(GD&TĐ)-Vô vàn những khó khăn khi dạy học ở vùng khó, không chỉ là điều kiện dạy học mà còn là rào cản về ý thức, rào cản ngôn ngữ…
Cô Đoàn Thị Điệp- Trường Tiểu học xã Pô Kô, Đăck Tô, Kon Tum qua một chặng đường dài công tác tại vùng khó (xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), nơi có 100% học sinh là dân tộc thiểu số (Xêđăng, Dẻ Triêng, Rơ Ngao,…) cho biết, việc duy trì sĩ số, nâng cao tỉ lệ chuyên cần là một trong những biện pháp rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được việc này cần chú trọng làm tốt công tác tuyển sinh ngay từ đầu năm học; đi vào tận thôn bản để tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình học sinh, tâm sự với phụ huynh và học sinh để động viên các em ra lớp kịp thời; thường xuyên kiểm tra sĩ số, phát hiện kịp thời những biểu hiện vắng học tại lớp; phân loại các lý do mà giáo viên báo cáo về những em nghỉ học (nghỉ giữa buổi học, nghỉ cả buổi, nghỉ nhiều buổi,….) để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, thường xuyên liên lạc và giữ tốt mối quan hệ với già làng, trưởng bản cũng không kém phần quan trọng vì họ là người có tầm quan trọng đặc biệt đối với dân làng. Kịp thời giúp đỡ những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn về vật chất như quần áo, dép, bút, sách vở, thông qua các nguồn hỗ trợ từ thiện từ bên ngoài; vận động quyên góp từ giáo viên…
“Trách nhiệm của việc duy trì sĩ số, tỉ lệ chuyên cần cao phải được xác định rõ ràng, cụ thể đối với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh trên địa bàn. Đặc biệt phải đặt ra mục tiêu chung và có các giải pháp phù hợp để phối hợp vận động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp và duy trì sĩ số học sinh ở mức tối đa nhằm hạn chế lưu ban, bỏ học” – cô Điệp cho biết.
Còn với cô Nguyễn Thị Thanh Tịnh- Giáo viên trường THPT Chu Văn An, Tỉnh Đăk Nông, kinh nghiệm nhiều năm dạy học vùng khó là phải tận tụy sâu sát, thực sự vì học sinh, quan tâm đến từng học sinh từ học tập cho đến cuộc sống tình cảm gia đình; trong việc dạy học phải luôn chú ý giáo dục cho kỹ năng sống phù hợp với môi trường kinh tế xã hội. Quan điểm dạy học của cô Tịnh là thực hiện việc dạy đối với mỗi học sinh chứ không phải là dạy cho mỗi lớp học sinh, yêu cầu học sinh hoạt động học tập tiếp thu kiến thức là mục tiêu của mỗi tiết dạy đặt ra trong bài soạn. Trong vai trò quản lý, cô luôn chú trọng đến năng lực cá nhân trong nhóm làm việc, luôn luôn ý thức rằng mình phải có trách nhiệm gắn kết đội ngũ thầy cô giáo trong tổ bộ môn, cùng hướng vào mục tiêu giáo dục toàn diện...
Theo cô Nguyễn Thị Kim Hoa - PHT trường THPT Ba Vì - Hà Nội, với giáo dục miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, việc hiểu được những phong tục tập quán của người dân sẽ giúp cho công tác quản lý và xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao. Quan niệm của người dân miền núi về việc học hành của con cái không phải là điều quan trọng, họ muốn con cái đến tuổi lấy chồng thì gả con càng sớm càng có phúc. Để khắc phục tình trạng học sinh nghỉ học, cô Hoa đã động viên các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên người dân tộc thiểu số đến từng gia đình tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư người dân, từ đó tìm cách động viên, khích lệ để họ tiếp tục cho con, em đến lớp.
Cô Hoa chia sẻ thêm: Nhằm thực hiện đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lí giáo dục, mặc dù là trường miền núi song đầu năm học 2012-2013, trường THPT Ba Vì đã đưa vào quản lí Chương trình sổ điểm hợp nhất. Mặc dù khởi động chưa lâu, còn nhiều vấn đề cần khắc phục song việc làm đã đem đến một hướng mới trong quản lí giáo dục ở miền núi. Kinh nghiệm về vấn đề này là: Nếu chỉ sử dụng đơn thuần công nghệ thông tin truyền thông qua mạng internet thì tác dụng không nhiều. Chính vì vậy, chúng tôi đã kết hợp với sự hỗ trợ qua hệ thống tin nhắn Viettel để kịp thời gửi các thông tin về học sinh cho phụ huynh... Sự kết hợp hai luồng thông tin trên đã góp phần hạn chế những khó khăn về thông tin mạng ở khu vực miền núi.
Nhận nhiệm vụ chủ nhiệm và giảng dạy ở lớp có nhiều học sinh đồng bào dân tộc ít người và giáo dân nghèo, cô Bùi Thị Kim Oanh - Trường Tiểu học Thạch Sơn, Anh Sơn, Nghệ An tìm hiểu kĩ hoàn cảnh, lực học của từng học sinh để có biện pháp giảng dạy, giáo dục đạt hiệu quả cao. Tranh thủ đến từng gia đình học sinh khó khăn để động viên, giúp đỡ các em đến lớp chuyên cần, vận động các em có điều kiện thuận lợi hơn cùng với cô giáo ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho các em yên tâm học tập tốt; say sưa cùng các đồng nghiệp giải toán, làm văn, hăng say trong phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đúc kết sáng kiến kinh nghiệm; tích cực dự giờ thăm lớp, học hỏi chuyên môn, học tập từ tác phong ăn mặc, lời nói, chữ viết, hình thức lên lớp sao cho mô phạm, hấp dẫn với các em mang lại hiệu quả giờ học. Còn với cô Hoàng Thị Lan - giáo viên trường THCS huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, để việc dạy học đạt được thành công, vượt được mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì hơn lúc nào hết người thầy phải có cái tâm với nghề đó là cái gốc sinh ra sự sáng tạo, mọi sự nhiệt thành và mọi sự thành công.