3 mô hình trong một trường học
Trường THCS thị trấn Nham Biền số 1, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, đang tổ chức song song hai hình thức dạy học là trực tiếp và trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Khi xuất hiện học sinh tiếp xúc gần với các ca nhiễm Covid-19 phải nghỉ học, nhà trường tổ chức cho những em này học trực tuyến cùng giờ học với các bạn trên trường. Mỗi khối có một lớp học trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Những học sinh học trực tuyến trong khối sẽ đăng nhập vào phòng học ảo của lớp này. Học sinh có thể phát biểu ý kiến, tương tác, chơi trò chơi cùng bạn bè trong lớp. Ngược lại, giáo viên có thể đặt câu hỏi, kiểm tra tiến độ học tập của học sinh nghỉ tại nhà.
Cụ thể, lớp 6E của trường đang dạy học trực tiếp và trực tuyến cho 2 học sinh phải cách ly trong cùng một thời điểm. Tại lớp học, một camera và micro được đặt giữa lớp. Học sinh nghỉ tại nhà có thể phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi.
Thầy Hà Ngọc Thanh, giáo viên môn Sinh học, bày tỏ: Với mô hình giảng dạy này, học sinh có thể tiếp cận bài học như nhau. Những em nghỉ tại nhà không cảm thấy buồn, mất tập trung vì có thể tham gia lớp học như bạn bè trên lớp. Trong quá trình giảng bài, tôi thường lồng ghép các trò chơi, hoạt động làm việc cá nhân để các em cùng tham gia và giúp phát triển năng lực, phẩm chất như yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Còn Trường Tiểu học Cảnh Thuỵ, huyện Yên Dũng, đã triển khai 3 mô hình gồm trực tuyến, trực tiếp và trực tuyến kết hợp trực tiếp. Nhà trường có 2 lớp dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến do có học sinh F2; 2 lớp khác dạy học trực tuyến do có F0.
Cô giáo Trần Thị Uyên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch dạy học trong thời điểm phòng, chống dịch. Khi học trực tiếp, nhà trường bố trí cán bộ y tế hướng dẫn phụ huynh đưa con đến trường khai báo y tế bằng cách quét mã QR ngoài cổng trường. Học sinh đeo khẩu trang, giãn cách 2m, rửa tay khử khuẩn thường xuyên.
Nhà trường cũng tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và vận động phụ huynh, các doanh nghiệp ủng hộ xét nghiệm Covid-19. Đến nay, hơn 98% phụ huynh nhà trường có máy tính, điện thoại thông minh để con cái học trực tuyến.
Học sinh không có điện thoại thông minh hoặc máy tính có thể học cùng bạn gần nhà. Giáo viên đồng thời in nội dung bài học ra giấy và gửi cho các em.
“Với những học sinh cách ly phải học trực tuyến, chúng tôi chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy bù kiến thức cần bổ sung để học sinh đảm bảo theo kịp chương trình”, cô Uyên cho biết.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, cho biết việc triển khai 3 mô hình học cùng một thời điểm trong nhà trường là chỉ đạo chung của Sở GD&ĐT với ngành giáo dục phổ thông. Sở cũng yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục xây dựng ở mỗi khối lớp một phòng học trực tuyến, kết hợp dạy trực tiếp; đồng thời, triển khai đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ học sinh học từ xa.
Thầy cô tự tin, chủ động
Từ đầu năm học 2021-2022, học sinh tại Trường THPT Văn Giang, huyện Văn Giang, nói riêng và học sinh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên học trực tuyến. Là giáo viên dạy môn Toán cho khối 12, thầy giáo Nguyễn Văn Quang trăn trở làm sao để các em vừa học trực tuyến hiệu quả vừa ứng dụng mô hình này trong ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp.
Nghĩ vậy, thầy Quang tranh thủ tìm tòi, nghiên cứu các ứng dụng học và thi trực tuyến để tạo đề thi, đề tự luyện online. Thầy lập nhóm cho học sinh nhà trường trên Facebook. Mỗi tuần, thầy đều chia sẻ các đề tự luyện trắc nghiệm cho học sinh trên phần mềm OLM, Azota, Google Forms.
Thầy Quang cho biết: Nếu học sinh có đủ điều kiện, giáo viên nắm bắt công nghệ thông tin thì mô hình học trực tuyến có rất nhiều lợi ích. Ví dụ, không chỉ dạy online, giáo viên có thể giao bài tập trực tuyến để học sinh làm và nhận điểm ngay sau khi hết giờ. Từ đó, học sinh sẽ hứng thú hơn với mô hình học này, có những tài liệu trực tuyến để ôn tập bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đang dạy trực tiếp vẫn tổ chức dạy học trực tuyến 1-3 buổi hàng tuần để ôn tập bài cũ, hỗ trợ học trực tiếp.
Nhờ cách làm này, cô giáo Vi Thị Uyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Bục, đánh giá các nhà trường có thể kịp thời, chủ động chuyển trạng thái học tập khi điều kiện bất thường. Học sinh và phụ huynh đã chuẩn bị, làm quen với mô hình học trực tuyến nên có thể dễ dàng bắt nhịp khi cần thiết.
“Khi học sinh được đến trường, chúng tôi vẫn rà soát điều kiện dạy và học trực tuyến của các em, giáo viên. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn nhà trường vẫn xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh kết hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường. Giáo viên tự tin còn phụ huynh yên tâm hơn khi triển khai năm học mới”, cô Uyên chia sẻ.