Dạy học trực tuyến: Đừng để lỡ nhịp

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023,  khi dịch bệnh được kiểm soát, việc các nhà trường vẫn có cách để duy trì việc dạy - học trực tuyến là cần thiết.

Học sinh Trường THCS - THPT Phenikaa trong giờ học Tin học.
Học sinh Trường THCS - THPT Phenikaa trong giờ học Tin học.

Điều này cần một nhận thức đầy đủ, đúng đắn, đặc biệt của lãnh đạo các nhà trường.

Không phải có dịch bệnh mới dạy trực tuyến

Mặc dù, học sinh đã học trực tiếp tại trường, nhưng thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) tiếp tục duy trì song song hình thức học tập trực tuyến và trực tiếp. Cách làm của thầy là áp dụng mô hình lớp học đảo ngược với việc xây dựng các video bài giảng, gửi cho học sinh trước khi lên lớp để xem và nắm được tinh thần bài học.

Khi lên lớp, giáo viên chỉ việc mở rộng và giải thích các thắc mắc của học sinh để có thể phát huy tối đa tinh thần tự học, tự rèn luyện. Bên cạnh đó, thầy Thiên cũng xây dựng các câu hỏi ôn tập, bài giảng trực tuyến trên hệ sinh thái Office 365 cho học sinh ôn tập sau mỗi chủ đề.

“Năm học mới cũng là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 ở THPT nên dạy học trực tuyến trở thành giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình; nhất là với hoạt động giáo dục mới như giáo dục địa phương, trải nghiệm hướng nghiệp... Có thể nói, dạy học trực tuyến là giải pháp linh hoạt, chủ động trong thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường” - thầy Nguyễn Xuân Năng chia sẻ.

Theo thầy Nguyễn Xuân Năng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh), năm học 2022 - 2023, nhà trường xác định: Dù tình hình bệnh được kiểm soát, song dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình vẫn được quan tâm. Mục đích nhằm đa dạng hình thức, đổi mới phương pháp dạy học, hoàn thành chương trình giáo dục; áp dụng phù hợp trong công tác kiểm tra, đánh giá, khảo sát chất lượng, tổ chức các kỳ thi; đồng thời, hỗ trợ học sinh, giáo viên trong hoạt động dạy học khi cần thiết.

Với trường ngoài công lập, Phenikaa School đã thể hiện thế mạnh khi chủ động áp dụng ứng dụng Teams vào giảng dạy, thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Ông Phạm Ngọc Anh Huy, Giám đốc điều hành Phenikaa School, cho biết: Năm học 2021 - 2022, Phenikaa School là một trong những trường phổ thông liên cấp tại Hà Nội tiên phong áp dụng Microsoft Teams vào giảng dạy, học tập. Học sinh đã đi vào nền nếp, nâng cao sự chủ động, tự giác trong học tập. Sang năm học này, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng trường vẫn tích hợp Teams vào dạy - học.

“Teams là kênh gửi tài liệu học tập thuận lợi, dễ dàng; cũng là kênh hiệu quả để thầy, cô giáo giao bài tập, gọi nhóm, tổ chức các hoạt động tập thể kết nối học sinh, nâng cao hiệu quả khi trò thực hiện các dự án học tập, rút ngắn khoảng cách địa lý mà tập trung vào hiệu quả công việc nhóm… Trường hợp xấu nhất, nếu dịch quay trở lại hoặc có biến động về môi trường, chắc chắn thầy trò Phenikaa School vẫn vững tâm và hoàn toàn chủ động để xử lý mọi tình huống, không ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng tri thức” - ông Phạm Ngọc Anh Huy khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, năm học 2021 - 2022, học sinh học trực tiếp nhiều nhưng vẫn áp dụng hình thức ôn tập trực tuyến để được rèn luyện. Phương thức này tiếp tục được phát huy trong năm học 2022 - 2023. “Đa số các trường sẽ tận dụng ôn tập trực tuyến để học sinh làm bài qua hệ thống đề ôn tập, đặc biệt là ôn thi tốt nghiệp THPT. Cái hay của trực tuyến là học sinh có thể thực hành ở mọi nơi, mọi lúc” - ông Nguyễn Minh Nhiên cho hay.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong một buổi dạy học online. Ảnh: INT

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong một buổi dạy học online. Ảnh: INT

Vận dụng linh hoạt

Ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Một trong những mục tiêu đến năm 2025 của quyết định này là tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học.

Trên thực tế, dạy học trực tuyến là hình thức quan trọng, giúp các nhà trường hoàn thành chương trình giáo dục, bảo đảm kết quả giáo dục ổn định trong điều kiện dịch bệnh. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ổn định, mọi hoạt động giáo dục trở lại trạng thái bình thường, không phải trường nào cũng duy trì hình thức dạy học này.

Theo TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), đây là một sự lãng phí và cực kỳ đáng tiếc; bởi hàng loạt hệ thống giúp ngành Giáo dục chuyển đổi số nói chung, triển khai dạy học trực tuyến nói riêng đã được khởi động, vận hành; các kỹ năng của cả thầy và trò dần được hình thành.

“Điều mà chúng ta có thể làm ngay được là tiếp tục triển khai kiểm tra, đánh giá trực tuyến, đặc biệt đánh giá thường xuyên, theo quá trình; sử dụng công nghệ trong quản trị nhà trường… Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì hiệu quả dạy học trực tuyến, giúp hình thức này trở thành hình thái tồn tại song hành với dạy học truyền thống, rất cần nhận thức toàn diện, đầy đủ đối với cán bộ quản lý, giáo viên. Do đó, tập huấn tăng cường nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ là rất cần thiết. Cùng với đó, cần có hướng dẫn, chỉ đạo để vừa có yếu tố bắt buộc, vừa khuyến khích, định hướng cho các trường triển khai” - TS Cường phát biểu.

Ngoài ra, TS Tôn Quang Cường mong muốn, cần tập trung ưu tiên chuyển đổi số trước hết cho giáo dục. Bởi, với số lượng lớn đến 22 triệu học sinh, sinh viên, khoảng 1,5 triệu cán bộ quản lý và giáo viên, cùng phụ huynh, học sinh… thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục sẽ có tác động, lan tỏa rất lớn.

Gợi ý một số hoạt động các nhà trường có thể thực hiện để duy trì hình thức trực tuyến, TS Tôn Quang Cường cho rằng, trước hết cần tập hợp lại toàn bộ nguồn học liệu, công cụ và giải pháp vốn đã sử dụng quen thuộc trong thời gian qua; trên cơ sở đó phân thành dạng tài liệu để hỗ trợ tổ chức các hoạt động. Với những kỹ năng, giải pháp công nghệ đó, nhà trường nên mạnh dạn tái cấu trúc lại kế hoạch giáo dục nhà trường; dành một tỷ trọng nhất định cho hoạt động dạy học, ôn tập trực tuyến để nới rộng thêm cơ hội học tập, giảm bớt thời gian vật chất của học sinh ở nhà trường. Tiếp tục kết nối hiệu quả với phụ huynh học sinh qua hỗ trợ của công nghệ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ