Ứng phó với dịch bệnh, năm học trực tuyến xen trực tiếp được ngành Giáo dục, nhà trường chủ động thực hiện và linh hoạt chuyển trạng thái khi cần thiết.
Từng bước đi vào nền nếp
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, trước mắt, ngành Giáo dục nhiều địa phương phía Nam chỉ đạo nhà trường tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Khi học sinh trở lại trường, các trường phải duy trì hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến để đảm bảo kiến thức cho các em; Đồng thời khảo sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đề xuất của cha mẹ học sinh, thống kê trường hợp khó khăn về trang thiết bị học tập để phối hợp với chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh, doanh nghiệp có biện pháp hỗ trợ kịp thời…
Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), trường chuẩn bị 35 máy tính có kết nối Internet; 2 đường truyền của Viettel và 1 đường truyền của VNPT. Ở mỗi lớp đều có nhóm Zalo để quản lý. Lãnh đạo trường có thể tham gia lớp học để nắm tình hình và hỗ trợ thầy cô, học sinh nếu gặp khó khăn.
Đánh giá việc dạy, học trực tuyến, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Sau thời gian tổ chức dạy và học trực tuyến ở năm học trước, chúng tôi nhận thấy học sinh từng bước nắm vững kỹ năng học trực tuyến. Ý thức tự giác trong học tập của các em có tiến bộ. Ðây là những điều kiện cơ bản để triển khai hình thức học này trong năm học 2021 - 2022.
Từ ngày 6/9, học sinh hai khối 9 và 12 tỉnh Tiền Giang bắt đầu học trực tuyến. Qua một tuần triển khai, việc dạy và học của giáo viên và học sinh đã dần đi vào nền nếp. Trong tuần đầu tiên, giáo viên đã triển khai cho học sinh làm quen với trường lớp, ôn lại các kiến thức trọng tâm, giới thiệu chương trình, cách thức tổ chức lớp học… Bên cạnh những thuận lợi cũng nảy sinh một số vấn đề như đường truyền một vài nơi còn chậm; một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa trang bị kịp thời thiết bị học trực tuyến…
Theo cô Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt, Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), khó khăn của việc dạy và học trực tuyến trong những ngày đầu là khó tránh khỏi, đặc biệt với học sinh vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, mọi việc cũng dần đi vào ổn định khi mọi người cùng cố gắng khắc phục. Trường sử dụng phần mềm Vnedu LMS để dạy và học, qua thống kê, lớp 12A3 do cô Phương chủ nhiệm có 3 học sinh và 2 lớp còn lại mỗi lớp 1 học sinh chưa thể bắt đầu học trực tuyến. Những trường hợp này được giáo viên chủ nhiệm và nhà trường tìm hiểu nguyên nhân để có hướng giúp đỡ.
Tại TPHCM, việc dạy học trực tuyến được thực hiện với cấp trung học hơn tuần qua. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Khi buộc phải chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, hiệu quả dạy học của các bậc học vẫn đảm bảo chất lượng bởi nhà trường đều tương tác được với kho học liệu số quốc gia, TP cũng như kho bài giảng
E-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Giáo viên từ lúng túng đã dần thích nghi và chuyên nghiệp với phương thức giảng dạy mới nhờ được cọ sát qua các buổi tập huấn và kỹ năng tích lũy được khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Cơ hội lớn cho nền giáo dục số
Từ những thách thức ban đầu, bằng sự thích ứng, chủ động và chuyển đổi trạng thái dạy học một cách linh hoạt của cô và trò, dạy học trực tuyến dần trở thành thói quen, phương pháp dạy học mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của nền giáo dục trong kỷ nguyên số.
Theo thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Nam Việt, Quận 12, TPHCM, thực tế việc ứng dụng thành tựu của công nghệ số, xây dựng các bài giảng với ứng dụng công nghệ vào bài giảng (E-learning) được giáo viên các cấp triển khai từ nhiều năm nay. Vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, học sinh không thể đến trường thì phần lớn giáo viên và học sinh (trừ học sinh lớp 1) đã quen với các phương thức tương tác có sự hỗ trợ công nghệ số.
“Trong bối cảnh CMCN 4.0, phương pháp giảng dạy cũng phải được mở rộng ở nhiều chiều không gian và thời gian, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của học sinh. Việc thích ứng và tiệm cận với nhiều phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp nền tảng của công nghệ số là nhu cầu tất yếu không thể khác.
Dạy học trực tuyến là xu thế chung của thế giới, việc chúng ta dần chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh tạo nên thói quen học tập mới cho học sinh, từ đó mang đến cơ hội xây dựng và định hình một phương pháp giảng dạy mới hiệu quả xen kẽ với phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, để dạy học trực tuyến thành công việc thay đổi, thích ứng của giáo viên vô cùng quan trọng. Giáo viên phải tự học tập, nâng cao kỹ năng giảng dạy, được tập huấn về công nghệ và phương pháp tích hợp bài giảng thường xuyên hơn mới mang lại hiệu quả”, thầy Hùng nói. Song song đó, để thuận lợi hơn trong việc chuyển trạng thái dạy học, nhà trường rất cần sự đồng lòng của phụ huynh, chung tay của xã hội. Ngành Giáo dục địa phương cần chủ động đề xuất, tham mưu để khắc phục dần khó khăn.
Nhìn nhận việc đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa phương pháp dạy học trực tuyến sẽ mở ra cơ hội lớn cho hệ thống giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế (Bộ KH&CN) cho rằng: Thích ứng với việc dạy học trực tuyến sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục diễn ra nhanh chóng hơn.
“Ngành Giáo dục những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc ngành Giáo dục, các nhà trường chuyển dần trạng thái, phương thức dạy học sang hướng số hóa đã gián tiếp góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa”, TS Tiệp nhấn mạnh.