Trải qua 2/3 chặng đường cho thấy, dù đối diện nhiều thách thức, song các nhà trường nỗ lực để về “đích” đúng tiến độ, chất lượng.
Duy trì tiến độ dạy học
Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nên ngay sau triển khai dạy học một thời gian, Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) điều chỉnh phân phối chương trình từ 35 tuần còn 30 tuần, dạy nội dung căn cốt.
Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: Dịch bùng phát tại địa phương (tháng 10/2021), trường phải cho học sinh nghỉ học 2 tuần, sau Tết trở lại học được 2 tuần tiếp tục cho nghỉ tránh rét 1 tuần… nhưng trường dự kiến có thể kết thúc năm học vào 20/4 (nếu không phải tiếp tục nghỉ). Thời gian cuối tháng 4 đầu tháng 5 trường sẽ tiến hành ôn tập lại kiến thức cho học sinh.
Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) từ đầu năm học tới nay chỉ mất 14 ngày cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch và tránh rét nên tiến độ dạy học chung bảo đảm. Theo thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường, hoạt động dạy học toàn trường bước sang tuần 21, một số môn học đã ở tuần 27. Như vậy sẽ còn hơn 2 tháng đến kết thúc năm học theo dự kiến, việc hoàn thành nội dung chương trình không vội vàng.
Khác với một số trường phải cho nghỉ học do dịch, hoặc liên tiếp chuyển phương thức dạy học trực tuyến, trực tiếp… nên lo lắng nhất định về chất lượng dạy học, đặc biệt học sinh lớp 1 bị ảnh hưởng thì thầy Công lại khẳng định điều kiện triển khai năm học thuận lợi, học sinh học 100% trực tiếp nên kết quả dạy học vẫn bảo đảm. Chắc chắn không có tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ở năm học mới hay học sinh lớp 1 lên lớp 2 chưa đọc thông, viết thạo.
Thuộc ngoại thành Hà Nội, việc dạy học tại Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây) từ đầu năm học diễn ra trực tuyến, đến 10/2 trở lại học trực tiếp. Hiện, toàn trường đang bước vào tuần 23 của năm học.
Theo cô Hiệu trưởng Khuất Thị Nga, tiến độ dạy học đúng kế hoạch bởi dù dạy trực tuyến từ đầu năm học nhưng tuần nào dạy hết chương trình tuần đó. Cùng đó, học sinh vừa trở lại học trực tiếp 2 tuần lại nghỉ do mưa rét, trường cũng chuyển sang học trực tuyến chứ không cho nghỉ nên chương trình hoàn toàn bảo đảm. Việc kết thúc năm học sẽ đúng kế hoạch.
Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: Cả 5 khối đang ở tuần thứ 23 và so với kế hoạch chung đúng tiến độ. Do dạy học trực tuyến từ đầu năm học nên chất lượng giáo dục không bằng trực tiếp. Học sinh khối 3, 4 ảnh hưởng ít hơn bởi có sự chủ động, làm quen, ý thức nhất định trong học trực tuyến. Nhưng với học sinh khối 1, 2 và đặc biệt với gia đình mà bố mẹ thiếu quan tâm, hỗ trợ thì kết quả học tập không thể đạt như mong muốn.
Tháo gỡ “hậu” Covid
Đối với việc tháo gỡ chất lượng của học sinh lớp 1 do ảnh hưởng của nghỉ dịch, nghỉ rét…, thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long khẳng định đã sẵn sàng giải pháp.
Theo thầy Tường, đầu tháng 3 sẽ kiểm tra đọc viết từng học sinh, qua đó giáo viên nắm bắt em nào yếu, yếu vấn đề gì thì tập trung bồi dưỡng kiến thức song song với học chương trình mới ngay trên lớp. Mặt khác, đầu tháng 8 trước khi học sinh bước vào lớp 2 sẽ ôn lại kiến thức lớp 1. Và sau khai giảng có 4 tuần củng cố kiến thức và làm quen có thể tận dụng để tiếp tục ôn tập, bảo đảm học sinh nhớ âm vần, đọc và làm toán thạo.
Thầy Tường cũng không loại trừ trường hợp hết tháng 9 học sinh vẫn “non” để vào học lớp 2 thì tiếp tục củng cố kiến thức cũ cho tới khi chắc gốc; tăng thời gian cuối tuần trong 1 tháng để bù dạy chương trình mới.
“Trường quyết tâm giúp 206 học sinh lớp 1 chắc “gốc” tối đa. Bởi nếu không bảo đảm sẽ kéo theo chất lượng dạy học các năm tiếp theo bị đẩy lùi, giáo viên vất vả trong dạy học. Cũng chính vì quyết không để học sinh vào lớp 2 vẫn không đọc thông, viết thạo mà hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính từ việc giám sát chuyên môn, chỉ đạo triển khai đến chọn giáo viên dạy lớp 1... Các khối 2 - 5, có thể giao cho hiệu phó phụ trách”, thầy Tường cho hay.
Cô Khuất Thị Nga cũng cho rằng, học sinh lớp 1 học trực tuyến từ đầu năm và tới nửa học kỳ II mới học trực tiếp thì hiệu quả, chất lượng dạy học không thể như mong muốn.
Do đó, khi quay trở lại học trực tiếp, nhà trường yêu cầu giáo viên có kế hoạch bù lấp, quan tâm sát sao bên cạnh dạy kiến thức mới các môn học. Đặc biệt với 2 môn Toán, Tiếng Việt làm sao để học sinh biết đọc, viết, làm tính theo yêu cầu của chương trình. Một số môn Mỹ thuật, Âm nhạc có thể gửi video hướng dẫn học tập, hoặc dạy 30/35 phút nhưng Toán, Tiếng Việt phải dạy tối đa 35 phút. Việc bù lấp, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 1 được triển khai ngay trong quá trình dạy học trực tuyến và bắt đầu trở về học trực tiếp.
Học sinh lớp 1, khi kết thúc năm học mà kết quả còn “non” để bước vào lớp 2, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với gia đình yêu cầu hỗ trợ tự học, tự đọc tại nhà lúc nghỉ hè. Trường cũng sẽ dành 2 tuần trước tựu trường để củng cố kiến thức căn cốt, giúp học sinh mang tâm thế vững vàng nhất khi bước vào lớp 2.
Qua thực tế dạy học bị ảnh hưởng của dịch bệnh, thầy Phạm Văn Mạnh, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học xã Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa), trao đổi: Học sinh đọc, viết, làm tính cơ bản nhưng có chậm hơn so với dạy học trực tiếp. Song nhà trường đã lên kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh vào 2 tuần của tháng 8 trước khai giảng. Và khi bước vào năm học, tùy theo thực tế học của học sinh có thể dặm lại thêm kiến thức cũ song song dạy kiến thức lớp 2. Có thể dạy lớp 2 buổi sáng, buổi chiều dạy tăng cường kiến thức cũ lớp 1 trong 1, 2 tháng.