Chuyển đổi số trong ngành giáo dục:

Duy trì hiệu quả dạy học trực tuyến

GD&TĐ - Dù đã đi học trực tiếp nhưng giáo viên nhiều trường phổ thông tại TPHCM vẫn duy trì việc dạy trực tuyến ngoài thời gian học trên lớp.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của đã quen thuộc với việc học trực tuyến ngoài thời gian học trực tiếp trên lớp.
Học sinh Trường THCS Lương Định Của đã quen thuộc với việc học trực tuyến ngoài thời gian học trực tiếp trên lớp.

Đây là một trong những hình thức giúp thầy cô ôn tập kiến thức cho học sinh hiệu quả.

Học sinh dễ dàng ôn bài

Từ khi học trực tiếp trở lại, Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) vẫn duy trì việc học trực tuyến trên phần mềm K12 online. Thông qua phần mềm này, giáo viên đưa ra nhiều dạng bài tập để luyện tập cũng như bổ sung kiến thức cho học sinh. Theo chia sẻ của nhiều thầy cô, hình thức dạy trực tuyến đã mang lại hiệu quả, bởi có thể truyền tải những hình ảnh minh họa cụ thể, bài tập trắc nghiệm đa dạng…

Cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, cho biết, học kỳ II năm học 2021 - 2022, nhiều thầy cô vẫn sử dụng cách này, nhiều nhất là ở bộ môn Toán. Ngoài học trên lớp, buổi tối các em có thể vào phần mềm làm bài và nếu không hiểu thì trao đổi luôn với thầy cô. Do đó, năm học 2022 - 2023, nhà trường tiếp tục duy trì dạy học trực tuyến trên tinh thần tự nguyện của giáo viên. Cụ thể, ngoài việc học ở trường, thầy cô linh động đưa ra các bài tập phụ đạo cho học sinh yếu hay bồi dưỡng cho các em giỏi.

“Với môn Vật lý, ngoài dạy trực tiếp trên lớp mỗi tuần 2 tiết, tôi cũng tạo một nhóm riêng trên phần mềm K12 online và đưa ra các bài tập phù hợp với năng lực của các em. Ở trường, Vật lý là môn học không được tăng tiết, lượng thời gian trên lớp chỉ dạy kịp bài cho học sinh, thời gian để luyện tập ít. Vì vậy, buổi tối thông qua phần mềm dạy trực tuyến, cô trò sẽ ôn tập lại kiến thức qua các dạng bài tập để học sinh nắm vững hơn”, cô Hiếu chia sẻ.

Tương tự, việc triển khai dạy học trực tuyến thời gian qua được Trường THPT Trần Nhân Tông triển khai trên nền tảng K12 online cũng mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong thời điểm học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh Covid-19. Phát huy những kết quả của hình thức dạy trực tuyến trước đó, từ khi học sinh học trực tiếp trở lại, ngoài phần mềm K12 online, thầy cô tại cơ sở giáo dục này còn linh động dạy học trên Shubclassrom, Googlemeet, Zoom, Azota… để ôn tập kiến thức cho học sinh ngoài thời gian dạy trên lớp.

Theo thầy Đinh Đức Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, năm học 2022 - 2023, nhà trường tiếp tục triển khai mô hình học trực tuyến trên nền tảng Shubclassrom. Giáo viên tạo, trang trí lớp học trên nền tảng có sẵn, sau đó đưa bài giảng, bài tập lên hệ thống. Học sinh ngoài thời gian học trực tiếp tại trường sẽ vào các lớp học này để hoàn thành bài tập, xem các video bài giảng.

Cô giáo Trường THPT Trần Nhân Tông ôn tập trực tuyến cho học trò vào buổi tối.

Cô giáo Trường THPT Trần Nhân Tông ôn tập trực tuyến cho học trò vào buổi tối.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Năm học 2022 - 2023, TPHCM vẫn duy trì việc dạy học trực tuyến tùy thuộc tính sáng tạo chủ động của mỗi đơn vị. Các trường học tiếp tục chủ động xây dựng, sử dụng các phần mềm đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, năm học 2021 - 2022, TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Học sinh phải tạm ngừng đến trường. Để cung cấp kiến thức cho các em, ngành GD-ĐT đã tổ chức dạy học trên môi trường Internet.

“Với sự nỗ lực của nhà trường, giáo viên, ngành GD-ĐT TP đã đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo học sinh tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học. Nhờ triển khai tốt các ứng dụng trực tuyến đã giúp học sinh hoàn thành chương trình; tạo thói quen tự học, tự nghiên cứu. Đó là thành tựu trong năm học vừa qua và cần phải phát huy trong năm học này”, ông Quốc cho hay.

Còn theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT sẽ tổ chức dạy học trên Internet một cách có chủ đích. Ông Tân cho biết: Theo mục tiêu của đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, phải có 35% giờ học trực tuyến nghĩa là chúng ta phấn đấu có 35% hoạt động dạy học được quản lý bởi hệ thống trực tuyến.

Dạy học cần được triển khai gồm 3 giai đoạn, giai đoạn trước, giai đoạn thực hiện thời khóa biểu và sau thời khóa biểu. Giai đoạn 1 giáo viên giao nhiệm vụ tự học, tự tìm hiểu kiến thức cho học sinh trên hệ thống có kèm kiểm tra đánh giá. Tiếp đến học sinh sẽ học trực tiếp trên lớp với giáo viên. Giai đoạn 3 củng cố, ôn tập kiến thức trên hệ thống.

“Chúng ta phải phát huy hiệu quả các phần mềm học trực tuyến để ôn tập, củng cố hoàn thiện kiến thức theo định hướng mở rộng không gian, thời gian tổ chức hoạt động học cho học sinh”, ông Tân nhấn mạnh.

Hai năm dịch bệnh, dù khó khăn nhưng đó cũng là cơ hội để nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong việc dạy học. Đây cũng là xu thế chung, học sinh vừa học trên lớp, vừa tự học ở nhà thông qua hệ thống phần mềm. Đặc biệt thông qua hệ thống này, cha mẹ cũng có thể theo dõi và học cùng con. - Thầy Đinh Đức Thịnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ