Dạy học trực tiếp: Ưu tiên phòng dịch - bảo đảm chất lượng

GD&TĐ - Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mở cửa đón học sinh trở lại trường học tập trực tiếp trong niềm vui và cảm xúc náo nức như “ngày khai trường”.

Cô giáo dạy tin trường THPT DTNT N" Trang Lơng và học sinh.
Cô giáo dạy tin trường THPT DTNT N" Trang Lơng và học sinh.

Sáng 9/2, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở đã thành lập 2 đoàn công tác trực tiếp đến thăm, động viên tinh thần thầy cô giáo, các em học sinh trong những ngày đầu trở lại trường học tập trực tiếp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa ân cần trao đổi, động viên các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pắc.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa ân cần trao đổi, động viên các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pắc.

Theo thống kê, hiện có 8/15 huyện, thị xã đã cho phép trẻ mầm non, học sinh phổ thông tới trường học tập trực tiếp; 4 huyện cho học sinh đến trường theo phân cấp vùng dịch tễ. Riêng TP Buôn Ma Thuột, địa phương này mới chỉ cho phép học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 được phép học trực tiếp; trẻ mầm non và học sinh các khối, lớp còn lại vẫn học trực tuyến đến 14/2.

Trao đổi với các thầy cô giáo và học sinh tại các trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa nhấn mạnh, việc mở cửa trường học theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 3/2 là yêu cầu cấp thiết. Các địa phương và nhà trường phải xem đây là cơ hội để đưa trẻ mầm non, học sinh phổ thông tới trường sớm nhất có thể. Điều này vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng, đồng thời cũng là môi trường lí tưởng để các em học tập, vui chơi, phát triển toàn diện nhất.

Các em học sinh lớp 10 Trường THPT DTNT N" Trang Lơng tận dụng tối đa thiết bị trong giờ tin học sau khi được đến trường.
Các em học sinh lớp 10 Trường THPT DTNT N" Trang Lơng tận dụng tối đa thiết bị trong giờ tin học sau khi được đến trường.

“Các trường cần tranh thủ “thời gian vàng” khi học trực tiếp để củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Trong đó, trọng tâm là ôn tập bù lấp những lỗ hỏng về kiến thức khi học trực tuyến; tăng cường kiểm tra, uốn nắn, hỗ trợ cho các em các kỹ năng cơ bản, các phương pháp học tập hiệu quả, nhất là các em cuối cấp.

Yêu cầu, thực hiện nghiêm 5K, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo lắng. Đầu và cuối mỗi buổi học, giáo viên dành 1 phút để nhắc các em về 5K gắn với thực hiện "một cung đường 2 điểm đến"; động viên học sinh hạn chế tiếp xúc trong giờ ra chơi” - ông Khoa lưu ý.

Cũng theo ông Khoa, các trường học phải làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường, nhằm tạo sự đồng thuận.

“Các nhà trường phải xác định tư tưởng đây là năm học đặc biệt khó khăn, vừa dạy học vừa chống dịch. Vì thế, lãnh đạo, giáo viên phải bám trường, bám lớp; thường xuyên cập nhật thông tin, văn bản chỉ đạo để chủ động triển khai “nhiệm vụ kép”; hàng ngày cập nhật vào sổ tay theo dõi sức khỏe, gắn với vai trò, trách nhiệm của Tổ Covid trường học; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong thực tiễn. Trường nào làm trái chỉ đạo, tự ý đóng cửa thì hiệu trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ xử lý theo quy định” - ông Khoa khẳng định.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa; Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột Mai Thị Hồng Hà đến động viên các em học sinh lớp 9 Trường THCS Đào Duy Từ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa; Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột Mai Thị Hồng Hà đến động viên các em học sinh lớp 9 Trường THCS Đào Duy Từ.

Theo bà Mai Thị Hồng Hà – Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột, thực hiện chỉ đạo đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh, trước Tết Nguyên đán (10/1), thành phố đã mở cửa đón học sinh lớp 9 và 12 đến trường học tập trực tiếp trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19.

“Khi đến trường học tập, các em đều rất vui và háo hức. Các trường đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để ứng phó với dịch bệnh song hành với việc duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục. Sau hơn 2 tuần học, toàn thành phố có 20 em học sinh bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, qua điều tra dịch tễ của ngành y tế, 100% các em bị lây nhiễm từ gia đình và cộng đồng. Không có em nào bị lây nhiễm trong trường học” - bà Hà cho biết.

Học sinh Trường THPT DTNT N" Trang Lơng chăm chú học tập khi đến trường.
Học sinh Trường THPT DTNT N" Trang Lơng chăm chú học tập khi đến trường.

Còn em Nguyễn Kiêm Bắc – lớp 12A5, Trường THPT Trần Phú (TP Buôn Ma Thuột) thì cho hay: “Khi ở nhà học trực tuyến, một số nội dung, bài học chúng em chưa thể tiếp thu được. Giờ được đến trường học tập trực tiếp, được nghe thầy cô hướng dẫn, được trao đổi với các bạn sẽ giúp cho việc học trở nên hứng thú và dễ dàng. Chúng em sẽ nhờ thầy cô bổ sung những kiến thức, kỹ năng còn thiếu trong thời gian qua để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắc, thời gian quan nhiều gia đình cho con em đi chơi, không thực hiện đầy đủ 5K dẫn đến bị lây nhiễm Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học – giáo dục ở một số nhà trường. Mặt khác, việc các em lâu ngày không được đến trường, nhất là trẻ mầm non sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lí.

“Một số trẻ do tiếp xúc quá nhiều với các clip, trò chơi điện tử trên không gian mạng dẫn đến suy nghĩ lệch lạc. Một số em vì bị “nhốt” quá lâu, gây hiện tượng khó chịu, đập phá đồ đạc trong nhà. Một số em ở vùng nông thôn phải ở nhà một mình hoặc theo cha mẹ đi lên nương, lên rẫy dẫn đến bị tai nạn, thương tích… Vì vậy, sớm đưa trẻ đến trường là việc cần làm và điều mong mỏi của phần lớn phụ huynh” - đại diện phòng GD&ĐT Krông Pắc chia sẻ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa tặng quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pắc.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa tặng quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pắc.

“Năm học 2021-2022 này hết sức đặc biệt và chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục nước nhà. Học sinh không được tựu trường, không được dự khai giảng trực tiếp, trường học vừa mở cửa được vài hôm lại đóng. Thậm chí, các trường học tại TP Buôn Ma Thuột phải đóng im lìm hơn 6 tháng trời. Điều đó khiến cho nỗi nhớ trường, nhớ lớp của thầy cô giáo, trẻ mầm non và học sinh ngày một tăng cao.

Ngành GD và chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng nhiều phương án để mở cửa trường nhưng đều bị hoãn lại. Giờ được đến trường học tập, các em học sinh và giáo viên đều rất phất khởi và háo hức” - ông Khoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.