Dạy học trực tuyến: Kinh nghiệm tổ chức, thực hiện

GD&TĐ - Dạy học trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ là cần thiết trong bối cảnh chúng ta ứng phó với dịch Covid-19 và phòng chống các ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

Học sinh học trực tuyến tại nhà cần được sự quan tâm của phụ huynh.
Học sinh học trực tuyến tại nhà cần được sự quan tâm của phụ huynh.

Dưới đây là một số kinh nghiệm với thầy cô, cán bộ quản lý ở các trường trung học để tổ chức dạy học trực tuyến đạt hiệu quả.

Xây dựng kế hoạch bài dạy trực tuyến

Việc đầu tiên là cần quán triệt tư tưởng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, lấy hoạt động học của học sinh (HS) làm trung tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học; dạy học trực tuyến hiệu quả, nhất là trong thời điểm phải ứng phó với dịch bệnh và thiên tai xảy ra.

Cùng với đó, xác định yêu cầu cần đạt/mức độ cần đạt, những nội dung cốt lõi của bài học (căn cứ Công văn số 4040 của Bộ GD&ĐT) để chỉ ra những nội dung của bài. Cụ thể: Những nội dung mang tính chất thông báo, dễ tiếp thu có thể cho HS tự học có hướng dẫn của thầy cô; Những nội dung cần trao đổi, thảo luận trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến; Những nội dung khó, thực hành hướng dẫn HS tham khảo, không bắt buộc phải làm đã được quy định trong Công văn 4040.

Để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, cần có sự chỉ đạo của các đơn vị cấp phòng/sở, sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường, sự tận tâm, thấu đáo của tổ/nhóm chuyên môn và tổ chức xã hội của địa phương, sự khích lệ và ủng hộ của cha mẹ HS. GV cần rà soát thật kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và học liệu để lựa chọn nền tảng công nghệ, xây dựng học liệu cho bài học cũng như phải tính đến việc bảo đảm an toàn cho GV và HS khi các em phải tiếp xúc với môi trường mạng, nhất là bài học gắn với nền tảng công nghệ mang tính xã hội.

Thầy cô cũng cần lựa chọn nền tảng công nghệ, phần mềm, học liệu cho tổ chức hoạt động theo nguyên tắc: Đơn giản, phổ biến, khả thi và hiệu quả mà giáo viên (GV) và HS dễ thực hiện, tương tác dễ dàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập. Chẳng hạn như: Zoom, MS Teams, OLM, Google Meet… sao cho phù hợp.

Về xây dựng kế hoạch bài dạy trực tuyến, GV căn cứ vào yêu cầu cần đạt/mức độ cần đạt, những nội dung cốt lõi của bài học và nền tảng, thiết bị công nghệ để xây dựng Kế hoạch bài dạy trực tuyến. Tổ chuyên môn trao đổi, hỗ trợ đồng nghiệp cùng xây dựng khung cốt lõi của bài giảng (học liệu, thiết bị dạy học, nền tảng, kỹ thuật sử dụng) theo 3 công đoạn:

Đầu tiên, xây dựng và chuyển giao nhiệm vụ cho HS (offline). Đây là giai đoạn khởi đầu, có các tình huống học tập cốt lõi, gợi mở để HS suy ngẫm, trả lời. GV tránh giao nhiệm vụ quá nhiều ảnh hưởng đến thời gian tự học của HS; có thể dùng các phần mềm đơn giản như Zalo; thư điện tử… Trong quá trình HS tự học có thể có những kết nối cá nhân/nhóm giữa thầy và trò với mong muốn thu được kết quả thực hiện của HS được đầy đủ và kịp thời.

Tiếp đó, tổ chức dạy học trực tuyến (online toàn lớp) với thời gian phù hợp. Ở giai đoạn này, HS được tương tác với thầy cô. GV phải linh hoạt, có phương pháp và kỹ thuật để xử lý, giải quyết các tình huống học tập, giải quyết các vấn đề cốt lõi, kiến thức cơ bản của bài học; phải hệ thống hóa kiến thức và bước đầu HS được luyện tập những kiến thức, kỹ năng cốt lõi của bài học. GV không nên thuyết trình quá nhiều, không nên cho HS báo cáo quá nhiều mà nên tập trung vào các câu hỏi cốt lõi để thảo luận, kết luận, chuẩn hóa kiến thức. Thời gian cho giai đoạn này cần được tinh giản rút gọn để tránh HS ngồi lâu với máy tính, phương tiện công nghệ.

Cuối cùng, xây dựng và chuyển giao nhiệm vụ vận dụng tiếp nối (offline). Giai đoạn này rất cần thiết, HS được nhận nhiệm vụ, với sự hướng dẫn của GV, các em được vận dụng những điều đã học vào thực tiễn, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng cần có trong bài học.

Về chuẩn bị học liệu trước và sau bài học: GV cần kết nối hình thành các câu lạc bộ yêu thích dạy học trực tuyến để chia sẻ học liệu trong cụm/nhóm chuyên môn, toàn tỉnh và toàn quốc để có được video bài giảng, học liệu dùng chung cho bài dạy, chú ý khai thác từ kho học liệu số của ngành tại trang web igiaoduc.vn; đa dạng và thống nhất các nền tảng công nghệ phổ dụng và hiệu quả khi dạy và kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ, chuyển đổi linh hoạt các hình thức kiểm tra trắc nghiệm, tự luận, dự án học tập khi dịch bệnh diễn ra.

GV cần thành thạo sử dụng linh hoạt các nền tảng công nghệ; giữa hình thức truyền thống và hiện đại để chuyển giao nhiệm vụ, hướng dẫn HS, tổ chức hoạt động học phù hợp sao cho đạt được mục tiêu của bài dạy. Tùy theo địa bàn vùng miền, địa phương của HS nơi đó có “sóng” hay không, GV có thể kết hợp với các lực lượng xã hội để chuyển giao nhiệm vụ đến từng HS. Đó là những kinh nghiệm của thầy cô ở các trường vùng sâu, vùng xa.

Giữa đại dịch Covid-19 nhiều địa phương tổ chức dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Ảnh minh họa
Giữa đại dịch Covid-19 nhiều địa phương tổ chức dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình 
dạy học trực tiếp. Ảnh minh họa

4 bước tổ chức hoạt động dạy học

Khi tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến, GV phải tuân thủ theo các bước của quá trình nhận thức. Thông thường một hoạt động học của HS có 4 bước:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ (trước khi online toàn lớp). Khi chuyển giao nhiệm vụ, HS phải nhận được nhiệm vụ một cách tốt nhất. GV cần hướng dẫn HS cách ghi vào vở nhiệm vụ được giao, hướng dẫn của thầy cô trước khi thực hiện, ước lượng thời gian thực hiện, cách thể hiện sản phẩm, kết quả sau khi thực hiện để gửi cho GV.

GV cần lựa chọn nội dung cốt lõi, phù hợp để giao nhiệm vụ và kiểm soát được việc thực hiện, đánh giá được; chuẩn bị thật kỹ câu lệnh, ưu tiên sử dụng nền tảng sở trường để HS nhận được. GV tránh sử dụng kỹ thuật, nền tảng quá cầu kỳ gây khó khăn cho HS trong quá trình tương tác. Có thể sử dụng kênh chữ, kênh hình, video… để chuyển giao nhiệm vụ, đơn giản như ứng dụng Zalo trên điện thoại hoặc qua email của HS.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ cá nhân/nhóm nhỏ (trước khi online toàn lớp). Căn cứ vào câu lệnh, HS thực hiện nhiệm vụ, tự học với sự hỗ trợ của học liệu và SGK sau đó ghi lại vào vở. Trong quá trình thực hiện, HS được trao đổi, tham khảo ý kiến của một vài bạn (tối đa 3 bạn) hoặc của người thân trong gia đình (nếu có) để hoàn thiện sản phẩm học tập của mình (gửi bản đánh máy hoặc chụp ảnh kết quả thực hiện trong vở ghi của mình) và gửi cho GV trước khi học trực tuyến. GV cần hướng dẫn HS kết nối với vài bạn trong nhóm để tự thảo luận nếu cần.

Bước 3: Báo cáo, thảo luận triển khai dạy học trực tuyến (online toàn lớp). Sau khi thu được sản phẩm của HS, GV cần tổng hợp và phân loại các trạng thái thực hiện của các nhóm HS (những cái thực hiện được, chưa thực hiện được hoặc bị sai…), để ý đến những sản phẩm tốt nhất và sản phẩm kém nhất, từ đó có kịch bản thảo luận nhanh, trúng nhất trong giải quyết vấn đề.

Theo kinh nghiệm, GV nên chọn ra 3 nhóm (tốt, trung bình, kém) để báo cáo trước lớp, các nhóm khác góp ý, bổ sung, hoàn thiện. GV cần tập trung vào những kiến thức, kỹ năng HS dễ mắc phải sai lầm để đạt được hiệu quả cao nhất trong thảo luận, tránh kéo dài thời gian, rườm rà. Để tiết kiệm thời gian, GV có thể nhận xét sơ bộ, sắp xếp thành các nhóm ý kiến và yêu cầu đại diện nhóm giải thích tại sao? Đồng thời căn cứ sách giáo khoa, học liệu để các em được sáng tỏ chân lý, hiểu thấu đáo các sai lầm có thể mắc phải.

Bước 4: Kết luận, chuẩn hóa (online toàn lớp). Kết luận, chuẩn hóa kiến thức là rất quan trọng giúp HS hệ thống hóa được kiến thức và điều chỉnh sản phẩm học tập của mình. Thông thường GV sau khi nhận xét đánh giá có thể gửi cho HS các file nhận xét, đánh giá từng sản phẩm và đưa ra những kiến thức cốt lõi cần nhớ, bài tập cần vận dụng. GV có thể dành thời gian giảng giải hoặc hệ thống hóa kiến thức đối với các lớp có nhiều em học kém.

Thời gian tổ chức hoạt động, GV cần căn cứ nhiệm vụ để xác định cho đúng: Dành thời gian cho các em làm việc cá nhân, trao đổi nhóm; xác định thời gian, thời điểm online (thông thường 1 tiết dạy trên lớp, tùy theo sản phẩm thu được có thể chỉ online 20 đến 30 phút), không nên online quá dài một lần. Có thể chia thời gian online thành nhiều lần cách xa nhau (nếu có điều kiện); hoặc hỗ trợ đến từng nhóm, từng cá nhân HS (nếu cần thiết).

Tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến tại Trường THPT Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến tại Trường THPT Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). 

Lưu ý quản lý hoạt động học

GV cần sử dụng nền tảng công nghệ, phần mềm để quản lý, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của HS trong quá trình các em thực hiện nhiệm vụ: Từ khi HS tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện đến khi hoàn thành nhiệp vụ và nộp sản phẩm; cần phối kết hợp với cha mẹ HS, các tổ chức xã hội tình nguyện ở địa phương để cùng chung tay hỗ trợ HS học tập; nhất là chuyển giao nhiệm vụ tự học của HS khi học trên truyền hình kết hợp với dạy học trực tuyến.

GV cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức hướng dẫn HS chuyển đổi việc ghi chép thụ động sang ghi chép chủ động, tích cực; xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm học tập một cách khoa học; phối hợp đánh giá với các môn học/hoạt động khác; hoạt động học trong và ngoài lớp học; xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra giám sát việc dạy online, kết nối nhà trường với gia đình (HS và cha mẹ HS); đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tự học của HS để đánh giá đảm bảo tính khách quan.

Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ

Khi đánh giá thường xuyên, GV cần lựa chọn những nền tảng công nghệ, các phần mềm an toàn, kiểm soát được thời gian, và khách quan khi các em làm bài; Căn cứ vào việc hoàn thành nhiệm vụ, tham gia học tập nhóm, GV có thể đánh giá thông qua sự tương tác với HS cần kiểm tra nhận xét hoặc cho điểm.

Việc kiểm tra định kỳ (cuối kỳ và giữa kỳ) phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bài kiểm tra phải bảo đảm theo ma trận, đặc tả, phối hợp câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận ở các cấp độ Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao.

Thông thường kiểm tra định kỳ thực hiện trực tiếp trên lớp là tốt nhất. Nếu phải kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến đòi hỏi cấp quản lý nhà trường phải lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp; bảo đảm tính bảo mật, khách quan và công bằng; chống tiêu cực (xin ý kiến và theo sự chỉ đạo của phòng/sở).

Trong quá trình dạy học trực tuyến, GV cần lưu ý về an ninh mạng, bản quyền và bảo mật của nền tảng công nghệ, phần mềm trong môi trường mạng; chú ý các quy tắc ứng xử, giao tiếp trong lớp học trực tuyến (nghe, nói, chia sẻ thông tin.)...  sao cho phù hợp và đúng pháp luật; lựa chọn nền tảng công nghệ an toàn, phổ biến, dễ sử dụng để tổ chức hoạt động, tránh cầu kỳ, phức tạp gây khó khăn cho HS, cha mẹ HS; có các giải pháp xử lý những sự cố kỹ thuật xảy ra như đường mạng chậm, dự kiến trước và lựa chọn nền tảng khác hỗ trợ.
GV cần tôn trọng văn hóa ứng xử trong môi trường mạng giữa GV với HS, cha mẹ HS; nắm vững các văn bản chỉ đạo của cấp trên về dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuồn chuồn tre thật 'dễ vỡ', nếu để rơi từ nóc TV hay chấn song cửa số xuống dưới đất. Ảnh: Tuấn Kiệt

Trò chơi của tuổi thơ!

GD&TĐ - Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày tôi có bạn: Hôm ấy là một ngày mưa trước Trung thu cách đây khoảng 5 năm trước.

Ảnh minh họa: ITN

Truyện ngắn: Quà Trung Thu cho con

GD&TĐ - Con bé Hiền len lén nhìn mẹ rồi rón rén đưa tay mân mê mấy cục bột trên bàn. Bỗng nó vội rụt ngay tay lại bởi bị mẹ phát hiện.

Minh họa/INT

Sốt và sốt kéo dài

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng sốt thì không tốt, sốt là bệnh. Nhưng thực ra, sốt cũng có những đặc điểm tích cực của nó.