Dạy học trực tuyến ở Điện Biên: Thầy, cô nhận phần khó về mình

GD&TĐ - Với không ít rào cản về điều kiện thiết bị, hạ tầng cơ sở, triển khai học trực tuyến tại Điện Biên là bài toán khó. Do vậy, thầy cô đang “nhận phần khó về mình” để giảm áp lực cho học sinh.

Các thầy, cô ở Điện Biên nhận phần khó để giảm “áp lực” học trực tuyến cho trò.
Các thầy, cô ở Điện Biên nhận phần khó để giảm “áp lực” học trực tuyến cho trò.

Khó đủ bề

Là địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn bậc nhất của huyện Mường Chà, xã Huổi Mí có 80% dân số là người Mông, với trên 60% hộ nghèo. Toàn xã có hơn 500 học sinh bậc tiểu học. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây chỉ có gần 150 em có thể tham gia học trực tuyến bằng điện thoại thông minh (chiếm 29,02%).

Thầy Cà Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí cho biết: Không chỉ khó khăn về thiết bị, tại điểm trường trung tâm cũng chưa có mạng Internet, 5/10 điểm trường ở bản chưa có điện lưới, đường ô tô, sóng điện thoại…

Không chỉ thiếu thiết bị, tại nhiều điểm trường vùng khó hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng điện lưới, mạng Internet phục vụ học trực tuyến còn thiếu.
Không chỉ thiếu thiết bị, tại nhiều điểm trường vùng khó hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng điện lưới, mạng Internet phục vụ học trực tuyến còn thiếu.

“Để triển khai dạy học trực tuyến là vô cùng khó khăn. Nơi nào thuận lợi cũng chỉ được phủ sóng 3G, 4G, đường truyền không ổn định, trong khi học trực tuyến lượng truy cập lớn. Không những vậy, học sinh lớp 1, 2, 3 còn nhỏ nên để học trực tuyến cần có sự hỗ trợ của phụ huynh. Trong khi nhiều người dân ở đây vẫn chưa thạo tiếng phổ thông, lại thường xuyên đi nương…” – thầy Sơn cho hay.

Tại Trường PTDTBT THCS Sín Chải (huyện Tủa Chùa) hiện 60% học sinh chưa có thiết bị, trong đó 3 bản chưa có điện. Theo thầy Phạm Văn Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, nếu triển khai học trực tuyến, cần ưu tiên nhất là 90 học sinh khối lớp 9.

“Trường đã đề xuất với phòng GD&ĐT và các ban, ngành, đoàn thể để kêu gọi xã hội hóa thiết bị cho học sinh” – thầy Lợi nói.

Mặc dù là vùng thuận lợi hơn, song Trường Tiểu học Núa Ngam (huyện Điện Biên) cũng gặp không ít “rào cản” trong triển khai học trực tuyến. “Theo rà soát mới đây, 132/419 học sinh có thiết bị, nhưng thực tế chỉ khoảng 10 – 20% trong số đó đảm bảo bố trí được thiết bị và các điều kiện cho con học trực tuyến ổn định” – cô Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trường nhà trường giãi bày.

Lý do được cô Hằng chia sẻ là nhiều nhà có 1 thiết bị nhưng 2 - 3 con cùng học phổ thông, nên “được anh thì mất em”. Thêm vào đó, nhiều địa bàn không có mạng Internet hoặc có sóng 3G, 4G nhưng chập chờn, đường truyền không ổn định. Vì vậy quá trình học kéo dài sẽ rất dễ bị gián đoạn.

 
Học sinh học tại nhà cần sự hỗ trợ của phụ huynh, tuy nhiên ở vùng khó, nhiều người chưa thạo tiếng phổ thông, lại thường xuyên đi nương.
Học sinh học tại nhà cần sự hỗ trợ của phụ huynh, tuy nhiên ở vùng khó, nhiều người chưa thạo tiếng phổ thông, lại thường xuyên đi nương.

Thầy, cô nhận phần khó

“Với điều kiện thực tại, việc bố trí đầy đủ thiết bị cho các em học trực tuyến gần như là không thể. Vì thế, nhà trường phải phân chia các đối tượng để áp dụng phương án khác nhau. Việc tổ chức dạy trực tuyến chỉ triển khai ở trung tâm xã – nơi có đầy đủ điều kiện về thiết bị, điện lưới, mạng Internet… Còn lại đa phần học sinh thuộc diện khó khăn, giáo viên phải trực tiếp giao bài, hướng dẫn tại nhà, hoặc lập nhóm Zalo đối với phụ huynh có thiết bị” – cô Hằng cho hay.

Để thực hiện được giải pháp này, theo cô Hằng, giáo viên phải nhận phần khó về mình. Hiện xã có 3 điểm bản (Huổi Hua, Tin Lán, Pá Bông) nằm cách trung tâm gần 10km, giao thông hoàn toàn là đường đất và hiểm trở.

Tại nhiều điểm bản, đường đi lại hết sức khó khăn, song để trực tiếp giao bài cho học sinh, mỗi giáo viên phải đi lại ít nhất 2 lần/tuần.
Tại nhiều điểm bản, đường đi lại hết sức khó khăn, song để trực tiếp giao bài cho học sinh, mỗi giáo viên phải đi lại ít nhất 2 lần/tuần. 

Giáo viên sẽ được phân chia theo từng bản và phụ trách toàn bộ số học sinh khối lớp mình giảng dạy ở bản đó. Mỗi tuần 2 lượt lên bản để tìm gặp học sinh, giao bài, hướng dẫn các em làm bài, giải đáp thắc mắc, rồi thu bài giao của lần trước…

“Tại những điểm này các hộ dân đa phần sống rải rác, không tập trung. Nếu nghỉ học ở nhà, học sinh thường lên nương theo bố mẹ, rất khó để gặp. Mỗi lượt thầy cô đi cũng mất 1, 2 ngày mới hoàn thành công việc. Phải nói vô cùng vất vả, nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm với học sinh, giáo viên đều không nề hà” – cô Hằng chia sẻ.

Còn tại Trường PTDTBT THCS Huổi Mí, mặc dù 31/299 học sinh có thiết bị học trực tuyến, song theo thầy Nguyễn Học Thức, Hiệu trưởng nhà trường, không phải em nào cũng tham gia được. Lý do là những “rào cản” về cơ sở hạ tầng điện lưới, mạng Internet.

“Chúng tôi không thể ngồi chờ sự hỗ trợ về thiết bị, hay phụ thuộc hoàn toàn vào việc học trực tuyến được. Do đặc thù trường bán trú, học sinh ăn, nghỉ, học tại chỗ, nên nhà trường yêu cầu học sinh, giáo viên không về nhà, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Trường hợp dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, trường sẽ áp dụng quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để ngăn chặn nguồn lây, đảm bảo các điều kiện duy trì học trực tiếp” – thầy Thức cho biết.

Để triển khai được giải pháp này, giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ thêm phần vất vả do phải bố trí, phân công tăng cường nhân lực, thời gian quản lý, chăm sóc học sinh, từ việc ăn, nghỉ, sinh hoạt trong cả ngày nghỉ. Thêm vào đó là khoản kinh phí phát sinh để nấu ăn cho học sinh trong các ngày nghỉ cuối tuần…

Không chỉ giao bài, giáo viên còn trực tiếp hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Không chỉ giao bài, giáo viên còn trực tiếp hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho học sinh.

“Không bỏ học sinh nghèo lại phía sau”

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, Công đoàn ngành đã phát động phong trào quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”, nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.

Với khoảng 105.600 học sinh, sinh viên chưa có máy tính, điện thoại thông minh thì việc huy động nguồn kinh phí (tiền mặt và trang thiết bị, vật tư...) “phủ” kín chương trình này trong thời gian ngắn là không thể. Do vậy, ngành GD-ĐT địa phương đã chủ động phân loại theo thứ tự ưu tiên để hỗ trợ, giúp đỡ các em học tập đạt kết quả tốt nhất, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội học tập, tiếp thu đầy đủ kiến thức.

Cùng với việc kêu gọi, phát động phong trào "Máy tính cho em", Điện Biên thực hiện phân loại theo thứ tự ưu tiên để hỗ trợ.
Cùng với việc kêu gọi, phát động phong trào "Máy tính cho em",  Điện Biên thực hiện phân loại theo thứ tự ưu tiên để hỗ trợ.

Với cấp THPT, ưu tiên hỗ trợ học sinh khối 12 đang học chương trình chính khóa, ôn tập, ôn thi tốt nghiệp. Cấp THCS, ưu tiên học sinh khối lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cấp tiểu học, ưu tiên khối lớp 5 (chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới). Các khối 1, 2, 3… lựa chọn hình thức học qua truyền hình, do kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

“Ngành đã chủ động xây dựng 4 “kịch bản” sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và hiện triển khai ở phương án thứ nhất, trong trạng thái bình thường. Khi phải học trực tuyến, ngành yêu cầu giáo viên soạn thảo bài giảng ngắn gọn, bám vào nội dung trọng tâm, cốt lõi từng tiết dạy. Thời gian dạy trực tuyến mỗi môn học cũng ngắn hơn  học trực tiếp, nhằm giảm áp lực, tạo cảm giác thoải mái, hứng thú cho học sinh” – ông Đoạt cho hay.

Trong tổng số 203.550 học sinh toàn ngành, Điện Biên chỉ có hơn 36.000 học sinh phổ thông có thiết bị phục vụ học tập trực tuyến (chiếm 25,46%). Trong đó, cấp tiểu học có 16,77%, THCS 17,74% và THPT 77,76%. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ