Chia sẻ kinh nghiệm này, cô Vương Thị Thùy (Trường tiểu học Viên Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng: một bài không nhất thiết hoạt động nào cũng tổ chức hoạt động theo nhóm, mà cần tuỳ vào yêu cầu để áp dụng hoạt động nhóm sẽ có hiệu quả cao hơn.
Với các chủ đề ở lớp 1, 2, 3
Lớp 1,2,3, với các chủ đề tìm hiểu: Thường thức Mỹ thuật - Tập nặn tạo dáng, theo cô Vương Thị Thùy, nên tổ chức hoạt động nhóm ở các bước quan sát, nhận xét - thực hành thì chắc chắn học sinh sẽ có những sản phẩm đẹp, cụ thể:
Chủ đề thiên nhiên tươi đẹp - Lớp1:
Một bức vẽ của học sinh Trường tiểu học Viên Sơn |
Giáo viên đặt câu hỏi: Tranh phong cảnh khác những thể loại khác ở điểm nào?
Với câu hỏi dạng này, để giáo viên chốt lại vấn đề của bài thì học sinh lớp 1 sẽ gặp khó khăn. Nếu tổ chức hoạt động nhóm, có thể học sinh sẽ có câu trả lời đúng ý giáo viên cần: Các em hãy thảo luận nhóm đôi trong vòng 3 phút và cho biết tranh phong cảnh khác với các loại tranh khác ở điểm nào?
Chủ đề Tập nặn tạo dáng tự do: Nặn hoặc vẽ, xé dán con vật - Lớp 2:
Giáo viên đưa yêu cầu: Hãy dùng giấy màu, xé hình con vật mà em yêu thích?
Học sinh sẽ thực hiện yêu cầu trên theo các hướng sau: Xé dán 1 con vật; xé dán nhiều con vật (có thể kèm theo các hình ảnh phụ cho sinh động).
Nếu học sinh xé dán một con vật thì sau 15 phút có thể hoàn thành, nhưng nếu học sinh xé dán nhiều con vật (thành nhóm, thành đàn...) thì cũng khoảng thời gian ấy không thể hoàn thành.
Vậy để học sinh hoàn thành sản phẩm đúng thời gian có hiệu quả, giáo viên có thể đưa nhóm 4 cùng làm. Lệnh: Với nhóm 4 người các em có thể xé dán một con vật hoặc nhiều con vật theo ý thích với thời gian 10 phút, 10 phút bắt đầu. Sau 10 phút chắc chắn sẽ có sản phẩm để giáo viên nhận xét.
Chủ đề về màu sắc - Vẽ màu vào hình có sẵn - Lớp 3:
Giáo viên hỏi: Các em chọn màu như thế nào để tô vào nền? Chọn màu gì để tô vào hình ảnh chính, hình ảnh phụ của tranh?
Yêu cầu ở phần thực hành: Hãy tô màu theo ý thích vào hình có sẵn.
Các câu hỏi và yêu cầu trên nếu gắn vào nhóm thì học sinh thực hiện một cách dễ dàng và có hiệu quả hơn, đặc biệt là phần tô màu sẽ có nhiều bài có màu sắc đa dạng khác nhau và sẽ hoàn thành đúng thời gian quy định.
Với các chủ đề ở lớp4, 5
Ở các lớp 4, 5, với dạng bài Vẽ tranh đề tài - Thường thức mĩ thuật - Tập nặn tạo dáng.
Chủ đề về : Đề tài trường em - Lớp 4:
Học sinh sẽ phải vẽ hình ảnh chính là các bạn học sinh (vẽ người) đây là một yêu cầu khó với các em học sinh.
Phần thực hành vẽ có thể chia nhóm 4 để học sinh cùng vẽ tranh, trong nhóm sẽ có em vẽ được hình người, hoặc mỗi bạn vẽ một hình người với dáng vẻ khác nhau thì tranh sẽ thêm sinh động.
Chủ đề xem tranh của họa sĩ: Xem tranh của hoạ sĩ - Lớp 5:
Hỏi: Bức tranh vẽ về đề tài nào? Trong tranh có những hình ảnh nào? Đâu là hình ảnh chính, đâu là hình ảnh phụ?
Nếu tách các câu hỏi như trên thì sẽ mất thời gian, phân tán sự quan sát của học sinh vì những lần giáo viên đặt câu hỏi. Giáo viên có thể ghi câu hỏi trên vào bảng phụ hoặc phiếu học tập giao cho nhóm thảo luận, các em có thời gian quan sát nhiều hơn, cùng bàn luận, cùng quan sát sẽ không để sót những chi tiết cốt lõi, nổi bật của bức tranh.
Yêu cầu với giáo viên
Để có một giờ dạy Mỹ thuật hiệu quả, cô Vương Thị Thùy cho rằng, người thầy giáo phải nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của mình. Ngoài nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, giáo viên cần phải tìm tòi tổ chức giờ học trở nên hấp dẫn, thú vị và lôi cuối học sinh bởi đây là môn học có tinh hình tượng cao.
Cụ thể, giáo viên cần chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học (sưu tầm tranh, phân loại tranh, các vật mẫu, đồ dùng thật); cho học sinh quan sát tham quan dã ngoại, ngắm phong cảnh thật; khuyến khích học sinh tự làm đồ dùng trong tiết học…
Giáo viên cũng lưu ý sử dụng linh hoạt các phương pháp trong các tiết dạy. Trong đó, chú trọng phương pháp đặc trưng của từng bài dạy; phương pháp thảo luận nhóm; tổ chức trò chơi; tổ chức thêm các tiết học ngoại khoá ngoài trời ...
Về phía nhà trường, yêu cầu các đồ dạy học phong phú, vật mẫu đáp ứng nhu cầu trực quan, quan sát trên tiết học. Có các chân dung, tượng thạch cao…có các bản vẽ, giá vẽ giúp các tiết thực hành tốt.
Học sinh phải vẽ trên khổ giấy A3,A4… Đóng lại thành tập cho những bài vẽ xong, dụng cụ vẽ phải đầy đủ (chì, tẩy, màu, giấy bìa màu, giấy màu, hồ dán, kéo,…) có thể sử dụng nhiều loại màu có bảng vẽ và các kẹp giấy dùng trong các tiết ngoại khoá.