Công tác này đã góp phần tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các định hướng và nhiệm vụ chủ yếu của ngành về đổi mới căn bản, toàn diện tới các cơ sở GD&ĐT, giáo viên, học sinh, sinh viên. Cầu thị tiếp thu góp ý của xã hội để điều chỉnh kịp thời các quyết định trong quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông giáo dục để xã hội hiểu và chia sẻ về các chủ trương đổi mới của ngành.
Kế hoạch truyền thông được xây dựng chuyên nghiệp, bài bản với sự tham gia của các vụ/cục thuộc Bộ, các sở, các cơ sở giáo dục và đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội về các hoạt động của ngành.
Đến nay, 100% các sở giáo dục và đào tạo đã thành lập được bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách phụ trách về công tác truyền thông.
Các Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của địa phương truyền thông về các hoạt động của ngành, các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để lan tỏa, khích lệ các thầy cô giáo, các em học sinh; phối hợp với Ban Tuyên giáo của tỉnh báo cáo cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động đổi mới; tổ chức góp ý những chủ trương lớn của ngành.
Tuy nhiên, cũng trong năm học vừa qua, sự chủ động trong xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông chưa đồng đều trong toàn ngành và ở các địa phương; công tác phối hợp với các cơ quan báo chí vẫn chưa thật hiệu quả; công tác xử lý thông tin phản hồi chưa kịp thời; vai trò của bộ phận truyền thông tại các địa phương và các cơ sở giáo dục chưa thể hiện rõ nét.
Việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng các gương người tốt, việc tốt có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của một số sở còn hạn chế, chưa kịp thời.