Dạy học trải nghiệm với xe buýt 2 tầng: Cách làm sáng tạo của cô giáo Hà thành

GD&TĐ - Trải nghiệm để học tập với xe Bus 2 tầng là cách làm hay của Cô Phạm Phương Chi - giáo viên Trường THCS Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) khi kết hợp hoạt động ngoại khoá với lồng ghép kiến thức liên môn.

Từ xe Bus 2 tầng, học sinh hào hứng ngắm nhìn phố phường từ những góc vừa quen, vừa lạ.
Từ xe Bus 2 tầng, học sinh hào hứng ngắm nhìn phố phường từ những góc vừa quen, vừa lạ.

Từ ý tưởng “lên dây cót tinh thần” cho học trò

Là một giáo viên dạy Ngữ văn, nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, cô Phạm Phương Chi luôn hấp dẫn học trò bởi sự sáng tạo, đổi mới không ngừng trong công tác dạy học. Cô Phương Chi cho biết: Trải nghiệm để học tập với xe Bus 2 tầng quanh thành phố là ý tưởng chợt đến khi dịch vụ này đang có Chương trình “khuyến mại khủng”, nhằm lên dây cót tinh thần cho học trò dịp chuẩn bị kết thúc năm học và giúp các em có trải nghiệm thực tế bổ ích.

Ý tưởng dạy học trải nghiệm kết hợp "chơi mà học" được cô Phương Chi chia sẻ với các phụ huynh kèm kế hoạch tổ chức, ý nghĩa cụ thể đã nhanh chóng nhận được ủng hộ nhiệt tình.

“Sau khi giáo viên trao đổi ý tưởng, các bố mẹ đã thống nhất quan điểm, tìm hiểu thêm và lên kế hoạch cho chuyến đi. Song song với đó, giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha mẹ học sinh xin phép Ban giám hiệu nhà trường, nhờ sự tư vấn và hỗ trợ thêm của BGH cũng như các thầy cô giáo phụ trách Đoàn Đội tại trường để xây dựng cho các con một chuyến đi hoàn hảo”, cô Phương Chi chia sẻ về tiến trình triển khai kế hoạch trải nghiệm.

Học sinh tranh thủ ghi chép lại những thông tin cần thiết.
Học sinh tranh thủ ghi chép lại những thông tin cần thiết.

Theo cô Phương Chi, những hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp luôn luôn là thú vị và hấp dẫn với học trò. Tuy nhiên, làm gì, ở đâu, trải nghiệm thế nào là những câu hỏi được các nhà trường cũng như các thầy cô giáo chủ nhiệm rất quan tâm.

Xe Bus 2 tầng dạo quanh phố cổ Hà Nội ngay khi mới xuất hiện đã làm “rung rinh” trái tim của những người yêu Hà Nội. Và nhân dịp này, khi dịch vụ này có chương trình ưu đãi đặc biệt, cô giáo Phạm Phương Chi và học trò không bỏ lỡ những trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình này.

“Khi thời tiết Hà Nội không còn quá lạnh mà cũng chưa kịp oi bức, nhân lúc học trò vừa trải qua đợt kiểm tra giữa học kỳ 2, lại thêm sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh và sự tạo điều kiện, cho phép của Ban Giám hiệu, cô trò chúng tôi đã có một chuyến trải nghiệm tuyệt vời, đúng nghĩa “ngon – bổ - rẻ” và vô cùng đáng nhớ”, cô Phương Chi chia sẻ.

Lễ dâng hương, tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ tại Nhà tù Hoả Lò.
Lễ dâng hương, tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ tại Nhà tù Hoả Lò.

Những ý nghĩa bất ngờ từ chuyến trải nghiệm

Cô Phương Chi kể: Mục đích ban đầu của hành trình là để học trò thấy yêu mến hơn thành phố của mình, đồng thời, lớp 7A4 cũng chọn một điểm dừng tham quan là Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò, địa danh nổi tiếng bởi đã từng giam giữ rất nhiều các nhà cách mạng lớn của Việt Nam trong chiến tranh.

Chọn đến tham quan “Trường học yêu nước và cách mạng” này cũng là cách truyền cho học trò tình yêu, niềm tự hào dân tộc và sự biết ơn các thế hệ cha ông đã hi sinh cho đất nước. Đây cũng chính là một trong những cách để giúp học trò hiểu hơn và yêu hơn mỗi giờ Lịch sử, để từ trang sách, trò hình dung được những năm tháng đau thương nhưng hào hùng của dân tộc ta.

Chụp ảnh lưu niệm tại Trạm giao liên Trường Sơn.
Chụp ảnh lưu niệm tại Trạm giao liên Trường Sơn.

Trong hơn 3 tiếng đồng hồ, được ngắm phố phường, được nghe thuyết minh từ hệ thống tai nghe có sẵn trên xe buýt, được sử dụng wifi miễn phí của City tour, cả cô trò và các bố mẹ tham gia đều thấy vô cùng thú vị. Chuyến du lịch vòng quanh Hà Nội, ngắm nhìn cảnh quan từ tầng 2 của xe buýt là một trải nghiệm thực sự rất lạ lẫm: Hồ Hoàn Kiếm, Nhà thờ Lớn, Cột cờ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Trấn Quốc, Di tích nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long,... Tổng cộng đoàn đã có 13 điểm dừng đều là những danh thắng nổi tiếng của Hà Nội.

Và trong số đó, Di tích Lịch sử Nhà tù Hoả Lò chính là một điểm dừng đầy ý nghĩa. Sau phần dâng và tưởng niệm đầy xúc động, cô và trò 7A4 được nghe giới thiệu về khu di tích, những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, xem tái hiện lại không gian đường Trường Sơn và trải nghiệm sinh động không khí chiến tranh, không gian chiến trường, chui vào hầm trú ẩn, tham quan các buồng giam, máy chém cũng như các khổ hình mà các chiến sĩ ta đã phải chịu trong thời gian tù đày. Sau những phút lắng đọng để cảm nhận và trân trọng sự hi sinh của lớp lớp thế hệ cha ông thì cả cô, trò và các bố mẹ cùng hát ca, thưởng thức nước chè xanh, lương khô….

Nghe kể về cuộc “Đại vượt ngục” và con đường vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng yêu nước tại nhà giam Hoả Lò năm 1945.
Nghe kể về cuộc “Đại vượt ngục” và con đường vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng yêu nước tại nhà giam Hoả Lò năm 1945.
“Tôi thực hiện hoạt động Ngoại khoá này từ ý tưởng “Lên dây cót tinh thần” cho học trò thông qua Trải nghiệm thực tế. Hoạt động này vừa tăng thêm kiến thức môn Lịch sử (truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân ta), môn GDCD (giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc), vừa giúp học trò yêu hơn mảnh đất Hà Nội gắn bó thân thuộc với mình, đồng thời có thêm những trải nghiệm cuộc sống.
Sau buổi trải nghiệm, học sinh có những chia sẻ về chuyến đi bằng bài viết, nêu cảm nhận từ góc độ cá nhân – đó là trải nghiệm với môn Văn học. Kết thúc hành trình nhưng những dư âm của một buổi sinh hoạt ngoại khoá xúc động vẫn còn mãi trong lòng cô trò lớp 7A4. Đó là những ý nghĩa vượt xa kỳ vọng ban đầu khi lập kế hoạch thực hiện chuyến trải nghiệm 180 phút”, cô giáo Phạm Phương Chi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ