Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD&ĐT

GD&TĐ - Đây là một trong 5 giải pháp cơ bản ngành Giáo dục đặt ra trong năm học 2016 – 2017.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ.

Trong năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án nhằm hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Từ ngày 1/8/2016 đến ngày 30/6/2017, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản thuộc lĩnh vực GD&ĐT.

Nổi bật, có thể kể đến các văn bản: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, NCKH giai đoạn 2016-2020; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực; quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; các chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục...

Các địa phương triển khai nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 05 giải pháp cơ bản của ngành; 63/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017, rà soát và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của địa phương gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 về nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Các địa phương cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh, thành phố triển khai Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; rà soát, giảm tải các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, tăng cường hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; trong dạy học và nghiên cứu khoa học; triển khai các hệ thống quản lý văn bản đi, đến, số hóa quy trình xử lý văn bản nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí; xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ giáo viên, học sinh; triển khai các dịch vụ công trực tuyến để nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Toàn ngành hiện có khoảng 1.500 dịch vụ công trực tuyến đang hoạt động, trong đó có 93 dịch vụ mức độ 3, mức độ 4.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, một số hạn chế trong việc thực hiện giải pháp này là một số văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án… còn chậm được ban hành, chưa đồng bộ, việc phát hiện, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung chưa kịp thời.

Mặc dù đã phân cấp quản lý nhưng một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình. Còn tình trạng né tránh, đổ lỗi cho các cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các hạn chế, tiêu cực trong hoạt động của địa phương.

Việc cải cách hành chính còn một số bất cập; ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính chưa triệt để, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ