Tuy nhiên, ở nhiều địa phương việc triển khai gặp khó khăn từ nhân lực tới vật lực. Điều này đòi hỏi cách tháo gỡ linh hoạt để dạy học 2 buổi/ngày phát huy hiệu quả.
Khó từ nhân lực tới vật lực
Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng GD TH (Sở GD&ĐT Nghệ An) thông tin: Để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày (32 tiết/tuần) cần bố trí đủ tỉ lệ 1,5 GV/lớp. Trong khi đó tỉ lệ này bình quân trong toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ đạt 1,28 GV/lớp. Chưa kể trong các năm tới, dân số tăng cơ học dẫn tới tăng lớp, kéo theo nhu cầu GV tăng thêm.
Dự báo đến năm học 2022 - 2023, nếu bố trí đủ tỉ lệ 1,5 GV/lớp, Nghệ An cần bổ sung 3.925 biên chế. Việc bổ sung biên chế cho các địa phương đáp ứng nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế khó khả thi.
Tại Bắc Ninh, năm học 2020 - 2021 có 155 cơ sở giáo dục TH với 3.568 lớp, 129.906 HS, 100% số cơ sở giáo dục TH dạy học 2 buổi/ngày. Theo Sở GD&ĐT Bắc Ninh, quá trình triển khai dạy học 2 buổi/ngày bên cạnh điều kiện thuận lợi còn không ít khó khăn.
Đó là số HS TH tăng liên tục đến năm học 2022 – 2023 (mỗi năm tăng 6.000 – 10.000 HS) dẫn đến đội ngũ GV chưa đáp ứng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có tỉ lệ HS/lớp vượt quá quy định của Điều lệ trường TH.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ – ông Nguyễn Phúc Tăng cũng chỉ ra 3 khó khăn từ quá trình triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Đó là điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị ở nhiều đơn vị chưa bảo đảm. Ngay cả các trường TH ở khu vực trung tâm quận, huyện cũng khó đáp ứng được, số lượng HS ở các trường trung tâm tăng khá nhanh, sĩ số một lớp học có khi lên đến 45 - 50 em…
Chất lượng dạy học 2 buổi/ngày chưa đồng đều, hiệu quả. Nhiều trường còn nặng về dạy các môn văn hóa. Hiệu quả giáo dục trên địa bàn còn khoảng cách giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn; chất lượng dạy học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, tỷ lệ HS được học ngoại ngữ, đặc biệt Tin học còn thấp do thiếu GV, một số trường chưa tổ chức dạy được môn Tin học, chưa dạy Tiếng Anh 2 tiết/tuần cho HS các khối lớp 1, 2…
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó phòng GD TH (Sở GD&ĐT Lào Cai) cũng cho biết: Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, Lào Cai thiếu 165 GV TH.
Gỡ nút thắt cho buổi học thứ 2
Bà Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: Xác định dạy học 2 buổi/ngày là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện HS, vì vậy sở GD&ĐT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 279 về xây dựng mô hình trường TH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa (XHH) và hội nhập quốc tế giai đoạn 2018 – 2025. Trong đó cho phép một số trường được tăng cường tiếng Anh, giáo dục kĩ năng sống... Đồng thời chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, XHHGD theo đúng quy trình, quy định.
Mặt khác, sở chỉ đạo nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục bám sát hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học các cấp, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Các trường được quyết định lựa chọn nội dung, thời lượng và hình thức tổ chức dạy tăng tiết và tự chọn việc dạy học 2 buổi/ngày phù hợp với khó khăn, thuận lợi. Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ HS hiểu, đồng hành cùng nhà trường để thực hiện các mục tiêu giáo dục.
Đáp ứng nhu cầu HS được học tăng cường ngoại ngữ, kĩ năng sống, các CLB nghệ thuật, thể dục thể thao… trong điều kiện nhà trường chưa đủ cơ sở vật chất, đội ngũ GV sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển giáo dục nhà trường bằng hình thức XHHGD. Việc quản lí thu, chi tài chính, các khoản XHHGD phải thực hiện đúng các quy định tài chính hiện hành, công khai, minh bạch…
Tuy nhiên, để triển khai dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Thúy đề xuất Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030; Nghị định quy định các danh mục dịch vụ giáo dục, dịch vụ giáo dục chất lượng cao trong các cơ sở giáo dục công lập; có cơ chế thanh toán tiền thừa giờ cho cán bộ quản lý, GV TH dạy 2 buổi/ngày bằng hình thức XHHGD ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển; Bổ sung biên chế GV TH dạy 2 buổi/ngày; GV dạy tin học, ngoại ngữ.