Dạy học trong bối cảnh mới: Tránh virus ngoài đời và trên mạng

GD&TĐ - Trong bối cảnh mới, việc tổ chức dạy học thực hiện theo cả phương thức trực tiếp và trực tuyến, các cơ sở giáo dục không chỉ lo an toàn dịch bệnh, mà còn chú ý cả việc bảo đảm an toàn cho HS trên không gian mạng.

Em Nguyễn Hải Phương Trinh, lớp 6B, Trường THCS Tân Định, Hà Nội trong giờ học trực tuyến.
Em Nguyễn Hải Phương Trinh, lớp 6B, Trường THCS Tân Định, Hà Nội trong giờ học trực tuyến.

Mong mỏi của thầy, trò

Khi bắt đầu học theo hình thức trực tuyến, em Nguyễn Hải Phương Trinh, lớp 6B, Trường THCS Tân Định, Hà Nội, cảm thấy mới lạ và lo lắng vì không thành thạo các phần mềm trong học tập. Ngoài việc sợ không tiếp thu kịp những kiến thức thầy cô giảng dạy, em còn thấy buồn vì không được trực tiếp gặp thầy cô và bạn bè. Nhưng sau một thời gian tìm hiểu, được hướng dẫn và học tập, Phương Trinh nhận thấy việc học trực tuyến khá thuận lợi; em vẫn được học tập, tiếp thu kiến thức trong thời gian tạm dừng đến trường.

“Em cảm thấy mình chủ động hơn trong học tập cũng như về thời gian và có thể trao đổi bài với thầy cô và các bạn mà không phải ngại như khi học ở trường. Các thầy cô có nhiều hoạt động trên lớp giúp chúng em không cảm thấy học trực tuyến khó khăn nữa” - Phương Trinh chia sẻ.

Khi học trực tuyến, Phương Trinh cho biết, em được bố mẹ, thầy cô nhắc nhở kiến thức về an toàn, an ninh mạng và cảnh báo những nguy cơ mất an toàn như không được chia sẻ, đăng nhập vào các quảng cáo, đường link có nội dung xấu, phản cảm hay cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ…

Được tổ chức dạy học trực tiếp, nhưng thầy trò Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình có nỗi lo riêng. Thầy Vũ Duy Hùng, giáo viên nhà trường, chia sẻ rằng tâm trạng thấp thỏm là khó tránh vì dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, xuất hiện nhiều ca trong cộng đồng không rõ nguồn lây, biến chứng nguy hiểm...

Nhà trường, giáo viên và học sinh đã thực hiện tốt 5K; tuy nhiên còn nhiều rủi ro. Giáo viên chưa được tiêm vắc-xin; học sinh còn nhỏ, hiếu động, ý thức tự giác và phòng dịch chưa tốt, khó có thể yêu cầu các em đeo khẩu trang cả ngày trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, phụ huynh đông, tiếp xúc phức tạp, chủ yếu trong các công ty; vẫn còn phụ huynh chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí, có trường hợp, người nhà phụ huynh đi từ vùng dịch khai báo y tế không trung thực hoặc không tuân thủ đúng quy định cách ly.

“Thêm nữa, trường ở vùng nông thôn, kinh phí hạn chế, khó khăn trong việc mua và chuẩn bị các trang thiết bị chống dịch như máy đo thân nhiệt, khử khuẩn. Học trực tuyến khi nền tảng kỹ thuật thiếu và yếu cũng là những khó khăn lớn cản trở việc dạy - học trong thời điểm dịch bệnh diễn ra”. Chia sẻ thêm những khó khăn này, thầy Vũ Duy Hùng cho biết, mong muốn lớn nhất của giáo viên và học sinh là dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống quay trở lại bình thường. 

Học sinh Trường THCS Thụy Liên, Thái Bình trong ngày đầu tiên của năm học mới 2021 - 2022.
Học sinh Trường THCS Thụy Liên, Thái Bình trong ngày đầu tiên của năm học mới 2021 - 2022.

An toàn trên không gian mạng

Với tình hình dịch bệnh như hiện tại, dự kiến học sinh Hà Nội sẽ có một thời gian dài học tập trực tuyến. Cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường THCS Tân Định, Hà Nội cùng các đồng nghiệp đã sẵn sàng một lộ trình dài hơi cho hoạt động này. Theo đó, tổ nhóm chuyên môn đã họp, sinh hoạt để xây dựng các bài giảng trước khi bắt đầu năm học mới; bàn rất kĩ về kế hoạch cũng như phương pháp dạy học để tăng tính hấp dẫn của bài học, khơi gợi hứng thú cho học sinh.

Từ kinh nghiệm thực tế, cô Lê Thị Thu Trang cho rằng: Với dạy học trực tuyến, không chỉ học sinh mà bản thân giáo viên cũng luôn phải học hỏi, trau dồi và sáng tạo hơn nữa trong quá trình giảng dạy. Khi không còn cảm thấy dạy học trực tuyến là áp lực, lúc đó, giáo viên đã thành công trong giảng dạy online. “Tôi tự tìm hiểu các phần mềm thiết kế bài giảng, dạy học online, giao bài tập, chương trình mà học sinh có thể tham gia tương tác với giáo viên trong giờ học. Một số phần mềm tôi thấy có thể áp dụng mang lại hiệu quả như Google Classroom, Padlet, Canva…” - cô Trang chia sẻ.

Cho rằng, giáo viên nào cũng mong triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, giúp học sinh nắm vững tri thức và kĩ năng, cô Lê Thị Thu Trang đồng thời lưu ý đến nguy cơ thiếu an toàn trên không gian mạng. Để khắc phục những nguy cơ trên, theo cô Trang, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là hết sức cần thiết. Giáo viên sẽ chọn những nền tảng an toàn, phần mềm giáo dục uy tín để giảng dạy.

Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng nên giáo dục cho học trò về an toàn và sử dụng Internet một cách văn minh. “Một yếu tố rất quan trọng là gia đình hãy quan tâm các con hơn nữa, sát sao tình hình học tập của con và hướng dẫn con sử dụng mạng Internet đúng mục đích. Khi nhận được sự quan tâm, trách nhiệm từ gia đình, nhà trường, các con sẽ phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh” - cô Lê Thị Thu Trang cho hay.

Tại Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, giải pháp bảo đảm an toàn trên môi trường mạng khi dạy học trực tuyến rất được quan tâm. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Yến cho biết, nhà trường lựa chọn sử dụng các phần mềm dạy học có bản quyền, độ tin cậy cao, như các ứng dụng của Microsoft Office 365 cụ thể: Teams, Form…

Thực hiện đồng bộ tài khoản sử dụng cho toàn bộ học sinh, hướng dẫn sử dụng chi tiết; cài đặt chế độ bảo mật, xác thực tài khoản... “Bên cạnh quan tâm giáo dục học sinh sử dụng an toàn trên mạng Internet thông qua các chuyên đề, tiết sinh hoạt lớp, nhà trường đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, hướng dẫn cài đặt chế độ theo dõi máy tính của con, lưu ý con khi sử dụng thiết bị điện, ổ cắm...” - cô Hoàng Thị Yến cho hay.

Tương tự, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho hay: Trong 3 lần họp trực tuyến để triển khai nội dung về xây dựng kế hoạch “Dạy học hiệu quả - Bảo đảm an toàn Covid-19” và xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác dạy học trực tuyến, qua truyền hình bậc trung học năm học 2021 - 2022, Sở đều lưu ý các trường lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp học tập trực tuyến để bảo đảm an toàn, bảo mật cho người dạy, người học.

Cùng với đó, Sở yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phân công giáo viên Tin học hoặc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dành ra tiết đầu tiên để hướng dẫn học sinh các kỹ năng học trực tuyến, giữ gìn an toàn bản thân, an toàn thông tin; đồng thời, chia sẻ các clip hướng dẫn học sinh, phụ huynh sử dụng công nghệ thông tin để học trực tuyến. Sở cũng yêu cầu các trường tổ chức họp phụ huynh (trực tuyến/trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại) để hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ học sinh học tập ở nhà.

“Hiện, Vĩnh Long được Viettel, VNPT và Mobifone cam kết hỗ trợ miễn phí các phần mềm học trực tuyến như K12Online, VnEdu... và được giáo viên sử dụng khá hiệu quả” – ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.

Lớp học trực tuyến của cô Lê Thị Thu Trang, GV Trường THCS Tân Định, Hà Nội.
Lớp học trực tuyến của cô Lê Thị Thu Trang, GV Trường THCS Tân Định, Hà Nội.

Tăng cường phòng dịch tại vùng xanh

Với những trường học thuộc “vùng xanh”, học sinh được đến trường, ý thức phòng dịch để bảo đảm an toàn luôn được đặt lên cao nhất.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ, cho biết: Nhà trường hiện vẫn nằm trong vùng tương đối an toàn nên tranh thủ thời gian vàng để tổ chức dạy học trực tiếp. Công tác phòng dịch Covid-19 được đặc biệt quan tâm với các việc như:

Kiện toàn Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và xây dựng kế hoạch hoạt động rõ ràng trong buổi học; trước và sau buổi học đều tổ chức lau, dọn vệ sinh trong và ngoài lớp học; trang bị đầy đủ nước sát khuẩn trong lớp; xà phòng rửa tay các khu vệ sinh; đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào khu vực trường. Giữa các buổi học duy trì buổi phát thanh tuyên truyền về phòng chống Covid theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tổ chức dạy học từ 6/9, các trường học tại Hưng Yên đã lập kế hoạch, chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện để dạy học trực tuyến cho khối 2 - 12. Khối lớp 1 tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch. Theo ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, trong quá trình tổ chức cho học sinh lớp 1 đến trường, các nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh theo dõi sức khỏe của các em.

Phụ huynh kiểm tra sức khỏe cho các em trước khi đến trường; đeo khẩu trang, vệ sinh, sát khuẩn cho học sinh trong thời gian từ nhà đến trường, ở trường và từ trường về nhà; phối hợp để đưa đón học sinh bảo đảm giãn cách, không tụ tập đông người trước cổng trường. Các nhà trường thực hiện việc chia ca sáng - chiều, chia lớp, bố trí chỗ ngồi giãn cách trong lớp theo quy định. Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch bảo đảm an toàn trường học; thực hiện nghiêm túc quy trình phòng chống dịch trong quá trình tổ chức cho học sinh đến trường.

Trong tình huống vừa học vừa chống dịch như hiện nay, thầy Hùng (Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình) mong rằng, các cấp chính quyền, cơ quan y tế quản lý thật tốt những người đi từ vùng dịch về địa phương với biện pháp cách ly quyết liệt để giữ an toàn cho học sinh.
Cùng với đó, giáo viên phải được tiêm vắc-xin đủ theo quy định và kịp thời. Học sinh thường xuyên được test Covid-19, nhất là em có phụ huynh nguy cơ cao, nhằm khoanh vùng chính xác, tạo vùng xanh an toàn cho các con. Nhà trường được hỗ trợ các phương tiện chống dịch, đồng thời giáo viên được tập huấn những kỹ thuật: Lấy mẫu test nhanh, truy vết nếu trong trường xuất hiện F0, F1, F3…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.