Dạy phòng cháy chữa cháy cho học sinh: Cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Dạy trẻ mầm non cách phòng tránh và thoát khỏi đám cháy tại Trường mầm non Hà Trì (quận Hà Đông, Hà Nội).
Dạy trẻ mầm non cách phòng tránh và thoát khỏi đám cháy tại Trường mầm non Hà Trì (quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo Thông tư, trẻ em mầm non sẽ được trang bị kiến thức nhận biết được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một vật dụng có thể gây cháy, nổ; biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây cháy, nổ; nhận biết các tín hiệu, phương tiện báo động cháy và có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy.

Học sinh tiểu học sẽ được trang bị kiến thức nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn; nhận biết các tín hiệu báo động cháy và có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy; biết kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ.

Các em cũng được học sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc; biết cách phòng tránh, sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.

Học sinh THCS sẽ nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường; biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. Sử dụng và thực hành thành thạo các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với thiết bị mô hình.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) được tuyên tuyền, thực tập phương án phòng cháy chữa cháy
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) được tuyên tuyền, thực tập phương án phòng cháy chữa cháy 

Học sinh THPT sẽ được trang bị kiến thức để nhận biết được một số biện pháp, nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy; một số kỹ năng thoát nạn từ các phương tiện giao thông, trong thang máy, thang cuốn khi có các sự cố cháy nổ.

Các em cũng được trang bị một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn; biết sử dụng bình chữa cháy xách tay và thiết bị chữa cháy thông thường; sử dụng được một số phương tiện chữa cháy ban đầu với các nguồn cháy khác nhau.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho hay: Một trong những khó khăn khi giáo dục phòng cháy chữa cháy trong các cơ sở giáo dục chưa đạt được kết quả như ý muốn do cơ sở vật chất, kinh phí và điều kiện bảo đảm triển khai chưa đạt yêu cầu.

Do đó tại thông tư này, Bộ GD&ĐT sẽ quy định về điều kiện trang thiết bị giảng dạy và thực hành cho người học phù hợp đối với từng cấp học, trình độ đào tạo. Cùng với đó, Bộ yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy của cơ sở giáo dục, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phải được huấn luyện nghiệp vụ; có khả năng giảng dạy, thực hành kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường ưu tiên sử dụng công nghệ thực tế ảo phục vụ huấn luyện, bồi dưỡng xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn; sử dụng các sản phẩm thí nghiệm công nghệ mới để phục vụ thực hành, thí nghiệm có liên quan đến các hóa chất dễ gây cháy, nổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...