Chuẩn bị dạy học trong bình thường mới

GD&TĐ - Sau thời gian dài dạy học online, chuyển sang học trực tiếp sẽ phát sinh những khó khăn. Nhà trường, giáo viên đang nỗ lực để việc học sớm ổn định.

Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) vừa dạy trực tuyến, vừa bồi đắp kiến thức cho HS.
Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) vừa dạy trực tuyến, vừa bồi đắp kiến thức cho HS.

Linh động khắc phục khó khăn

Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thuộc vùng sâu, đường đến trường còn phụ thuộc vào tàu thuyền. Trường có 812 học sinh, trong đó 52 em không có thiết bị học tập trực tuyến. Không để học sinh bị bỏ lại phía sau, nhà trường, tập thể giáo viên thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ. Lúc giãn cách, trường gửi bài tập, bài học cho học sinh qua bưu điện. Khi áp dụng Chỉ thị 15, giáo viên đến tận nhà dạy kèm, giao bài cho học sinh. Bên cạnh đó, trường còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo thiết bị học trực tuyến…

Cô Trương Ngọc Bích, giáo viên Toán, Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh là người trực tiếp đến nhà giao bài, dạy kèm cho học sinh mấy tháng qua. Sau thời gian hỗ trợ cô nhận thấy, một số em học khá, chỉ cần gửi bài rồi giảng sơ lược là hiểu. Cũng có một số em học chậm hơn, nên cô đến nhà 2 lần/tuần hoặc có thể nhiều hơn tùy thuộc vào năng lực của mỗi em.

Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, trường đã có kế hoạch bồi dưỡng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến sau khi tình hình dịch bệnh ổn định. Theo đó, các em sẽ được tổ chức thành một lớp riêng, phân công giáo viên dạy phụ đạo để có thể theo kịp các bạn.

Khó nhất là thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Đối với những em không hiểu bài, giáo viên bộ môn soạn bài giảng cô đọng trọng tâm của bài học và in thành tài liệu gửi bưu điện đến nhà học sinh. Mỗi tuần, bộ phận giao nhận sẽ đến nhà học sinh để lấy lại những bài tập và chuyển cho giáo viên bộ môn. Chi phí giao nhận tài liệu nhà trường hỗ trợ cho học sinh. Đối với học sinh tiếp thu chậm, không hiểu bài sẽ được lập danh sách, khi được phép đi lại, giáo viên đến tận nhà giảng dạy để bù đắp kiến thức.

Tại tỉnh Cà Mau, hiện có gần 20 trường học ở “vùng xanh” dạy học trực tiếp. Để hỗ trợ học sinh, theo ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT, các trường chủ động sắp xếp giáo viên, phân công giao việc phù hợp, đáp ứng được yêu cầu dạy và học trực tiếp ngay từ ngày đầu tiên. Đặc biệt, phải thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học sinh, giúp các em vượt qua khó khăn trong thời gian dài học trực tuyến để sớm ổn định khi trở lại học trực tiếp; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, y tế địa phương, cha mẹ học sinh trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh trường lớp định kỳ hàng ngày...

Giáo viên Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) chuẩn bị tài liệu, bài tập đem đến nhà cho học sinh.
Giáo viên Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) chuẩn bị tài liệu, bài tập đem đến nhà cho học sinh.    

Tập trung bù đắp kiến thức

Triển khai dạy học trực tuyến, nhiều trường học ở tỉnh Trà Vinh gặp khó, nhất là trường ở khu vực nông thôn, điểm lẻ hệ thống Internet chưa bảo đảm. Nhiều học sinh còn khó khăn, thiếu thiết bị, điều kiện tham gia lớp học. Học sinh tiểu học, các lớp đầu cấp, nhất là khối 6 chưa quen với chương trình, hình thức học tập cũng như tương tác trong hoạt động… Nhiều phụ huynh còn bỡ ngỡ với việc con em học trực tuyến do chưa tiếp cận công nghệ thông tin.

Đối với giáo viên, dạy học trực tuyến chưa phải là công việc tiến hành thường xuyên nên khi bắt tay vào thực hiện còn lúng túng về kỹ thuật. Đối với học sinh, mặc dù các em khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhưng thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của một số gia đình chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Từ đó, số học sinh tham gia học trực tuyến có nơi chưa đảm bảo theo yêu cầu…

Để gỡ khó, bên cạnh công tác hỗ trợ điều kiện, cơ sở vật chất cho học sinh, ngành Giáo dục Trà Vinh khuyến khích nhà trường, giáo viên, học sinh trao đổi qua điện thoại, mạng xã hội, giúp các em nắm chắc kiến thức. Các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường tổ chức hoạt động hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh, nhất là các em ở khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh với tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ khó khăn…

Ở Trường THPT Cầu Ngang B, huyện Cầu Ngang, để nâng cao chất lượng dạy học online, ngoài học trực tuyến, giáo viên sẽ liên lạc với học sinh, thành lập nhóm lớp trên mạng xã hội nhằm trao đổi, giải đáp những thắc mắc để các em hiểu bài tốt hơn. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự làm bài tập củng cố kiến thức...

Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang, cho biết, một số học sinh ở vùng sâu, vùng xa thiếu thiết bị học trực tuyến. Tâm tư giáo viên và học sinh rất muốn được trở lại học trực tiếp. Vì học trực tuyến thầy, trò khó tiếp thu hết, khó trao đổi. “Khi đi học trở lại, nhà trường, giáo viên có kế hoạch bù đắp kiến thức cho các em. Song song đó duy trì dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Giải pháp này giúp học sinh sớm lấy lại kiến thức; vừa chủ động dạy học khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”, thầy Sa Quên nhấn mạnh.

Trở lại trường trong trạng thái bình thường mới, y tế học đường cũng khẩn trương cho công tác kiểm tra sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh, đặc biệt là những em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Tư vấn tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, giúp các em nhận thức đầy đủ về tình hình dịch bệnh, giải pháp phòng ngừa, không phân biệt, kỳ thị các trường hợp F0, F1, F2... Nhà trường, nhân viên y tế trường học cần quan tâm tư vấn, ổn định tâm lý, nhất là học sinh mồ côi do dịch bệnh. Vận động mạnh thường quân, giáo viên hỗ trợ, đỡ đầu các em; thường xuyên cử giáo viên, nhân viên y tế trường học đến nhà chăm sóc nếu các em còn nhỏ tuổi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ