Giáo dục Điện Biên khỏa lấp chỗ trống giáo viên

GD&TĐ - Đối mặt với nhiều thách thức, ngành Giáo dục Điện Biên đã triển khai nhiều “kịch bản” để giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên, đồng thời chủ động thích nghi với tình hình mới.

Ảnh minh họa: Hà Linh
Ảnh minh họa: Hà Linh

Nhiều giải pháp tình thế

Năm học 2021 - 2022, Điện Biên thiếu 1.639 giáo viên. Đặc biệt, do là năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và 6 nên nhu cầu giáo viên các môn đặc thù (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tự chọn tiếng dân tộc thiểu số…) cao hơn những năm trước. Riêng nhóm này thiếu 170 giáo viên, ở cả 10/10 huyện, thị và thành phố.

Mỗi giáo viên có thể dạy nhiều hơn 1 trường là chỉ đạo chung của ngành giáo dục địa phương để khắc phục vấn đề thiếu giáo viên. Việc triển khai bố trí, sắp xếp do các đơn vị Phòng GD&ĐT thực hiện, dựa trên cơ sở cân đối số lượng giáo viên từng bộ môn hiện có của mỗi trường.

Tại trường Mầm non Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà), năm học mới có 651 học sinh, 30 lớp (nhà trẻ 10 lớp; mẫu giáo 20 lớp). Với tổng số 41 giáo viên, nhà trường đang thiếu 1 người.

Cô giáo Phạm Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để khắc phục tình trạng này, trường đã tăng sĩ số học sinh tại mỗi lớp, đồng thời thực hiện giãn giáo viên tại điểm bản thuận lợi để bố trí giảng dạy tại lớp thiếu. Đối với nhóm trẻ mẫu giáo, sắp xếp 3 giáo viên phụ trách 2 lớp.

“Để khích lệ tinh thần và hỗ trợ kịp thời giáo viên khắc phục khó khăn, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công lãnh đạo phụ trách chủ nhiệm cùng. Trên cơ sở đó giảm áp lực cho giáo viên, đảm bảo công tác dạy và học theo yêu cầu” - cô Trang cho hay.

Với huyện Mường Chà, năm học này có 1.154 giáo viên, trong đó bậc học mầm non thiếu 19 người. Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện, trước khi vào năm học mới đơn vị đã tiến hành rà soát, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình.

Được biết, trong năm học 2020 - 2021, ngành GD&ĐT Điện Biên đã thực hiện tuyển mới 360 giáo viên các cấp. Trong đó, có 171 giáo viên mầm non. Đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Thái Nguyên, bồi dưỡng nghiệm vụ sư phạm cho 80 giáo viên Tiếng Anh nhằm chuẩn hóa đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Trên cơ sở thống kê thực tế, phòng chủ đồng tìm giải pháp cân đối, bố trí. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị bố trí 1 giáo viên/lớp đối với những lớp có định mức biên chế là 1,5 - 2 giáo viên/lớp. Đồng thời, phòng cũng đã tham mưu với các cấp lãnh đạo để tuyển dụng bổ sung” – ông Long chia sẻ.

Tại huyện biên giới Nậm Pồ, theo Trưởng phòng GD&ĐT Ngô Xuân Chiến, năm học này huyện thiếu 120 giáo viên mầm non. Để chủ động đảm bảo công tác dạy học theo yêu cầu, đã có 28 giáo viên được điều động giữa các đơn vị trường. Việc thực hiện được cân đối theo tình hình thực tế của từng trường, từng lớp, trên tinh thần đảm bảo tối thiểu 1 giáo viên/lớp.

Mỗi giáo viên có thể dạy nhiều hơn 1 trường là giải pháp giải quyết khó khăn về giáo viên. Ảnh: Hà Linh
Mỗi giáo viên có thể dạy nhiều hơn 1 trường là giải pháp giải quyết khó khăn về giáo viên.  Ảnh: Hà Linh

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Với tinh thần chủ động thích ứng, trước khi bước vào năm học mới, Trường THCS Trần Can (TP Điện Biên Phủ) đã tập huấn cho toàn thể cán bộ giáo viên về kỹ năng, phương pháp dạy học online. Đồng thời hướng dẫn cách tổ chức dạy học trực tuyến trên các nền tảng công nghệ khác nhau, như: Google Meet, Google Classroom, Zoom...

Ngay trong tuần học đầu tiên, trường tổ chức triển khai dạy học trực tuyến 2 buổi/tuần (vào các buổi chiều thứ 5 và thứ 7), cho học sinh khối 8, 9. Để học sinh có thời gian làm quen và thích ứng với phương pháp này, nhà trường chỉ triển khai 4 tiết học, thuộc các môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ và Tin học. Trường đã có 85% học sinh tham gia.

Đặc biệt, trong quá trình dạy và học trực tuyến, Ban giám hiệu nhà trường đều có tài khoản tham gia vào các lớp học trực tuyến của giáo viên. Qua đó nắm bắt quá trình học tập, tâm tư, nguyện vọng của học sinh để có chỉ đạo điều chỉnh kịp thời.

Em Vũ Minh Anh, học sinh lớp 9A1, chia sẻ: “Mặc dù mới làm quen với học online, nhưng chúng em đều bắt nhịp được. Không đến lớp trực tiếp, song kiến thức cơ bản đều được thầy cô trang bị đầy đủ. Mỗi bạn được khuyến khích tự sáng tạo. Các thầy cô ghi nhận, rồi giải đáp thắc mắc và điều chỉnh cho tiết dạy sau”.

Một số trường học vùng thuận tiện đã bước đầu triển khai thí điểm dạy học trực tuyến.
Một số trường học vùng thuận tiện đã bước đầu triển khai thí điểm dạy học trực tuyến. 

Trường THPT thị xã Mường Lay hiện có trên 600 học sinh thuộc các xã, phường trên địa bàn và một số huyện lân cận của tỉnh Lai Châu theo học. Thầy Hoàng Công Huy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dù đang triển khai dạy học trực tiếp, song trường cũng tổ chức biên soạn giáo án để dạy học theo hình thức trực tuyến trong trường hợp phải giãn cách xã hội. Tất cả công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

“Đến thời điểm này, các bài giảng của từng môn học theo phân phối chương trình đã được đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn của nhà trường biên soạn theo tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu và trọng tâm” – thầy Huy cho hay.

Theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, cuối Quý I/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu ngành đề ra là đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong công việc; 20% trường phổ thông áp dụng thành công mô hình ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản…

Thách thức dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, nhất là ở vùng khó. Song đây cũng là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.

Toàn ngành GD&ĐT Điện Biên hiện có hơn 3.300 máy tính sử dụng cho công tác văn phòng; hơn 7.800 máy tính phục vụ dạy và học; gần 3.500 phòng học có máy chiếu và nhiều thiết bị công nghệ khác; 100% trường học đã thực hiện kết nối internet băng thông rộng, kết nối mạng LAN... Trong công tác quản lý điều hành, 100% đơn vị trực thuộc được trang bị đủ thiết bị đầu cuối phục vụ họp trực tuyến; hệ thống dịch vụ công được tích hợp trên trang thông tin điện tử của ngành…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ