Dạy học trải nghiệm kết hợp liên môn: Trang bị khả năng tư duy độc lập

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới sắp tới đưa nội dung dạy học trải nghiệm vào dạy ở các khối lớp. Phương pháp dạy học trải nghiệm kết hợp dạy học liên môn sẽ trang bị cho HS khả năng tư duy độc lập để các em chủ động tìm lời giải cho các vấn đề trong các môn học đồng thời biết vận dụng các kiến thức này vào thực tế cuộc sống.

HS tham gia làm thí nghiệm.
HS tham gia làm thí nghiệm.

Bắt đầu từ kiến thức thực tế

Trong dạy học trải nghiệm, người học sẽ được tham gia tích cực vào việc đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề để từ đó lĩnh hội, khắc sâu kiến thức. Bởi vậy, để các em HS cọ xát, nắm được vấn đề, các bài giảng của giáo viên thường được bắt đầu từ thực tế.

Cô giáo Ngô Mỹ Châu, Nhóm trưởng Nhóm Vật lý Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết: Hướng tới vấn đề đổi mới phương pháp dạy học theo CTGDPT mới, việc dạy học theo hướng nghiên cứu bài học được thống nhất chung trong tổ bộ môn của nhà trường. Trên cơ sở nghiên cứu các hoạt động trải nghiệm, những thí nghiệm nào cần thiết trong bài giảng, giáo viên sẽ đưa ra các nội dung để thiết kế bài dạy phù hợp với hoạt động của HS. Các tiết học áp dụng tối đa việc dạy học thông qua hình thức trải nghiệm, nhằm giúp các em có cơ hội tiếp cận kiến thức bắt đầu từ thực tế. Thông thường giáo viên sẽ chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm, các phiếu học tập để học sinh chuẩn bị cho bài học sắp tới.

Tiết học bắt đầu bằng hoạt động khởi động với các câu hỏi nhằm hướng học sinh vào bài học. Với những tiết học có thể sử dụng thí nghiệm, các GV yêu cầu học sinh thực hiện thí nghiệm theo hướng dẫn, sau đó mới đặt vấn đề vào bài học liên quan.

“Việc học sinh được trải nghiệm qua quá trình quan sát thực tế cùng với số liệu khi làm thí nghiệm sẽ giúp học sinh khắc sâu kiến thức. Bài giảng nhờ đó hấp dẫn vì thu hút được học sinh. Tuy nhiên, khó khăn trong dạy học bằng phương pháp trải nghiệm là hạn chế về thời gian, nên việc gợi ý HS quan sát, tìm hiểu thực tế khi ở nhà là hết sức cần thiết. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng cần linh hoạt thiết kế các thí nghiệm cho phù hợp với điều kiện của lớp học”, cô Mỹ Châu chia sẻ.

Kết hợp dạy học liên môn

Theo cô giáo Ngô Mỹ Châu, việc giảng dạy trong thực tế nhiều năm qua cho thấy: Tích hợp kiến thức giữa các môn học vào giải quyết một vấn đề nào đó trong một môn học là việc làm cần thiết. Điều đó đòi hỏi giáo viên khi giảng dạy không chỉ nắm bắt nhuần nhuyễn kiến thức bộ môn mình giảng dạy mà còn phải học hỏi, trau dồi kiến thức của những bộ môn học khác, để giúp HS giải quyết các tình huống, vấn đề đặt ra trong môn học nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Cô giáo Ngô Mỹ Châu. Ảnh: TG

Trên thực tế giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Bạch Yến, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên - Công nghệ, Trường THCS Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho rằng: “Trong bộ môn Hóa học của mình, tôi luôn cố gắng tìm mối liên hệ giữa các môn học nhằm giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn. Dạy học liên môn giúp học sinh tăng khả năng tìm tòi, khám phá.

Tôi cũng cho các em tìm hiểu kiến thức ở các bộ môn khác; chẳng hạn như: Ở môn Sinh học, học sinh biết được quá trình quang hợp của cây xanh trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ở môn Công nghệ là cách thu hoạch và bảo vệ nông sản, vệ sinh chuồng nuôi trong chăn nuôi. Ở môn Giáo dục công dân là ý thức bảo vệ môi trường và xử lý tình huống gặp phải liên quan đến bảo vệ môi trường.

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trà An luôn đánh giá cao vấn đề dạy học liên môn. Bởi các môn học sẽ hỗ trợ rất tốt trong quá trình hình thành nội dung kiến thức và các kỹ năng cho người học. Học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện hơn.

Cô Phương cho biết: Để đáp ứng CTGDPT mới, với việc dạy học theo hướng liên môn, BGH nhà trường bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên đã chia tách lại các tổ bộ môn cho phù hợp. Tiêu chí chia tách dựa trên các đặc điểm: Mối liên hệ tương quan giữa các môn học để làm sao các môn học này có sự gắn kết cùng tác động tích cực lẫn nhau với mục tiêu nâng cao năng lực và phát triển toàn diện cho học sinh. Theo đó, các tổ được cơ cấu bao gồm Tổ KHTN (gồm Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), Tổ KHXH (gồm Sử, Địa,) Tổ Hoạt động giáo dục (gồm Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật), Tổ Văn -GDCD, Tổ Toán - Tin.

Trong quá trình giảng dạy, việc tích hợp kiến thức liên môn vào một môn học nào đó là việc làm cần thiết, có hiệu quả rõ rệt đối với học sinh. Khi tích hợp kiến thức liên môn giúp các em không chỉ giỏi một môn mà còn biết kết hợp kiến thức các môn học lại với nhau để có cái nhìn thấu đáo hơn, trở thành một con người phát triển toàn diện. Đồng thời, việc thực hiện những sản phẩm này sẽ giúp giáo viên không ngừng trau dồi kiến thức của các môn học khác để dạy bộ môn mình tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn. 
                                                 Cô Ngô Mỹ Châu, GV bộ môn Vật lý
                                           Trường THCS Chu Văn An, TP Cần Thơ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.