Dạy học trực tuyến không phải phiên bản online của buổi học trực tiếp

GD&TĐ - Trong dịch Covid-19, chúng ta đã triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến (DHTT), giúp học sinh (HS) tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.

Học sinh Việt Nam tiếp cận với hình thức học trực tuyến ứng dụng trên môi trường mạng.
Học sinh Việt Nam tiếp cận với hình thức học trực tuyến ứng dụng trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, sau đại dịch, phương thức này sẽ tiếp tục được duy trì thế nào? TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội đưa ra nhận định về thuận lợi, thách thức và giải pháp cho hình thức dạy học này.

Hiểu đúng về DHTT

- Thông tư quy định về DHTT trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT), giáo dục thường xuyên mà Bộ GD&ĐT mới ban hành được coi như hành lang pháp lý đầu tiên cho triển khai DHTT tại cơ sở GDPT. Ông nhận diện về cơ hội, thách thức của các trường như thế nào khi Thông tư này đi vào cuộc sống?

- Thông tư số 09/TT-BGDĐT cho thấy sự công nhận và vai trò tương đồng của DHTT, dạy học trực tiếp. Đây là điểm rất quan trọng để có thể triển khai DHTT đúng bản chất, phát huy hiệu quả, tính ưu việt của giảng dạy trực tuyến. Thông tư này cũng trao quyền tự chủ rất cao cho các trường trong tổ chức đào tạo trực tuyến. Theo đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức DHTT, hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức DHTT thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian HS không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

DHTT đòi hỏi đầu tư về công sức, nguồn lực rất lớn. Do đó, nếu không có cơ chế khuyến khích, đầu tư để giáo viên (GV) tích cực tham gia sẽ rất khó phát huy được thế mạnh, khía cạnh tích cực của giáo dục trực tuyến. Theo Thông tư 09, cơ sở giáo dục được chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, trong đó có DHTT và các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ GV trong việc tổ chức DHTT. Đó là thuận lợi nổi bật mà Thông tư mang lại cho các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, với tính mở và việc trao quyền chủ động cho nhà trường cao như vậy, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục rất quan trọng. Mọi sự thay đổi đều kéo theo thách thức và đòi hỏi quyết tâm cao. Không chỉ chịu trách nhiệm ra quyết định về cơ chế, kế hoạch, phương thức, nội dung đào tạo trực tuyến cho các môn học ở đơn vị mình, người lãnh đạo còn phải truyền cảm hứng, gương mẫu dẫn đầu trong thực hiện giảng dạy trực tuyến. Hiệu trưởng phải là người hiểu rõ nhất tại sao phải DHTT và những lợi ích mà DHTT có thể mang lại cho hoạt động đào tạo của nhà trường.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị và giảng dạy trực tuyến hiệu quả, đòi hỏi GV phải có kỹ năng sư phạm mới (liên quan tới việc sử dụng công nghệ trong đào tạo, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực); có công cụ hỗ trợ hiện đại; phải có nhận thức đúng về nội hàm và vai trò của DHTT. Một thách thức khác, DHTT đòi hỏi sự chủ động, tự giác, tích cực cao của người học, yếu tố vốn chưa định hình rõ nét trong giáo dục nhà trường phổ thông hiện nay. Đây là điều không dễ khắc phục trong một sớm, một chiều mà cần được hình thành, thúc đẩy ngay từ chính hoạt động giảng dạy trực tiếp trên lớp.

TS Nghiêm Xuân Huy.
TS Nghiêm Xuân Huy.

- Một trong những thách thức lớn nhất với triển khai đào tạo trực tuyến là nhận thức chưa thật đúng về phương thức đào tạo này của các chủ thể liên quan. Ông suy nghĩ gì về điều này?

- Đúng là hiện nay có một cách hiểu chưa đầy đủ về DHTT. Đó là việc coi dạy - học trực tuyến chính là hoạt động dạy - học qua Internet theo thời gian thực, thông qua webcam và các nền tảng họp trực tuyến như Zooms, Microsoft Teams, Google Meets... Trên thực tế, đây chỉ là một hình thức của DHTT, theo phương thức hội thảo video (video conferencing). Theo một nghĩa khái quát, DHTT là việc tổ chức giảng dạy (bao gồm: Truyền tải nội dung giảng dạy, cung cấp bài giảng, học liệu, thực hiện các tương tác dạy và học, tổ chức kiểm tra, đánh giá người học) thông qua các nền tảng công nghệ (phần mềm, ứng dụng, công cụ) hoạt động trên môi trường Internet.

Trong bối cảnh xã hội bình thường, không nên xem việc giảng bài theo thời gian thực qua các nền tảng hội thảo video là phương thức dạy học phổ biến. Bởi thực chất, nó chỉ là phiên bản online không đầy đủ của việc dạy học trực tiếp trên lớp, không thực sự tiêu biểu cho phương thức dạy - học trực tuyến. Thậm chí, khi học theo cách này, nếu GV chỉ thuần túy giảng giải lý thuyết, HS không có nhiều cơ hội để bày tỏ sự đồng điệu với thầy khi khám phá được điều mới mẻ; không được giao lưu với bạn bè về những vấn đề cùng quan tâm; rất khó để có thể nêu ý kiến trao đổi, hỏi đáp, thảo luận khi cần trợ giúp như ở trên lớp.

Cần hiểu DHTT không chỉ thuần túy là dạy trực tiếp thông qua webcam và Internet. DHTT bao gồm cả các hoạt động dạy học qua Internet nhưng không theo thời gian thực, không sử dụng hình thức phát video trực tiếp (livestream). Ví dụ: Sử dụng hệ thống quản trị học tập (LMS) để cung cấp bài giảng dưới dạng video clip được biên soạn từ trước cho người học; trao đổi, thảo luận với người học qua diễn đàn trực tuyến (forum); tương tác với người học qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo; cung cấp tài liệu, học liệu trực tuyến để người học tự học...

Thế mạnh nổi bật của DHTT là khả năng giúp người học có thể học ở bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ nơi nào và trên nhiều phương tiện, thiết bị khác nhau. Do đó, nếu được triển khai đúng cách, DHTT sẽ giúp người học có một lộ trình học tập phù hợp với quỹ thời gian và các điều kiện cá nhân. Đây chính là cơ sở cho việc thực hiện cách tiếp cận cá thể hóa trong giáo dục.

Kết hợp hài hòa giữa DHTT và trực tiếp

- Nhắc đến hiện tượng chuyển đổi cơ học từ dạy học trực tiếp sang DHTT, ông có lời khuyên nào cho các nhà trường để không lặp lại thực trạng này?

- Rõ ràng là không thể áp dụng nguyên lý dạy học trực tiếp cho DHTT hay ngược lại. Việc không hiểu đúng và không có phương pháp áp dụng DHTT phù hợp là nguyên nhân của thực trạng đó.

Để DHTT phát huy hiệu quả và khắc phục vấn đề nêu trên, theo tôi, nhà trường nên thúc đẩy áp dụng tiếp cận giáo dục kết hợp (blended learning) trong hoạt động đào tạo. Nói khái quát, đây là phương thức kết hợp hài hòa giữa DHTT và dạy học trực tiếp để nâng cao chất lượng đào tạo. Để triển khai phương thức này, tôi xin có một số khuyến cáo như sau:

Các trường nên vận dụng những điểm mới trong Thông tư 09/2021/TT-BGD&ĐT quy định về quản lý, tổ chức DHTT trong cơ sở GDPT và cơ sở giáo dục thường xuyên để xây dựng các cơ chế ghi nhận, công nhận nỗ lực của GV trong việc xây dựng nội dung và tổ chức giảng dạy theo tiếp cận blended learning, xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật phù hợp.

Mỗi tổ bộ môn nên có cuộc trao đổi, thảo luận để xây dựng kịch bản giảng dạy cho các môn học do bộ môn phụ trách. Theo đó, với mỗi môn học, cần xác định rõ nội dung nào có thể dạy trực tuyến, nội dung nào phải thực hiện trực tiếp trên lớp. Những nội dung nào người học có thể tự tìm hiểu thông qua sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo. Nội dung nào có thể truyền tải thông qua bài giảng bằng video… Dựa trên kịch bản này, GV sẽ chủ động xây dựng nội dung và hoạt động dạy - học cho môn học.

Đối với GV, cần đầu tư kỹ càng cho nội dung của môn học. Cụ thể, cần chuẩn bị kỹ lưỡng học liệu cho môn học mà mình phụ trách và chủ động gửi trước học liệu cho HS qua email hoặc qua hệ thống quản trị học tập (LMS). Bên cạnh đó, GV có thể hỗ trợ người học tìm hiểu tài liệu học tập thông qua LMS hoặc các kênh khác nhau. Đặc biệt, tôi khuyến khích thầy cô giáo xây dựng video ghi lại nội dung cần giảng để người học có thể xem trước (và có thể xem đi xem lại nhiều lần). Hiện có nhiều công cụ miễn phí như Loom, hay được tích hợp sẵn trong phần mềm Microsoft PowerPoint, có thể giúp thầy cô làm bài giảng bằng video rất dễ dàng. Làm tốt những việc này có thể giúp người học chủ động học trước, nghe giảng trước, tùy theo điều kiện thời gian, sức khỏe của mình. Và như thế, điều này giúp cho chất lượng giảng dạy được nâng cao.

Dạy và học trực tuyến có thể đáp ứng mọi yêu cầu về địa lý và điều kiện của mọi người. Ảnh minh họa
Dạy và học trực tuyến có thể đáp ứng mọi yêu cầu về địa lý và điều kiện của mọi người. Ảnh minh họa

Đòi hỏi nỗ lực lớn từ người dạy

- Ông có thể đưa ra những lưu ý cụ thể hơn với GV để DHTT hiệu quả?

- Để DHTT hiệu quả, GV phải chuẩn bị và đầu tư công sức khá lớn, thậm chí có khi khối lượng công việc còn lớn hơn so với sự chuẩn bị cho dạy học trực tiếp.

Trước hết, thầy cô nên đầu tư xây dựng kế hoạch giảng dạy, thiết kế các hoạt động, kịch bản giảng dạy chi tiết (bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp) cho mỗi tuần/buổi học của cả môn học. Đồng thời, nên thông báo kế hoạch này tới người học ngay từ đầu học kỳ để chủ động chuẩn bị, hoàn thành các yêu cầu học tập và làm bài tập đúng hạn.

Nếu đang áp dụng hệ thống quản lý học tập (LMS), thầy cô cần lưu ý tương tác và có phản hồi kịp thời tới người học khi được yêu cầu, đề nghị; hỗ trợ người học giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình học tập.

Ngoài tổ chức DHTT theo thời gian thực (livestream qua Zoom, Teams…), thầy cô nên xây dựng một số nội dung giảng dạy dưới dạng video, đặc biệt là các nội dung liên quan đến lý thuyết, tổng quan. Sau khi biên tập kỹ và hoàn thiện; đưa các video hoặc đường dẫn tới video này lên hệ thống quản trị học tập LMS (hoặc qua email) để người học có thể chủ động tiếp cận, học tập.

Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu sử dụng, áp dụng các công cụ, phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến có tính tương tác cao như Microsoft Sway, Nearpod, FlipGrid, Kahoot, Quizizz, Mentimeter…

Cuối cùng, hãy chú ý việc tuyên dương, khuyến khích, ghi nhận sự tham gia tích cực của người học trong quá trình học tập trực tuyến để thúc đẩy tinh thần, ý thức tự giác học tập; từ đó tạo động lực tích cực cho người học.

- Xin cảm ơn ông!

DHTT về cơ bản chưa được triển khai một cách đầy đủ, hiệu quả. Thậm chí, việc triển khai có phần khiên cưỡng khi yêu cầu HS học trực tuyến với thời lượng, cách thức như với học trực tiếp, theo thời khóa biểu cố định như khi lên lớp. Sự lên ngôi của Zoom, Microsoft Teams, Google Meets phản ánh rõ nét xu thế này. Điều này không nên khuyến khích trong bối cảnh xã hội bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.