Dù vậy, dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên vẫn là phương thức mới mẻ, các trường còn bỡ ngỡ và cần thêm thời gian để triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Không còn mạnh ai nấy làm
Trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19, Trường Tiểu học Kim Ngọc là một trong những cơ sở giáo dục điển hình của Vĩnh Phúc triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến. Nhân tố quan trọng đem đến thành công này là tâm huyết của người đứng đầu nhà trường và sự nỗ lực, đồng lòng của tập thể sư phạm. Tuy nhiên, khó khăn cũng lộ rõ khi thực làm, tiêu biểu trong số đó là thiếu hành lang pháp lý.
“Dường như dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, khi dịch bệnh đến và học sinh phải tạm dừng đến trường thì mới triển khai. Vì chưa có quy định về dạy học trực tuyến nên thầy trò dạy - học nhưng không được công nhận kết quả. Khi đi học trở lại, thầy cô vẫn phải dạy lại nội dung đó. Suy nghĩ đằng nào cũng phải dạy lại ảnh hưởng đến tâm huyết, sự hết mình trong bài giảng của thầy cô. Từ động lực làm việc ấy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến” - thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc chia sẻ.
Là người tâm huyết với dạy học trực tuyến, thấu hiểu thực tế triển khai, thầy Đào Chí Mạnh nhận thức rõ những thuận lợi khi Thông tư quy định về dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên được ban hành. Khẳng định đây là Thông tư hay, tác động đến chất lượng dạy học trực tuyến, cần thiết cho đổi mới giáo dục, thầy Đào Chí Mạnh cho rằng: Thực hiện quy định này không chỉ giúp nhà trường chủ động, ứng phó kịp thời với tình huống bất thường, mà sẽ có một cánh tay vô cùng hữu hiệu hỗ trợ nhà trường khi triển khai dạy học trực tiếp.
Cũng đánh giá cao Thông tư về dạy học trực tuyến, theo cô Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), từ đây, các nhà quản lý giáo dục có căn cứ pháp lý để tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trong nhà trường; tránh hiện tượng “tự bơi”, mạnh ai nấy làm với dạy học trực tuyến. Ban giám hiệu nhà trường có cơ sở để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức… về dạy học trực tuyến cho đội ngũ.
“Khi công nhận chính thức dạy học trực tuyến có vai trò tương đương dạy học trực tiếp sẽ tháo gỡ rào cản tâm lý e ngại cho cả giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh; tạo sự đồng thuận, vào cuộc của các lực lượng này. Các nhà trường có thể chủ động, kịp thời hỗ trợ giáo viên, học sinh hoàn thành chương trình trong trường hợp không đến trường vì các lý do bất khả kháng. Kể cả học sinh nghỉ học vì lý do cá nhân vẫn có thể được trợ giúp trên kênh trực tuyến để hoàn thành chương trình” – cô Hoàng Thị Yến cho hay.
Cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng
Với nền tảng sẵn có, Trường Tiểu học Kim Ngọc đang triển khai song song dạy học trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, thầy cô có thêm nhiệm vụ xây dựng bài giảng điện tử, học liệu điện tử, câu hỏi kiểm tra để đưa lên hệ thống thư viện điện tử của trường. Học sinh có thể học bất cứ khi nào mình muốn, hoặc sử dụng ôn tập vào cuối tuần.
Chia sẻ của thầy Đào Chí Mạnh, giải pháp giảm áp lực công việc, cách tốt nhất có lẽ là cải tiến phương pháp thông qua chuyển đổi số. Giao bài trên thư viện điện tử, chỉ một thời gian ngắn có thể giao bài tập đến hàng nghìn học sinh.
Học sinh làm bài biết ngay đáp án nên giảm được công sức, thời gian rất lớn từ việc chấm, chữa bài. Không những thế, cách làm này giúp tăng cường năng lực tự học, giải quyết vấn đề của học sinh. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến hiệu quả đòi hỏi cao sự tâm huyết, trách nhiệm của người thầy; cũng như năng lực, tâm huyết và sự quyết tâm của hiệu trưởng nhà trường.
Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã thông tin, tuyên truyền nội dung Thông tư về dạy học trực tuyến trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các nội dung liên quan đến quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến; đặc biệt các phần mềm dạy học trực tuyến. Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền… phục vụ dạy học trực tuyến. Nhà trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp ngay cả khi học sinh vẫn đến trường bình thường, nhằm tạo thói quen, kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến cho cả giáo viên và học sinh.
Nhiều công việc đã, đang và sẽ được triển khai, nhưng cô Hoàng Thị Yến cho rằng, để dạy học trực tuyến hiệu quả, bên cạnh năng lực đội ngũ là sự bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền… Điều này rất cần sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan, tổ chức liên quan; sự đồng hành của cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh. Hoạt động thu chi học phí cho dạy học trực tuyến cũng cần được hướng dẫn để các nhà trường có căn cứ thực hiện và giáo viên yên tâm giảng dạy.
Năm 2021, Thừa Thiên - Huế đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc, đi tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Do đó, Thông tư về dạy học trực tuyến là hành lang pháp lý, cơ sở để ngành Giáo dục tham mưu lãnh đạo tỉnh có chính sách đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ… hỗ trợ tốt nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế cho biết: Khó khăn trong triển khai dạy học trực tuyến trước hết là con người nên quan trọng nhất là sự cố gắng, nỗ lực, sự sẵn sàng của đội ngũ thầy cô giáo. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho dạy học trực tuyến còn khó khăn, cần đầu tư lớn; một trong những giải pháp là huy động nhiều nguồn lực bằng cơ chế xã hội hóa.