Dạy học theo CT và SGK lớp 1 mới: Đọc thông, viết thạo cần có quá trình

GD&TĐ - HS lớp 1 đã bước vào học tập gần 2 tháng. Vẫn còn những bỡ ngỡ, vấp váp… tuy nhiên, GV đang trực tiếp dạy học lớp 1 cho rằng điều này không đáng lo lắng. Cha mẹ cần hiểu biết để kếp hợp cùng GV kèm cặp hiệu quả.

Dạy học theo CT và SGK lớp 1 mới: Đọc thông, viết thạo cần có quá trình

Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã trao đổi xung quanh vấn đề trên.

Hiểu đúng về dạy học lớp 1

Theo ông Nguyễn Duy Hải, các bậc cha mẹ cần biết, lớp 1 là nền móng của tiểu học, khi ở cấp học mầm non hoạt động vui chơi là chủ đạo, nay bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo. Do vậy các em phải làm quen từng bước nề nếp học tập, quy định của cô giáo như: Tư thế ngồi học, tư thế viết, cách cầm bút, chú ý trong học tập. Để làm tốt điều này rất cần sự quan tâm phối hợp giữa cha mẹ với GV iên chủ nhiệm.

Mặt khác, chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, trẻ học cả ngày, các kiến thức cơ bản đã hoàn thành tại lớp. Bởi vậy, các bậc cha mẹ không nên lo lắng chuyện học thêm cho con.

Ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà cần dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe. Thời gian tối gia đình cho con vừa ôn luyện vừa trò chuyện vừa chơi vui với con.

Cha mẹ cũng cần chú ý, mục tiêu của dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho HS.

Cùng đó hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục HS của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

Định hướng đổi mới chương trình lớp 1 là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Theo đó, HS học tập tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân HS được chú trọng.

Cần tạo niềm vui cho trẻ trong học tập
Cần tạo niềm vui cho trẻ trong học tập

Cha mẹ HS cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục HS, cùng vui chơi và cùng học với bé lúc ở nhà thông qua một số hình thức học tập trải nghiệm.

Cần tạo được môi trường gia đình ấm áp, cùng với môi trường giáo dục nhà trường thân thiện và xã hội an toàn, đem đến niềm vui cho trẻ là điều nên làm.

Phụ huynh cũng có thể yên tâm vì những âm chữ hoặc vần mới các em không chỉ được học ở một bài học mà liên tục được thực hành, ôn tập trong một chuỗi các bài học tiếp đó.

Về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính các em học sinh. Trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước. Điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có những em đã biết chữ trước và có em chưa biết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của GV.

Phối hợp chặt chẽ gia đình – nhà trường

Ông Nguyễn Duy Hải cho rằng, một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên thành công của triển khai CT và SGK mới đó là công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ HS.

Giai đoạn trẻ mới vào lớp 1 chưa quen các hoạt động học tập, do vậy cha mẹ cần phối hợp và trao đổi thường xuyên với GV chủ nhiệm để có các biện pháp giáo dục hợp lý, tất cả các thông tin phải kịp thời, thông suốt, bất kể việc gì xảy ra cần phải bình tĩnh tìm cách giải quyết, tránh nôn nóng làm ảnh hưởng tới các em.

Trẻ cần có quá trình để khẳng định năng lực trong học tập
Trẻ cần có quá trình để khẳng định năng lực trong học tập

Các bậc cha mẹ HS cần phối hợp cùng nhà trường để giúp các em trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái. Ví dụ để tăng cường kỹ năng đọc cho các em bố mẹ có thể mua cho các em những cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc truyện và hình thành thói quen đọc sách.

Giai đoạn mới vào học lớp 1, nhất là học kỳ 1, GV hầu như không chấm điểm và rất ít khi ghi nhận xét vào vở vì các em chưa biết đọc biết viết. Giai đoạn này GV chủ yếu nhận xét bằng lời và quan tâm giúp đỡ các em trực tiếp tại lớp.

Do đổi mới không chấm điểm thường xuyên ở lớp, vì vậy cha mẹ không thể hỏi: Hôm nay con được mấy điểm? điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con em mình, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời các tiến bộ của con dù nhỏ nhất, những băn khoăn của con cần giải thích của cha mẹ và cô giáo.

Một trong những giải pháp để giúp HS không sợ học, không áp lực với việc học là không giao thêm và ép HS thực hiện quá nhiều nhiệm vụ học ở nhà.

Việc giúp HS đọc thông, viết thạo cần có quá trình, không thể nóng vội, các bậc cha mẹ không quá lo lắng và cho trẻ học chữ trước vào lớp 1 để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ.

Để chuẩn bị tâm thế cho trẻ lớp 1 học tốt CTGDPT 2018, HS cảm nhận thật sự đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui vì luôn được thầy cô bảo vệ thì các bậc cha mẹ cần tin tưởng ở nhà trường và thầy cô giáo, nếu các bậc cha mẹ luôn tin tưởng và đồng hành chắc chắn sẽ thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.