tế, việc trả tiền học thêm là một điều xa xỉ đối với nhiều người dân Venezuela. Mức lương tối thiểu hàng tháng của người dân Venezuela là khoảng 22 USD. Nhưng họ vẫn cố gắng đăng ký cho con theo học để xóa bỏ rào cản trong 2 năm qua.
Phụ huynh Ana Fernandez, có con tham gia lớp học thêm, cho biết dù việc học thêm gia tăng gánh nặng tài chính cho gia đình nhưng giúp lấp đầy khoảng trống học tập do Covid-19 để lại.
“Trong thời gian nghỉ dịch ở nhà, bọn trẻ rất lười học, chỉ nghiêm túc được vài ngày. Đến những lớp học thêm này, các cháu tập trung hơn, tiếp thu tốt hơn”, bà mẹ đánh giá.
Đồng thời, mô hình này cũng góp phần giúp giáo viên tăng thêm thu nhập khi mức lương tại trường công lập thấp. Tại Venezuela, các trường học đã chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trước đại dịch Covid-19. Kết quả, hàng nghìn giáo viên đã quyết định nghỉ việc.
Tại một số trường công lập, phụ huynh và giáo viên Venezuela đã nghỉ hưu đang phải đứng lớp để bù lấp tình trạng thiếu giáo viên.
Cô giáo Miriam Lopez, 40 tuổi, cho biết: “Nhiều nhà giáo đã rời khỏi đất nước vì họ không kiếm đủ tiền để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu. Nhiều người phải làm công việc ngoài chuyên môn để kiếm thêm thu nhập”.
Cộng hưởng của hai yếu tố trên, hình thức dạy thêm đã được đón nhận tại Venezuela. Không giống như mô hình dạy thêm tư nhân ở nhiều quốc gia châu Á nổi tiếng đắt đỏ và khắt khe, việc dạy thêm ở quốc gia Mỹ Latinh này chỉ nhằm giúp học sinh bắt kịp với chương trình trên lớp, đảm bảo các em không bị bỏ lại phía sau.