Linh hoạt, tự chủ… để gỡ khó
Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai – Trường TH Nông Nghiệp (Gia Lâm – Hà Nội)- Người có 20 năm kinh nghiệm đồng hành cùng HS lớp 1 đồng thời cũng là người dạy minh họa 4 tiết Tiếng Việt của bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cho NXB Giáo dục Việt Nam. Tại trường TH Nông Nghiệp đã chọn bộ sách “Kết nối tri thức” để giảng dạy trong chương trình lớp 1. Như vậy cô Đỗ Thị Hoàng Mai đã trực tiếp dạy 2 bộ sách trong 5 bộ sách được thẩm định và cũng đồng hành cùng HS lớp 1 thời gian quan.
Cô Đỗ Thị Hoàng Mai cho rằng việc một số GV lúng túng, gặp khó khăn khi tiến hành giảng dạy; PHHS cảm thấy áp lực khi dạy con tại nhà… là điều khó tránh khỏi vì việc dạy học lớp 1 mới chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn lại có nhiều điểm mới.
Mặt khác, cô Đỗ Thị Hoàng Mai cũng lý giải khách quan: GV do đã đồng hành với chương trình cũ trong một khoảng thời gian khá dài, cần có thời gian để dần thay đổi. “Dường như GV có một thói quen ăn mòn trong suy nghĩ, khi thay đổi họ cảm thấy ngỡ ngàng, khó hòa nhập. GV quen có một chương trình sẵn áp đặt trước, lệ thuộc vào SGK, sách GV trong khi SGK không còn là pháp lệnh như trước nữa. GV có quyền chủ động điều tiết lượng kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của HS trong lớp mình”- Cô Mai bày tỏ.
Theo cô Mai, mặc dù đã được tập huấn nhưng vẫn còn GV chưa nắm chắc điểm mới của CTGDPT 2018. CT và SGK 1 không quy định chuẩn đầu ra cho từng bài học, cho từng tuần học, từng tháng mà quy định chuẩn đầu ra cho môn học trong năm học đó. Do đó, tùy thuộc vào đối tượng HS, tùy điều kiện cụ thể của nhà trường, GV lớp 1 cùng với BGH cần xây dựng kế hoạch môn học sao cho sát với điều kiện thực tế và đặc biệt là phù hợp với đối tượng HS.
“Phải chăng GV thấy nặng vì quá tập trung vào việc rèn cho HS viết đẹp? Theo tôi, để đảm bảo mục tiêu phát triển cho HS cả 4 kĩ năng đọc, viết, nói nghe thì GV lớp 1 cần thay đổi. Chỉ yêu cầu HS viết đúng, dễ nhìn, dễ đọc là được?. Còn lại để dành thời gian cho việc phát triển kĩ năng đọc, nghe, nói cho các con thì tốt hơn. Nếu trả lời được câu hỏi này GV lớp 1 sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không còn bị áp lực mỗi khi lên lớp”. Cô Mai trao đổi.
Cô Nguyễn Thị Huệ - GV giảng dạy lớp 1 trường PTDTBT TH Tả Giàng Phìn (thị xã Sa Pa – Lào Cai) cũng chia sẻ kinh nghiệm đã áp dụng hơn 1 tháng qua.
Với một số khó khăn như: 100% là HS dân tộc thiểu số; Phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến con trong việc học tập; Vốn tiếng Việt của HS dân tộc còn hạn chế, môi trường giao tiếp Tiếng Việt ít (ngoại trừ nhà trường)… Mặt khác, không có 2 tuần làm quen nên HS không chỉ khó khăn trong việc cầm bút, sử dụng sách vở đồ dùng học tập mà nhiều em chưa nhớ được các chữ cái…
Chính vì vậy, bản thân là GV trực tiếp giảng dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Huệ tự đặt ra cho bản thân phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc giúp HS bắt kịp chương trình và tiến bộ trong quá trình học tập.
Một mặt, cô đã tích cực tự học, tự bồi dưỡng thêm về Tiếng Mông của HS để giao tiếp và dạy học cho HS thuận lợi hơn, dễ hiểu hơn. Mặt khác, trong quá trình dạy học môn Tiếng Việt cô Nguyễn Thị Huệ chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với từng bài, từng tuần, với đối tượng HS. Ví dụ, trong SGK dạy âm trong 4-5 tuần đầu là xong nhưng bản thân cô đã chủ động dành 7 tuần để dạy.
Cô Huệ đã tách những âm ghép cho HS dễ nhớ, dễ học. Cách dạy này giúp HS học đến đâu chắc đến đó. Trong phần nghe nói, chủ yếu là luyện theo mẫu, nói theo mẫu, GV chính là người làm theo mẫu để HS nhắc lại.
Đặc biệt, GV chủ động khai thác học liệu điện tử cho HS quan sát hình ảnh trên máy tính, giải nghĩa bằng hình ảnh, hành động; Khuyến khích HS nói Tiếng Việt tại lớp học và gia đình; GV sử dụng đồ dùng dạy học trực tiếp từ các nguyên vật liệu tại địa phương, gần gũi với HS dân tộc như bắp ngô, quả su su…
Với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo trên nên việc dạy học của cô Nguyễn Thị Huệ dù có và còn khó khăn nhất định nhưng cô không áp lực trong quá trình dạy học. HS của cô học tới đâu chắc tới đó.
Giúp HS phát huy thế mạnh
Theo cô Đỗ Thị Hoàng Mai, một điểm mới mà GV cần nắm chắc đó là: Chương trình mới chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực, do đó GV phải là người truyền cảm hứng để HS được bộc lộ, phát huy khả năng, sở trường, thế mạnh của mình.
GV không nên kỳ vọng, áp đặt tất cả học trò lớp mình đều phải đến một đích giống nhau mà phải hiểu rõ mỗi học trò có điểm xuất phát khác nhau, có những năng lực đặc thù riêng. Không nên bắt con cá phải leo cành cây, chấp nhận con có thể học chưa tốt môn Tiếng Việt, môn Toán nhưng con có mơ ước làm họa sĩ… Thầy cô phải là người tìm và giúp các con phát huy thế mạnh.
Chương trình được triển khai theo hướng mở, GV được giao quyền tự chủ về nội dung, chương trình cũng như phương pháp dạy, việc thiết kế bài giảng, GV có thể chắt lọc, lựa chọn những gì tinh túy nhất của cả năm bộ sách để đưa vào bài giảng của mình. Cần phải mạnh dạn, tự tin đừng sợ mình làm sai, đừng hoang mang và tích cực đổi mới sáng tạo, truyền năng lượng, cảm hứng cho trò để trò yêu thích môn học, làm cho trò thích mình mà học, đừng để trò sợ mình mà học. Hãy sáng tạo, truyền cảm hứng cho trò từ những điều nhỏ nhất, bình dị nhất, hãy chú trọng hoạt động khởi động cho 1 ngày học, 1 tiết học học mới…
Mặt khác, một trong những điểm mới của thông tư 27 (Đánh giá HS Tiểu học) mới ban hành và có hiệu lực từ 20/10/2020 đó là đánh giá sự tiến bộ của HS, vì sự tiến bộ của HS và đề kiểm tra được thiết kế thay vì 4 mức như trước chỉ còn 3 mức. Nếu nghiên cứu và nắm chắc được những điểm mới này thì thầy cô lớp 1 sẽ thấy giảm áp lực đi rất nhiều.
GV là cầu nối tri thức
Theo quan điểm của cô Đỗ Thị Hoàng Mai, một số phụ huynh có con đầu lòng học lớp 1, chưa hiểu được mục tiêu của bài học, chương trình, cảm thấy áp lực... Để giải quyết vấn đề này, GV cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, là cầu nối giữa gia đình và nhà trường.
Cách đánh giá của GV cần linh hoạt. Mọi lời nhận xét, tin nhắn của GV gửi về cần hết sức tinh tế khéo léo và cẩn trọng để giảm đi áp lực đối với phụ huynh khi dạy con ở nhà.
GV có thể cho các con hoàn thành bài tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà. Đối với những HS có khả năng nắm bắt chậm, GV chỉ yêu cầu các con ôn lại bài cũ để các con nắm chắc hơn kiến thức mà thôi…
Với vai trò là những người đi gieo hạt ước mơ, thầy cô hãy là người “nhóm lửa, giữa lửa và truyền lửa” trong các bài giảng của mình.
Cô Đỗ Thị Hoàng Mai cũng khẳng định: Phải thay đổi cả quan điểm lẫn phương pháp dạy học truyền thống là công việc cần nhiều thời gian, ngoài sự nỗ lực GV cần có sự hỗ trợ tích cực từ đồng nghiệp, các cơ quan quản lí chuyên môn và sự chia sẻ của phụ huynh. GV không chỉ cần được tập huấn về lý thuyết mà điều cần nhất vào thời điểm này là được tổ chức, hỗ trợ cho các kĩ thuật dạy học cụ thể để nắm bắt kịp thời cách dạy với hướng giáo dục phát triển tư duy mới.