Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam - Phó thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng-Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế. Thứ trưởng Ngô Thị Minh đại diện Bộ GD&ĐT dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Ngành Y tế là một trong ngành có điểm sáng về chuyển đổi số và mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân được tốt hơn. Đồng thời đang hết sức nỗ lực trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ để người dân được tiếp cận tất cả dịch vụ y tế tiện ích, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Đến nay 100% văn bản của ngành y tế đã được xử lý điện tử, 100% áp dụng chữ ký số. Trong lĩnh vực dịch vụ công, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, kết nối với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia và là Bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn 5 năm mà Chính phủ giao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới đây ngành Y tế tiếp tục cắt giảm hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ngành Y tế cam kết tới đây sẽ cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, trong Covid-19, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phòng, chống dịch bệnh với các giải pháp như: Bluezone, nCovi. Đặc biệt, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa. Chỉ sau hai tháng triển khai, đến cuối tháng 9, Bộ Y tế đã khánh thành hệ thống 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối.
Đến nay, số điểm khám từ xa tăng lên hơn 1.500, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại địa phương. "Chúng ta phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng đều và công bằng giữa các vùng các miền. Chỉ có giải pháp khám chữa bệnh từ xa mới có thể thực hiện mục tiêu đó.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thời gian qua, ngành Y tế đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho người dân. Đến nay, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả bước đầu trong chuyển đổi số.
Tuy nhiên, con đường chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế phía trước còn rất dài và nhiều khó khăn. Điển hình là việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Mặc dù đã được triển khai cách đây hơn 4 năm nhưng Bộ Y tế vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với BHYT để thực hiện. Do đó, Bộ Y tế với BHYT phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số y tế là chăm sóc sức khoẻ cho người dân trong điều kiện chưa có nhiều kinh phí. Người dân phải biết tự phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, đồng thời, được tư vấn tự động bằng chatbot để phòng bệnh.
Chuyển đổi số y tế đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Với những ứng dụng công nghệ hiện đại được tích hợp trên điện thoại thông minh, điển hình là nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa. bệnh từ xa, người dân sẽ không phải lo lắng xếp hàng dài ở bệnh viện để chờ khám bệnh mà ngay lập tức sẽ được các bác sĩ tư vấn sức khoẻ trực tuyến.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã bấm nút chính thức khai trương 3 nền tảng: Mạng kết nối y tế Việt Nam; hồ sơ sức khỏe cá nhân; quản lý thông tin y tế cơ sở V20. 3 nền tảng trên do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT triển khai.
Mạng y tế Việt Nam là mạng nội bộ ngành Y tế, kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trên toàn quốc, giúp các bác sĩ hỗ trợ trao đổi chuyên môn, chia sẻ, tương tác trong chẩn đoán, hỉnh ảnh, điều trị để làm sao một bác sĩ tuyến trên sẽ kết nối hỗ trợ 4 bác sĩ tuyến dưới. Mạng này giúp cán bộ y tế tuyến dưới sẽ tự tin hơn khi chẩn đoán, điều trị. 100% cán bộ y tế toàn quốc tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.