Dạy học trực tuyến trong bối cảnh mới

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023 bắt đầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. 

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Gần 23 triệu học sinh cả nước đến trường khai giảng và học tập trực tiếp trong không khí phấn khởi, hân hoan. Điểm đáng chú ý trong năm học mới này là dù không còn cảnh tạm ngừng đến trường nhưng kế hoạch dạy học của nhiều trường, địa phương vẫn tiếp tục mô hình trực tuyến, từ xa.

Ở huyện vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang), học sinh trường vùng sâu sẽ được “thọ giáo” online chính khóa môn Tiếng Anh từ thầy cô một trường tư thục nổi tiếng ở Hà Nội. Còn ở TPHCM, thầy trò nhiều trường THPT, THCS ở TPHCM vẫn tíu tít với phần mềm K12 online, Shubclassrom, Googlemeet, Zoom, Azota… 35% giờ học trực tuyến một cách có chủ đích là mục tiêu mà ngành Giáo dục thành phố này đặt ra cho năm học mới…

Không phải để phòng dịch như năm ngoái, những giờ học trực tuyến mà nhiều trường, địa phương đã và đang thực hiện trong năm học mới này nhằm hướng đến những mục tiêu đặc biệt hơn.

Thiếu giáo viên, đặc biệt các môn mới trong Chương trình GDPT 2018 là thực tế mà ngành Giáo dục nhiều nơi đang phải đối mặt. Để bảo đảm quyền học tập của học sinh, bên cạnh tuyển dụng mới, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái, bố trí dạy liên trường, nhiều cơ sở giáo dục, nhất là vùng núi tính đến phương án tổ chức dạy học trực tuyến. Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) như đã đề cập ở trên, chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, trong khi nhu cầu để dạy đủ 4 tiết tiếng Anh/tuần cho riêng lớp 3 sẽ cần ít nhất 10 - 12 giáo viên. Hình thức dạy học trực tuyến được huyện này kỳ vọng là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc thiếu nhân sự.

Không chỉ ở Hà Giang, mà một số tỉnh vùng cao khác, nơi vị trí địa lý xa xôi, giáo viên khó áp dụng dạy học liên trường, ngành Giáo dục cũng đề ra giải pháp xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị đường truyền và có trợ giảng, phụ trách lớp học tại điểm cầu. Đối với điểm trường ở vùng sâu, vùng xa khó khăn về đường truyền có thể dạy học theo hình thức video dưới sự hướng dẫn và điều hành trực tiếp của thầy cô.

Nếu các địa phương vùng sâu, vùng xa áp dụng dạy học trực tuyến như một giải pháp khả thi cho vấn đề thiếu giáo viên, thì với vùng thuận lợi, mô hình trực tuyến trong năm học mới này lại hướng đến nâng cao chất lượng. Tại TPHCM nơi đưa ra mục tiêu 35% giờ học của cấp THCS, THPT được quản lý trên hệ thống trực tuyến trong năm học 2022 - 2023, học sinh sẽ được lợi là ôn tập, củng cố kiến thức, sinh hoạt ngoài giờ trên lớp… trên không gian mạng.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hệ thống dạy học trực tuyến được triển khai gồm 3 giai đoạn, giai đoạn trước, giai đoạn ngay thời khoá biểu và sau thời khoá biểu. Với sự chung tay của các phần mềm, thầy cô sẽ ôn tập, củng cố hoàn thiện kiến thức theo định hướng mở rộng không gian, thời gian tổ chức hoạt động học cho học sinh, chất lượng giáo dục theo đó sẽ tốt hơn.

Sau giai đoạn dịch bệnh, thầy cô giáo và học sinh cả nước đã có khoảng thời gian làm quen, sử dụng khá hiệu quả hệ thống dạy học trực tuyến, đây là cơ hội vàng thúc đẩy chuyển đổi số. Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2025, toàn ngành sẽ hướng đến tỷ trọng nội dung chương trình được giảng dạy dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở tiểu học, 10% ở trung học.

Với việc tiếp tục dành không gian cho dạy học trực tuyến, toàn ngành không chỉ nhanh chóng đạt các chỉ tiêu về chuyển đổi số, phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghệ 4.0, mà còn khắc phục được những khó khăn trước mắt như thiếu giáo viên; nâng cao năng lực tự học của học sinh, góp phần hoàn thành mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục - một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ