Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, học sinh tiểu học sẽ được học 5 tiết/năm học; học sinh THCS học 10 tiết/năm học; học sinh trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên học 15 tiết/năm học.
Đối với sinh viên các trường đại học, thời lượng được triển khai phù hợp với kế hoạch đào tạo hằng năm, bảo đảm tối thiểu 4 buổi/khóa học (một buổi tương đương 5 tiết học).
Đối với giáo dục mầm non: Thời lượng thực hiện đảm bảo hợp lý, không áp đặt, khiên cưỡng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ. Lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày; nội dung giáo dục phát triển thể chất; sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa.
Đối với giáo dục phổ thông: Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
Đối với giáo dục đại học: Lồng ghép trong các môn học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa. Phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.
Yêu cầu cần đạt được đối với trẻ em mầm non: Nhận biết được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố, tai nạn thông thường. Biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố, tai nạn thông thường. Có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy.
Đối với học sinh tiểu học: Nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn; nhận biết các tín hiệu báo động cháy và có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy. Biết được các kỹ năng thoát nạn cơ bản khi xảy ra cháy, nổ. Sử dụng và thực hành dập nguồn cháy với thiết bị chữa cháy mô hình.
Đối với học sinh THCS: Nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường. Biết được các kỹ năng thoát nạn cơ bản khi xảy ra cháy, nổ. Sử dụng được bình chữa cháy xách tay và thiết bị chữa cháy thông thường (hoàn thành việc thực hành các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy với thiết bị mô hình).
Đối với học sinh THPT: Nhận biết được một số biện pháp, nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy; nhận biết được một số kỹ năng để thoát nạn từ trên cao, từ dưới lên, đuối nước và thoát nạn từ xe ô tô, tàu hoả, trong thang máy, thang cuốn khi có cháy, hoặc các tai nạn, sự cố.
Biết một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các tai nạn, sự cố; biết sử dụng bình chữa cháy xách tay và thiết bị chữa cháy thông thường. Sử dụng được các vật dụng chữa cháy với các nguồn cháy khác nhau (với thiết bị mô hình hoặc thực tế).
Đối với sinh viên: Nhận biết được một số biện pháp, nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nắm được một số kỹ năng để thoát nạn từ trên cao, từ dưới lên, đuối nước và thoát nạn từ xe ô tô, tàu hỏa, trong thang máy, thang cuốn khi có cháy, hoặc các sự cố, tai nạn.
Biết một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn. Sử dụng được các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản với các loại phương tiện và nguồn cháy khác nhau (với thiết bị đang có tại hiện trường).
Bình luận