Phải nắm chắc đặc trưng thể loại
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội, nhất là GV Ngữ văn không khỏi băn khoăn về bài giảng tác phẩm Sóng (Xuân Quỳnh), do thầy Phạm Minh Nhật giảng lưu truyền trên mạng xã hội. Bài giảng được dư luận, các nhà giáo dạy môn Ngữ văn nhận xét là chưa đúng với cảm hứng sáng tác của thi sĩ Xuân Quỳnh.
Từ những băn khoăn này, có thể thấy trong nhà trường, môn Ngữ văn không chỉ là môn khoa học đơn thuần mà mang tính đặc thù trong việc giáo dục vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, kỹ năng sống cho HS. Môn Ngữ văn nói chung và tác phẩm văn chương nói riêng được lựa chọn trong nhà trường hướng đến cái đích là dạy HS cách làm người, hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mĩ, giúp các em biết yêu thương cuộc sống, con người, biết phân biệt đúng, sai, phải, trái... Vì vậy, môn Ngữ văn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giáo dục nhân cách, bồi đắp tâm hồn học trò.
Tuy nhiên, trong quá trình dạy - học, ở đâu đó, chúng ta vẫn gặp những tồn tại về cả phía thầy và trò khiến cho giờ học Ngữ văn - vốn sinh động - trở nên khô khan, tẻ nhạt, không khơi gợi cảm hứng trong tâm hồn người học. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những bài văn qua loa, chiếu lệ, hời hợt của học trò. Điều đó, khiến cho môn Ngữ văn khó có thể phát huy hết vai trò trong giáo dục nhân cách HS.
Một thực tế trong giảng dạy tác phẩm văn chương trong nhà trường phổ thông hiện nay là GV khi dạy không xuất phát từ đặc trưng thể loại, không xác định được hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Trong quá trình đọc - hiểu, GV không khai thác triệt để giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó. Vào bài giảng, nhiều khi GV chỉ chú trọng vào truyền thụ kiến thức, HS ghi chép đầy đủ mà chưa chú trọng đến các chức năng, các giá trị của văn học. Trong khi giảng giải, GV đi quá xa chủ đề của tác phẩm, liên hệ không phù hợp, chọn đối tượng so sánh không tiêu biểu...
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học nếu không khéo hoặc quá lạm dụng, việc cảm thụ vẻ đẹp ngôn từ của tác phẩm sẽ không đạt được. Bởi lẽ, hình thức của tác phẩm văn học là cái hay, cái đẹp ẩn ở tầng sâu ngôn từ.
Không vượt quá chuẩn kiến thức
Để giờ học Ngữ văn nói chung và giờ học tác phẩm văn chương trong nhà trường nói riêng đạt được hiệu quả, trước hết, mỗi thầy cô giáo cần xác định mục tiêu, năng lực hướng đến của bài học để có những định hướng rõ ràng về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất… Cần bám sát vào đặc trưng thể loại để xác định con đường tiếp cận tác phẩm văn chương được dễ dàng và đúng hướng. Trong quá trình dạy - học, cần căn cứ vào các yếu tố như tác giả, hoàn cảnh sáng tác, đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo làm cơ sở đi khai thác tác phẩm.
Đổi mới phương pháp dạy học, hướng đến phát triển năng lực người học là cách làm hiệu quả để HS chủ động, tích cực trong giờ học, giúp các em hòa mình vào tác phẩm một cách tự nhiên nhất và đồng sáng tạo với tác giả. Điều đặc biệt quan trọng là trong giờ học, các em được phát biểu những suy nghĩ, cảm nhận riêng của mình, có sự liên hệ với cuộc sống để đến được cái đích là những bài học hay về cuộc sống.
Khi phân tích tác phẩm văn chương, dù là ở trong nhà trường hay ở không gian khác, GV nên tránh những ngôn từ quá hoa mỹ, sáo rỗng, những lời giảng không phù hợp. Và điều quan trọng là sau mỗi giờ dạy học, việc định hướng tư tưởng cho người học rất cần thiết và quan trọng. Vì thế, các thầy cô giáo cần bám sát vào những giá trị nội dung và nghệ thuật để hướng học trò đến những nhận thức chuẩn mực về cuộc sống, con người, nhân cách, tình yêu, kỹ năng sống... Nếu thầy cô đi lệch với cảm hứng chủ đạo của tác phẩm, suy diễn thì chắc chắn sẽ không đạt được đích của giờ học tác phẩm văn chương.
Chúng ta có quyền bình luận, bình giảng và phát biểu quan điểm về những điều nhà văn, nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm, mỗi người đều được phép đồng sáng tạo với tác giả nhưng tất cả những điều này phải xuất phát từ những cái chuẩn nhất định và phải có giới hạn cụ thể. Còn nếu không, tự nhiên, chúng ta sẽ biến giờ học trở nên lạc dòng hoặc không đến được bến bờ.
Trong quá trình giảng dạy, mỗi thầy cô giáo có một phong cách riêng nhưng luôn cần phải chuẩn mực về kiến thức, phương pháp, lời nói.